Việt Nam trong top đầu triển khai công nghệ 5G
Đi sau nhiều quốc gia trên thế giới trong việc triển khai công nghệ 3G và 4G, song với 5G, Việt Nam đang được đánh giá là ở top đầu, với kế hoạch sẽ thử nghiệm vào năm 2019 và thương mại hóa công nghệ trong năm 2020.
Đi sau nhiều quốc gia trên thế giới trong việc triển khai công nghệ 3G và 4G, song với 5G, Việt Nam đang được đánh giá là ở top đầu, với kế hoạch sẽ thử nghiệm vào năm 2019 và thương mại hóa công nghệ trong năm 2020.
Chia sẻ tại Tọa đàm chuyên đề “Đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực viễn thông” diễn ra mới đây tại Hà Nội, bà Susie Armstrong, Phó Chủ tịch Cấp cao về Công nghệ Qualcomm đánh giá cao những nỗ lực của Chính phủ Việt Nam và Bộ Thông tin và truyền thông trong việc thúc đẩy triển khai công nghệ 5G vào năm 2020. “Tôi đã làm việc ở nhiều quốc gia trên thế giới. Tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, và khi đến Việt Nam, tôi thấy tốc độ mà Việt Nam đang tiếp cận với các công nghệ nói chung và công nghệ 5G nói riêng vượt xa với nhiều quốc gia khác” - bà Susie nói.
Theo bà Susie, tại Việt Nam, tiến trình triển khai ứng dụng 5G rất nhanh. Đây là những cơ hội rất lớn. Hơn nữa, Việt Nam đang có những ứng dụng cụ thể trong các ngành kinh tế chẳng hạn như ứng dụng trong lĩnh vực đô thị thông minh. Trong lĩnh vực này, IoT sẽ trở thành công cụ chiến lược để nắm bắt cơ hội, tạo ra những mô hình kinh doanh, ngành nghề kinh doanh mới.
Chuyên gia của Qualcomm nhận định, có hai giai đoạn trong quá trình triển khai công nghệ 5G. Giai đoạn thứ nhất là thử nghiệm, tiền thương mại và giai đoạn thương mại hoá chính thức. Tại Việt Nam, lộ trình triển khai công nghệ 5G sẽ là thử nghiệm vào năm 2019 và thương mại hóa theo kế hoạch mà Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đưa ra đó là vào năm 2020. Như vậy, so với những quốc gia tiên phong về triển khai 5G trên thế giới, Việt Nam đang trong top đầu.
Về mặt công nghệ và kỹ thuật, chuyên gia của Qualcomm đánh giá Việt Nam hoàn toàn có khả năng thử nghiệm công nghệ 5G vào năm 2019 và triển khai thương mại hoá vào năm 2020. Với nguồn nhân lực kỹ thuật tài năng của Việt Nam, đương nhiên về mặt kỹ thuật và công nghệ để triển khai 5G là hoàn toàn khả thi. Bên cạnh đó, cũng cần có những chính sách của nhà nước, cần phải hiệu quả để hỗ trợ việc triển khai 5G.
Để Việt Nam triển khai 5G thành công, toàn bộ hệ sinh thái di động phải sẵn sàng với ba yếu tố cần phải được đáp ứng. Đầu tiên Việt Nam cần phải làm đó là có chiến lược về băng tần cho 5G. Băng tần 5G khác với của 3G, 4G. Chiến lược về băng tần phải sẵn sàng cho việc thử nghiệm vào năm 2019.
Thứ hai đó là các nhà mạng phải lên kế hoạch trong việc thiết kế, xây dựng hạ tầng 5G tại Việt Nam cùng kế hoạch kinh doanh, những phân khúc thị trường 5G nhắm tới cũng như chiến lược triển khai như thế nào. Khi triển khai 5G, việc cân đối với hạ tầng hiện nay là 4G, 3G và các công nghệ khác đòi hỏi nhà mạng phải có chiến lược và quá trình thử nghiệm.
Yếu tố thứ ba cũng rất quan trọng trong việc triển khai 5G tại Việt Nam đó là sự sẵn sàng của các thiết bị đầu cuối. Qualcomm đang làm việc chặt chẽ với các nhà sản xuất thiết bị đầu cuối. Các dòng điện thoại thông minh cho 5G dự kiến vào năm 2019 sẽ được rất nhiều hãng sản xuất điện thoại đưa ra.
Theo chuyên gia Qualcomm, 3 yếu tố trên hội tụ đầy đủ thì việc triển khai 5G tại Việt Nam sẽ bảo đảm đúng tiến độ sẽ thử nghiệm vào 2019, và năm 2020 có mạng 5G thương mại.
Công nghệ 5G mang lại nhiều ứng dụng tiềm năng khác nhau, không chỉ đơn thuần là kết nối thoại, dữ liệu như 4G. Với đặc tính của 5G là độ trễ thấp, dung lượng lớn và thời gian đáp ứng nhanh sẽ tạo ra nhiều cơ hội trong các nền kinh tế khác nhau. Do đó, khi có công nghệ 5G, không chỉ đơn thuần là kết nối thoại và dữ liệu mà nó hỗ trợ nhiều lĩnh vực khác nhau như IoT, đô thị thông minh, y tế thông minh sẽ khiến cơ hội kinh doanh của 5G hoàn toàn khác.
Phát biểu đề dẫn tại Hội thảo Đổi mới sáng tạo Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đã khẳng định: Công nghệ 5G đang tới. Đây là cơ hội để viễn thông Việt Nam thay đổi thứ hạng trong các bảng xếp hạng trên thế giới và là cơ hội để phát triển ngành ICT Việt Nam. Bộ TT&TT hiện đang chủ trương cấp tần số 5G để thử nghiệm từ năm 2019. Đến năm 2020, khi thế giới bắt đầu triển khai 5G, Việt Nam sẽ là những nước đầu tiên triển khai 5G.
Cũng theo Bộ trưởng, công nghệ 5G sẽ tạo ra một cuộc cách mạng về kết nối. Nếu như công nghệ 2G/3G/4G kết nối 7 tỷ người thì 5G sẽ kết nối hàng ngàn tỷ thiết bị, chuyển tải toàn bộ thế giới vật lý vào thế giới ảo. Mạng 5G là hạ tầng kết nối vạn vật - hạ tầng quan trọng nhất của cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Theo VnMedia