Bí mật "cà phê võng" Hà Nội

16:08, 17/12/2009

Thời gian gần đây, cà phê võng- một hình thức uống cà phê được du nhập từ miền Nam ra đang hiện diện tại một số địa điểm ở ngoại thành Hà Nội. Lâu không đi miền Nam, nhớ cái không khí miệt vườn, một ngày cuối tuần, tôi rủ thêm anh bạn đi …cà phê võng để xem sao.

Thời gian gần đây, cà phê võng- một hình thức uống cà phê được du nhập từ miền Nam ra đang hiện diện tại một số địa điểm ở ngoại thành Hà Nội. Lâu không đi miền Nam, nhớ cái không khí miệt vườn, một ngày cuối tuần, tôi rủ thêm anh bạn đi …cà phê võng để xem sao.

Ai ngờ đến nơi mới biết, cà phê thì ít mà… “đấm lưng” thì nhiều.  

Cà phê thì ít… 

Rời nội thành, chúng tôi ngược hướng thị xã Sơn Tây mong tìm một võng quán nào đó. Trước khi đi chúng tôi được những tay thạo ăn chơi chỉ giáo cho rằng nội đô chưa hề có dịch vụ này, “chỉ những vùng đất rộng, người còn thưa, văng vắng mới là địa điểm lý tưởng cho loại hình dịch vụ này”. 

Trời chập choạng tối, hai chúng tôi bước vào một quán cà phê võng ven đường khi chỉ cách thị xã Sơn Tây khoảng chục cây số. Ánh điện trong dãy nhà lờ mờ hắt ra gian ngoài cùng, nơi bố trí rất nhiều võng được nối đầu lại với nhau. Quán cà phê được dựng lên tương đối đơn giản nếu không nói là sơ sài. Ngoài những trụ bằng bê tông, quán cà phê này được trang trang trí bởi lan can bằng tre và mái nhà lợp bằng lá. Gian phòng phía ngoài, nơi để khách nằm uống cà phê được bày trí gồm 4 bàn và khoảng hơn chục cái võng mắc vuông góc với nhau. 

 Ở quán “Võng miền Tây” này, luôn có các cô gái dù giữa mùa đông rất lạnh nhưng vẫn ăn mặc “thiếu vải” phục vụ.
Ở quán “Võng miền Tây” này, luôn có các cô gái dù giữa mùa đông rất lạnh nhưng vẫn ăn mặc “thiếu vải” phục vụ.

Trời về chiều, người qua lại thưa thớt dần. Khác với những gì tưởng tượng ban đầu của chúng tôi, mặc dù có khá nhiều quán xá, nhà trọ, nhà nghỉ và vô số dịch vụ khác mọc san sát nhau nhưng không khí vẫn khá vắng vẻ. Một phần vì không quá nhiều người đi lại ngoài đường vì dù sao đây cũng là ngoại thành. Hơn nữa, có thể sự sôi động nằm bên trong những nhà trọ, nhà nghỉ và quán xá kia.  

Và sẽ không có gì đáng nói khi những chiếc võng ở quán này phục vụ cho những ai đi xa và muốn dừng chân nghỉ ngơi. Nhưng thực tế nó đang ẩn chứa rất nhiều điều khiến những người mới lần đầu bước vào phải bất ngờ. Chúng tôi tìm cho mình mỗi người một chiếc võng rồi ngả lưng, lập tức có ngay một cô “phục vụ” trẻ măng đon đả chạy ra mời chào bằng tiếng miền Nam:  

- Các anh uống cà phê hay là sinh tố để em làm.  

Anh bạn tôi thở dài: “ Bây giờ mới làm thì lúc nào cho được uống”.  

-  “Khách đến đây mấy ai uống cà phê, pha ra hỏng mất” - Cô gái thật thà. 

-  “Vào quán cà phê không uống cà phê thì uống gì?” -  Tôi hỏi. 

-  “Tẩm quất!” -  Cô gái trả lời nhỏ nhẹ, ngắn gọn với giọng đầy ẩn ý.  

Nhìn vào phía trong thấy chỉ mỗi căn phòng trống hoác mà chủ quán dùng đó để pha đồ uống, tôi bước ra phía ngoài cổng mới hay chung tường với quán võng cà phê này là một quán đấm lưng gội đầu thư giãn. Có 4 cô gái vận đồ “thiếu vải” ngồi chụm đầu với nhau nói chuyện gì đó, thấy khách ngó đến vội bủa vây lấy chào mời. Mấy cô nàng đó cũng giọng miền Nam.

 Một quán cà phê võng gần thị xã Sơn Tây
Một quán cà phê võng gần thị xã Sơn Tây

Quay lại võng nằm nhâm nhi ly cà phê, hỏi ra mới biết giữa quán võng cà phê và đấm lưng tuy là hai căn nhà khác nhau nhưng là... một, chúng tôi để ý mới thấy lời phục vụ nói đúng thật. Chẳng mấy ai đến đây uống cà phê cả, những chiếc võng mắc ra chỉ để khách nằm chờ. Có 3 thanh niên, chắc không phải là dân địa phương lao vào quán, chia nhau võng nằm. Một trong ba người đó thả giọng sành sỏi: “ Phải chờ à?”. Cô phục vụ nhẹ nhàng: “Dạ, đang có khách. Các anh chờ chút thôi”. Nằm được một lúc thì cả 3 thanh niên được gọi sang quán đấm lưng. 

...Đấm lưng  thì nhiều! 

Khi trời đã tối hẳn, chúng tôi đánh bạo bước vào quán tẩm quất thư giãn bên cạnh theo giới thiệu của cô phục vụ bàn. Trong ánh điện đỏ lờ mờ, thứ ánh sáng đặc trưng của các quán tẩm quất thường thấy, anh bạn tôi thả giọng từng trải hỏi chủ quán:

 - Em út ở đây thế nào bà chị?  

Bà chủ quán vội chối đây đẩy:  

-  Ở đây chỉ đấm lưng lành mạnh thôi. Không phục vụ chuyện bậy bạ như ở những chỗ khác đâu. 

-  Đấm lưng miền Tây mà chỉ lành mạnh thôi thì chán chết? anh này giả giọng đầy thất vọng. 

Bà chủ miệng thì nói “không” còn tay “chỉ đạo” hai em đang ngồi ở ghế vào làm việc. Không thấy chúng tôi nói gì bà này đon đả trở lại: “ Nói thế chứ, hai em yên tâm, toàn những em chị tuyển từ trong An Giang ra, phục vụ rất chuyên nghiệp, bảo đảm bọn em sẽ hài lòng”. 

 Quán "cà phê võng" được dựng lên một cách thô sơ.
Quán "cà phê võng" được dựng lên một cách thô sơ.

Quán đấm lưng thư giãn của bà cũng được xây dựng bằng sò và gia trát qua loa. Phía ngoài sân chỉ kê mỗi chiếc bàn uống nước, bên trong các “phòng làm việc” được xây ngăn lại từng ô một. Có 4 ô tất cả. Mỗi “phòng” chưa đến 3m², đủ kê một chiếc ghế nằm thường thấy ở cửa hiệu cắt tóc, còn lại là một lối đi hẹp. Trước khi vào phòng bà này ngã giá luôn:“50 nghìn tiền tẩm quất. Thêm gì thì tính sau”. Nói đoạn, như sực nhớ ra điều gì bà chạy vào nói nhỏ gì đó với  hai nhân viên đấm lưng từ nãy giờ vẫn ngồi ở bàn để sẵn sàng phục vụ khách. 

Trong gian phòng bé, trần nhà không che đậy gì, tôi giả lả hỏi cô nhân viên đấm lưng cho mình lý lịch trích ngang. Cô này nhất quyết không nói tên, chỉ cho biết rằng quê ở Tiền Giang ra Hà Nội làm ở quán này đã hơn 1 năm. 

- Mỗi ngày phục vụ khoảng bao nhiêu khách? - Tôi hỏi. 

Cô gái bảo:

- Mỗi ngày khoảng dăm người. Cuối tuần như thế này thường đông khách hơn. 

- Sao không mở quán ở quê mà lặn lội ra đây làm gì cho xa? 

- Cái nghề này làm gì dân bản địa hành nghề được mà anh cứ hỏi. Với lại đem mấy thứ là lạ từ nơi khác đến thì khách người ta mới thích.  

Cô gái đấm lưng này cho biết trước kia cũng làm nghề ở Sài Gòn nhưng dân chơi ở trong đó ngày một không “khoái ” mấy trò này nữa, cho nên “sức lao động” mình bỏ ra bị các chủ quán “hạ giá” không thương tiếc, đành dạt ra Bắc làm ăn.  

Vừa trò chuyện, cô vừa đấm thùm thụp. Được một lúc, bất chợt dừng lại, cô gái hỏi lại đến hai lần:  

- Đấm thế được rồi, anh có thư giãn không? 

-Thư giãn như thế nào? - Tôi thắc mắc. 

- “Tàu nhanh”, “tàu chậm” gì cũng được rẻ thôi, một trăm. Ngay cạnh quán gần đây, mỗi lượt khách “đấm lưng” có khi phải “bo” đến 5 hay 6 trăm nghìn, giá cả như chúng em vẫn.. “bèo” - Cô ta trả lời gọn lỏn.  

Tôi tỏ vẻ ngần ngại thì cô gái trấn an: 

- Vô tư đi, chẳng ai để ý gì đâu. Lúc nãy bà chủ nhắc nhở như thế nhưng tùy cơ mà ứng biến, với lại chúng em không muốn làm khách thất vọng. Chỉ cần “bo” thêm tiền cho em là được... 

Bước ra khỏi phòng của cô gái này, trong khi chờ anh bạn đang ở phía trong kia, tôi rảo bước trước cổng quán. Trời đông về đêm khá tĩnh mịch, nhưng thỉnh thoảng lại có khách tìm đến. Và hình như phần lớn khách đến đây đều biết mình cần gì. Đến nơi, chẳng ai hỏi cà phê như chúng tôi mà nằm vật ra võng rồi gọi chủ quán “bố trí”. Thậm chí có đám thanh niên đánh cả taxi tấp vào quán võng, giọng đã nhừa nhựa rượu, nằm vật vạ trên võng... chờ đến lượt.  

Đằng sau những chiếc võng vắt vẻo kia, tưởng như là hình thức cà phê đàng hoàng và thú vị, nhưng khi thâm nhập vào mới rõ hoạt động mãi dâm trá hình vẫn âm thầm hoạt động ở nơi đây.

Theo Gia Đình Xã Hội