Đi xét nghiệm ADN để đỡ... ’nuôi ong tay áo’

21:40, 02/12/2009

Ngày càng có nhiều người đàn ông muốn xét nghiệm ADN và kết quả cho thấy có đến 30% số đàn ông đi xét nghiệm phát hiện họ không phải cha đẻ đứa con họ đang nuôi.

PGS.TS, chuyên gia tâm lý học Nguyễn Hồi Loan cho biết ông không ngỡ ngàng trước thông tin ngày càng có nhiều người đàn ông muốn xét nghiệm ADN. Ông cũng hoàn toàn không bị “sốc” khi biết có tới 30% số đàn ông đi xét nghiệm phát hiện họ không phải cha đẻ đứa con họ đang nuôi.[links()]

Ngày càng có nhiều đàn ông muốn xét nghiệm ADN

Bà Nguyễn Thị Nga, Giám đốc Trung tâm phân tích ADN và công nghệ di truyền cho biết, khoảng 2 đến 3 năm trở lại đây, nhu cầu xét nghiệm ADN của người dân Việt Nam tăng đột biến. Trước đây, trung tâm xét nghiệm nhiều nhất cho 10 người/tháng. Nhưng hiện nay, mỗi tháng có trung bình 30 khách hàng. Những năm qua, bà Nga đã xét nghiệm cho vài ngàn người, đến từ khắp tỉnh thành trên cả nước.

Điểm đáng lưu ý là tuổi của những người đàn ông đến xét nghiệm xác định huyết thống cha con ngày càng được trẻ hóa, đa số ở tuổi từ 20 đến 32. Thậm chí, có người mới lập gia đình, vừa có con đã đi xét nghiệm để đảm bảo mình không “nuôi ong tay áo”. Có những cậu choai choai tuổi 18, vì lỡ nhưng không tin bạn gái nên đến xét nghiệm để sau đó "mang hậu quả về cho cha mẹ gánh".

Ngày càng có nhiều đàn ông muốn xét nghiệm ADN.
Ngày càng có nhiều đàn ông muốn xét nghiệm ADN.

Trước đây, khách hàng của trung tâm chủ yếu là người trung tuổi, có nhu cầu tìm con thất lạc hoặc cần kết quả để mang ra tòa án làm căn cứ phân chia tài sản.

Đối tượng đến xét nghiệm ADN rất đa dạng, đầy đủ các thành phần nhưng nhiều nhất là các vị giám đốc, lái xe đường dài, người giàu có lắm tiền nhiều của. “Những đối tượng này thường hay tiếp xúc các cô gái trẻ đẹp, lại thông minh. Họ biết cách để “bắt vạ” người có tiền của để có lợi”, bà Nga nói.

Trong số 90% đàn ông đến xét nghiệm tại trung tâm, có một nửa muốn nhận được kết quả tốt đẹp để duy trì hạnh phúc gia đình, một nửa còn lại muốn phủ nhận đứa bé để rũ bỏ trách nhiệm. Đây thường là những thanh niên chưa lập gia đình, hoặc đã lập gia đình nhưng bị “bồ” dồn ép đến chân tường.

Vì thế, bà Nga và các nhân viên của trung tâm luôn phải đối mặt với lời đề nghị mua chuộc kết quả bằng tiền. Với người phụ nữ, họ mua chuộc để trung tâm đưa cho chồng mình một kết quả như ý nhằm giữ chồng, giữ hạnh phúc gia đình. Ngược lại, đàn ông mua kết quả nhằm chứng minh đứa bé không là con mình.

“Họ sẵn sàng chi nhiều tiền, thậm chí rất nhiều để chúng tôi sửa kết quả. Mỗi lần cầm một tờ phiếu kết quả cho biết 2 người không phải cha con, tôi cũng rất buồn, vì lại sắp có thêm một bi kịch xảy ra. Nhưng tôi nghĩ sự thật vẫn là sự thật, không thể che giấu suốt đời. Người bị lừa dối luôn đi tìm sự thật. Thà biết rồi đau đớn tột cùng một lần còn hơn là suốt đời sống trong lừa dối. Hạnh phúc không thể xây dựng trên sự dối trá”, bà Nga nhấn mạnh.

Không sốc, không ngỡ ngàng

“Đây là một hiện tượng xã hội. Nó hoàn toàn có thể xảy ra trong điều kiện xã hội hiện nay”, ông Nguyễn Hồi Loan nhận định.

Theo ông Loan, nguyên nhân sâu xa của việc các ông bố, ông bà nội cứ nhất định phải biết rõ nguồn gốc đứa bé, khăng khăng phải xác định con ruột là tâm lý dòng họ, huyết thống đã thấm sâu vào ý thức của từng người Việt Nam.

“Tâm lý này đã có từ ngàn xưa, nó trở thành chuẩn mực vì được cả xã hội thừa nhận rồi, thậm chí trở thành giá trị sống. Vì thế, việc người đàn ông đòi xét nghiệm xem đứa bé đó có phải con thật của mình hay không là điều dễ hiểu”, ông Loan nói.

Trong điều kiện xã hội hiện nay, ông Loan cho rằng, sự phát triển của nền kinh tế thị trường đã nới rộng cơ hội tiếp cận các mối quan hệ mới, đồng nghĩa với việc nới lỏng các mối quan hệ sẵn có. Người phụ nữ được giải phóng, được đề cao. Cùng với nam giới họ có cơ hội để được tự do nhiều hơn.

Mặt khác, càng ngày xã hội càng kỳ vọng vào từng cá nhân nhiều hơn. Mỗi người phải tự phấn đấu, dành nhiều thời gian hơn cho công việc. Vì vậy, thời gian dành cho vợ/chồng, con cái và những mối quan hệ chung giảm mạnh, mức độ ràng buộc gắn kết cũng nhạt dần đi.

“Phụ nữ có nhu cầu tình cảm, tinh thần rất cao. Cuộc sống như vậy có thể khiến họ chống chếnh, thiếu vắng, dẫn đến việc ở một thời điểm nào đó họ có thể sa vào những mối quan hệ ngoài gia đình. Nếu không có biện pháp phòng tránh, khả năng để lại hậu quả là rất cao”, ông Loan nhấn mạnh.

Ngoài ra, một lý do quan trọng nữa ông Loan muốn nhắc tới, đó là hiện tượng “tự do tình dục” trong giai đoạn hiện nay ở Việt Nam là có thật. Người khác giới có thể không cần có tình yêu vẫn có quan hệ thể xác bình thường. Người phụ nữ cũng dám chấp nhận sự thật, thậm chí thách đố cả dư luận để đạt được điều mình muốn.

Từ góc độ xã hội, có nhà xã hội học cho rằng hiện tượng trên (với các tính chất đã được phân tích) là hệ quả tất yếu của việc du nhập văn hóa nước ngoài qua phim ảnh, băng đĩa,…

“Tôi quan sát thấy nhiều cô gái sống buông thả, quan hệ tình dục bừa bãi, sống không có trách nhiệm. Các trung tâm xét nghiệm ADN phát triển cũng là một lời cảnh báo để các cô gái hãy sống thận trọng hơn, giữ mình hơn. Không thể che giấu sự thật suốt đời được”, bà Nguyễn Thị Nga nhấn mạnh.

Qua hiện tượng này, ông Loan đánh giá xã hội rõ ràng đang có sự vận động, biến đổi những chuẩn mực đạo đức, những giá trị sống, dù sự biến đổi này rất chậm. Tính chất và các mối quan hệ trong gia đình cũng đang biến đổi theo.

“Hiện tượng này nảy sinh là hợp logic tất yếu của sự phát triển. Nó phản ánh đúng sự phát triển của xã hội và các vấn đề nảy sinh trong cuộc sống. Còn nhìn nhận nó đúng hay sai, nên hay không nên, cần làm gì thì đó lại là câu chuyện của từng con người trong từng hoàn cảnh cụ thể”, ông Loan đúc kết.

Theo VNN