Hàng nghìn tỷ đồng để ’giải cứu’ sông Hồng

09:37, 03/12/2009

Mực nước của sông Hồng hiện ở ngưỡng 1,3m, trước đó, ngày 18/11, mực nước chỉ còn 0,76m. Cơ quan dự báo thủy văn cho hay, thời gian tới, mực nước có thể tiếp tục xuống ngưỡng 0,8m.

Mực nước của sông Hồng hiện ở ngưỡng 1,3m, trước đó, ngày 18/11, mực nước chỉ còn 0,76m. Cơ quan dự báo thủy văn cho hay, thời gian tới, mực nước có thể tiếp tục xuống ngưỡng 0,8m.

Sông Hồng cạn trơ đáy, tàu thuyền mắc cạn, ách tắc. Nông nghiệp nhiều tỉnh miền Bắc ở hạ lưu có thể bị mất mùa nếu không giải quyết kịp thời. Bộ NN-PTNT ước tính có thể mất hàng nghìn tỷ đồng để giải quyết  vụ “cạn lòng” của dòng sông đỏ nặng phù sa này.

Ngư dân đi nhặt rác, tàu thuyền mắc cạn 

Chiều 2/12, khu vực thượng lưu cầu Long Biên, Chương Dương, chứng kiến cảnh sông Hồng cạn trơ đáy. Khu làng chài ven sông Hồng trở nên đìu hiu không một bóng người do các ngư dân đã bỏ thuyền, tìm việc khác kiếm sống. Sống ở khu vực ven sông từ nhỏ, bác Tâm, 64 tuổi, ngụ phố Nguyễn Tư Giản, phường Phúc Tân, quận Long Biên, nói: “Chưa năm nào nước sông rút sớm đến thế. Bình thường phải tới tháng 3, tháng 4 mực nước mới rút sâu”.

Mực nước sông Hồng xuống thấp, nhìn thấy cả móng cầu Long Biên. Ảnh: Trung Kiên
Mực nước sông Hồng xuống thấp, nhìn thấy cả móng cầu Long Biên.
Ảnh: Trung Kiên

Anh Tuấn, người dân xóm chài trên địa bàn tổ 28 phường, Phúc Tân, cho biết gia đình anh sống bằng nghề đánh bắt cá, nuôi cá lồng ven bờ sông Hồng đã 10 năm nhưng nay phải chuyển nghề kiếm sống. “Nước rút cạn, lại thêm ô nhiễm nên cá lồng của cả khu chài đều bị chết, chúng tôi phải chuyển sang đi nhặt rác, sống qua ngày”, anh Tuấn tâm sự.

Giao thông đường thủy trên con sông quan trọng bậc nhất miền Bắc này cũng bị ngưng trệ. Ông Lê Văn Lương, Giám đốc Công ty CP Quản lý đường sông số 6 cho biết, do không cập nhật thông tin lưu lượng dòng chảy nên trong thời điểm này vào những ngày cao điểm, có hơn 200 tàu thuyền mắc cạn, nằm chờ nước lên. “Thiệt hại về kinh tế do chậm trễ trong việc lưu thông hàng hóa, lao động của những chủ tàu thuyền trong những ngày này là không nhỏ”, ông Lương khẳng định. Theo dự báo, mực nước sông Hồng trong mùa khô năm nay sẽ giảm 40 - 50% lưu lượng. Theo kinh nghiệm của ông Lương, căn cứ tình hình thời tiết thực tế hiện nay, chỉ hai tháng nữa mực nước sẽ xuống mức kiệt, mức dự báo 0,8m là điều hoàn toàn có thể.

Bổ sung nước cho... sông

Nguồn bổ sung nước cho sông Hồng thời gian tới sẽ được lấy từ ba hồ thủy điện lớn là Hòa Bình, Thác Bà và Tuyên Quang. Tuy nhiên, hiện lượng nước của các hồ này cũng đang bị thiếu hụt.
 
Ông Trần Kim Phàn, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi và Phòng chống lụt bão tỉnh Hòa Bình cho hay, hiện mực nước hồ Hòa Bình chỉ còn 113,5 m,  thấp hơn bình thường 3,5m. Như vậy, hồ Hòa Bình đang thiếu trên 1 tỷ m3. Theo Bộ NN - PTNT, hồ Thác Bà cũng đang thiếu 1,263 tỷ m3 nước, hồ Tuyên Quang thiếu 977 triệu m3. Do vậy, phương án xả nước chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến việc phát điện, tuy nhiên việc cứu hạn sông Hồng và toàn bộ vùng hạ du đang là vấn đề cấp bách.

Ông Đặng Duy Hiển, Trưởng Phòng Quản lý tưới tiêu, Bộ NN - PTNT cho biết, Bộ NN - PTNT vừa khảo sát khu vực phía nam sông Hồng. Theo đó, Vụ Đông – Xuân của các tỉnh đồng bằng vùng hạ lưu như Hà Nam, Nam Định, Thái Bình, Hưng Yên… dự báo sẽ bị ảnh hưởng nặng nề bởi chỉ trong khoảng một tháng nữa, các tỉnh này sẽ gieo cấy lúa Đông - Xuân và phải đồng loạt lấy nước. Lượng nước thiếu hụt cả vụ dự tính lên tới 4,5 tỷ m3. Bộ NN - PTNT đang xây dựng kế hoạch bổ sung nước cho con sông này.

Ngoài việc xả nước từ các hồ thủy điện, nhiều công việc khác như nạo vét dòng sông, kênh tưới tiêu, lắp đặt các trạm bơm dã chiến…cũng sẽ phải tiến hành đồng thời. Tổng chi phí cho chiến dịch “giải cứu sông Hồng” ước tính ngốn thêm hàng nghìn tỷ đồng so với những năm bình thường. Ông Hiển dẫn chứng: “Riêng tại Hà Nội, sẽ phải lắp đặt thêm khoảng 226 máy bơm dã chiến tại 72 trạm. Chi phí cho số trạm bơm dã chiến này đã lên tới 100 tỷ đồng. Đó là chưa kể chi phí nạo vét nhiều đoạn của hệ thống kênh, mương với tổng khối lượng hơn 2,4 tỷ m3, chi phí cho điện, xăng vận hành hệ thống trạm bơm….”, ông Hiển nhận định. 

Theo Đất việt