Tìm về với cổ nhân cùng chuyên gia "đào mồ cuốc mả"

16:39, 02/12/2009

"Trong phòng làm việc của tôi luôn có khoảng 100 bộ xương người. Tôi quá quen nên không có cảm giác sợ hãi gì cả".

"Trong phòng làm việc của tôi luôn có khoảng 100 bộ xương người. Tôi quá quen nên không có cảm giác sợ hãi gì cả. Hơn nữa, trước khi khai quật mộ tôi luôn làm lễ, thắp hương theo đúng tâm linh người Việt. Trước hết là bày tỏ sự kính trọng với người đã khuất, đồng thời để tâm mình hoàn toàn thoải mái nên chắc không có cụ nào trách móc tôi gì cả" - nhà khảo cổ học, PGS Nguyễn Lân Cường.

Gặp ông chuyên gia "đào mồ cuốc mả"

Thật khó tìm cho PGS, TS Nguyễn Lân Cường một danh xưng phù hợp nhất. Tìm thông tin trên Google, mỗi bài báo về ông lại có một danh xưng khác nhau: nhà cổ nhân học, nhà khảo cổ học, nhà giáo, nhà nhân chủng học, nhạc sĩ Lân Cường, Phó giáo sư...

Nếu ai đó chưa biết rõ về ông có lẽ sẽ tưởng đó là nhiều người khác nhau. Đọc xong phần chức danh chiếm 2/3 tấm card, không ai nhớ hết danh xưng của ông là gì. Bạn  bè  gọi đùa ông là "phố Nguyễn Lân Cường" bởi vì phố gồm nhiều nhà, gọi nhà nọ nhà kia mệt quá, gộp luôn là "phố" cho tiện.

PGS Nguyễn Lân Cường (Ảnh: Nhân vật cung cấp
PGS Nguyễn Lân Cường (Ảnh: Nhân vật cung cấp

Bỏ sang bên cạnh các chức danh, PGS-TS Nguyễn Lân Cường là một cái tên quá quen thuộc trong giới học giả trí thức. Ông là người con thứ tư trong gia đình cố NGND, Giáo  sư Nguyễn Lân, là anh em trai của các GS, PGS, TS nổi tiếng Nguyễn Lân Tuất, Nguyễn Lân Dũng, Nguyễn Lân Hùng, Nguyễn Lân Việt, Nguyễn Lân Trung...

Nguyễn Lân Cường được biết đến là người đã tìm ra hình thức "thiền táng" của các nhục thân thiền sư ở Đậu (Hà Nội), mà sau này mới biết trên thế giới chỉ thấy có ở Việt Nam và Trung Quốc. Ông cũng là người trực tiếp tu bổ các nhục thân này và là người Việt Nam đầu tiên và duy nhất được đào tạo ở nước ngoài về phương pháp phục chế lại mặt người theo xương sọ.

Ngay từ nhỏ, được ảnh hưởng của người anh trai Nguyễn Lân Tuất (hiện là Nghệ sĩ công huân tại Nga), từng đam mê âm nhạc, từng cùng NSND Trọng Khôi trúng  tuyển lớp đào tạo diễn viên  kịch  nói  để  đi học ở Liên Xô.... nhưng rốt cuộc Nguyễn Lân Cường lại thi vào ĐH Tổng hợp Hà Nội (nay là ĐH KHXH&NV thuộc ĐHQG Hà Nội).

Có vẻ hơi tréo giò với anh trai ông - GS Nguyễn Lân Dũng, người lúc đầu học ở trường Đại học khoa học, nhưng sau lại chuyển sang nghiên cứu vi sinh vật học. Nguyễn Lân Cường tốt nghiệp Khoa Sinh vật với khóa luận "Phương pháp nuôi cá mè ở ruộng nước".

Thế nhưng Nguyễn Lân Cường lại không xắn quần lội ruộng cùng nông dân như em trai ông - Nguyễn Lân Hùng mà chuyển sang "đào mồ cuốc mả", như lời mẹ ông nói khi biết con trai được lựa chọn sang làm việc cho ngành khảo cổ học chỉ vì ông học về... động vật có xương sống.

Cùng sinh viên và các sọ cổ nhân (Ảnh: Nhân vật cung cấp)
Cùng sinh viên và các sọ cổ nhân (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Từ đó đến nay, PGS Nguyễn Lân Cường đã làm việc được tròn 44 năm, nghiên cứu khoảng 800 bộ xương người khác nhau. Nói không ngoa, thời gian ông dành cho những bộ xương cũng chẳng kém thời gian ông dành cho người sống.

Trong các câu chuyện của ông, có thể có âm nhạc, bóng đá, giáo dục, nhưng nhiều nhất vẫn là... xương. Nhìn cảnh vị PGS cầm chiếc sọ người ngắm nghía mô tả say sưa, hay tấm card cũng có hình sọ, mới biết nhà "xương học" này miệt mài với công việc thế nào.

Chiếm khá nhiều thời gian của buổi phỏng vấn,  ông say sưa giới thiệu "một cái sọ cực đẹp". Tất nhiên với con mắt ngoại đạo thì những cái sọ với 2 hốc mắt và hốc mũi sâu hoắm trông không khác nhau là mấy, ngoài cảm giác... sờ sợ. Sau một hồi được giải thích, người viết bài hiểu đây là chiếc sọ quý, đã có niên đại ngót vạn năm, và không phải của chủng người Việt Nam thuần túy với ụ mày cao, hốc mũi tròn, sọ khá  dài... như PGS Cường phân tích "chỉ có ở thổ dân tây Úc "

Bức ảnh nổi tiếng "Người Việt cổ" Nguyễn Lân Cường  trong chiếc chum mai táng người chết (Ảnh: Nhân vật cung cấp)
Bức ảnh nổi tiếng "Người Việt cổ" Nguyễn Lân Cường  trong chiếc chum mai táng người chết (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Hỏi ông suốt bao nhiêu năm "đào mồ cuốc mả" và làm việc với hài cốt người chết như thế, ông đã bao giờ được "các cụ" hỏi thăm chưa, ông cười nói "chưa".

"Trong phòng làm việc của tôi luôn có khoảng 100 bộ xương người. Tôi quá quen nên không có cảm giác sợ hãi gì cả. Hơn nữa, trước khi khai quật mộ tôi luôn làm lễ, thắp hương theo đúng tâm linh người Việt. Trước hết là bày tỏ sự kính trọng với người đã khuất, đồng thời để tâm mình hoàn toàn thoải mái nên chắc không có cụ nào trách móc tôi gì cả".

Ông kể có một lần duy nhất tưởng được "diện kiến" các cụ. Lần đó ông đang nằm nghỉ trưa trong phòng làm việc với các bộ xương người xung quanh. Cả không gian im ắng bỗng có tiếng "cạch", ông ngồi nhỏm dậy lại không thấy gì. Khi ông vừa ngả lưng lại "cạch". Sau khi đi kiểm tra một vòng thì hóa ra thủ phạm là... hai chú chuột đang cố cậy chiếc hòm đựng xương... để gặm.

Chiếc sọ nhóm ông Cường tìm thấy năm 2006, tại hang Phia Vài, huyện Nà Hang, Tuyên Quang. Sọ có hai con ốc nhỏ nằm gọn trong hai cái hốc mắt của chiếc hộp sọ. Trước khi khâm liệm người ta đã đặt lên mắt người chết mỗi bên một con ốc để khi phần da thịt tiêu đi, con ốc sẽ tự nhiên tụt xuống hai hố mắt để thay cho hai con mắt như lúc đang còn sống. Đây là một phát hiện cực kỳ quan trọng không những về mặt cổ nhân học mà còn liên quan đến cả vấn đề quan niệm thẩm mỹ của người xưa. (Ảnh: Nhân vật cung cấp).
Chiếc sọ nhóm ông Cường tìm thấy năm 2006, tại hang Phia Vài, huyện Nà Hang, Tuyên Quang. Sọ có hai con ốc nhỏ nằm gọn trong hai cái hốc mắt của chiếc hộp sọ. Trước khi khâm liệm người ta đã đặt lên mắt người chết mỗi bên một con ốc để khi phần da thịt tiêu đi, con ốc sẽ tự nhiên tụt xuống hai hố mắt để thay cho hai con mắt như lúc đang còn sống. Đây là một phát hiện cực kỳ quan trọng không những về mặt cổ nhân học mà còn liên quan đến cả vấn đề quan niệm thẩm mỹ của người xưa. (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Ông nói dù chưa bị/được các linh hồn hỏi thăm bao giờ, nhưng không ít lần ông gặp khó khăn với người sống. Những câu chuyện trong cuộc đời làm khảo cổ cả vui lẫn buồn.

Trong những năm chiến tranh, có một lần ông và một người bạn ở Đội khảo cổ được phân công chuyển một bộ hài cốt cổ từ nơi khai quật về Hà Nội để nghiên cứu. Các ông phải chở một tạ thạch cao để bó bộ cốt và vận chuyển bằng tàu hỏa. Khi đi qua cầu Tào (Thanh Hóa) có kẻng báo động. Hai người vừa nhảy khỏi tàu xuống ruộng lánh nạn, bom đã đánh trúng cầu Tào khiến cây cầu gục luôn. Hai anh em lại phải hì hục chuyển tạ thạch cao bằng đò qua sông để rồi đón tầu từ Nghệ An ra và đi tiếp.

Lần khác, khi đi khai quật ở miền núi, một bà cụ già dắt đứa cháu nhỏ, tay xách nải chuối sang tặng đoàn. Sau lời chào hỏi, cụ khẩn khoản trình bày: "Nghe tin có đoàn khảo cổ về, tôi mừng lắm! Chẳng là đứa cháu tôi đây bị bướu cổ, nhờ đoàn khảo cổ cho cháu!!!"

Gần đây nhất, khi khai quật xong ở Hang Tọ (Sơn La), Đoàn khảo cổ  phải thuê đò để mang hài cốt về, khi chủ đò phát hiện ra bắt vạ, họ cho rằng cái hồn ma đã nhập vào chiếc đò nên không thể dùng được nữa. Đoàn khảo cổ phải đền cái đò mới và làm một lễ cúng với đầy đủ lễ vật họ mới chịu.

Muốn biết người Việt cổ thế nào, cứ nhìn tôi!

"Tai nạn nghề nghiệp" ồn ào nhất của ông chính là vụ xác ướp được tìm thấy ở Vườn đào Nhật Tân. Vì không muốn công việc bị ảnh hưởng bởi những người dân hiếu kỳ vây kín xung quanh. Ông tuyên bố: nếu mọi người trật tự đứng cách xa miệng hố khai quật 1 mét, thì ông sẽ cho xem mọi vật tìm được trong quan tài.

Người dân tán thành. Trong những thứ tìm được có một túi bằng vải sa tanh nhỏ, trang trí rất đẹp, vì sợ mở ngay ra sẽ làm hư hại túi . Ông đành cất đi. Không ngờ, người dân nhìn thấy và đồn đại nhà khảo cổ học đã "cất giấu báu vật" ??? Lãnh đạo Quận Tây Hồ phải đề nghị ông lên giải thích cho bà con. Chiều ấy ông khệ nệ ôm máy chiếu lên sân Trường cấp 1 Nhật Tân để tối giải thích cho bà con xem. Ông không ngờ dân kéo đến đông thế, có đến nghìn người ngồi chật cả trên đê. Mọi người hể hả khi ông chiếu hình chiếc túi nhỏ mà bên trong có đựng 20 chiếc răng nhuộm đen của người quá cố. Theo ông, vị nhà giàu này bị bệnh sụt lợi.

Ông Cường cùng đồng sự khai quật xác ướp tại Vườn đào Nhật Tân (Ảnh: Nhân vật cung cấp)
Ông Cường cùng đồng sự khai quật xác ướp tại Vườn đào Nhật Tân (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Chuyện chiếc sọ "cực đẹp" nổi tiếng của ông cũng ly kỳ chẳng kém. Khi tìm được ở Thanh Hóa, sọ bị bao bọc bằng một lớp trầm tích rất cứng. Không thể dùng đục to để phá lớp trầm tích này, vì như vậy sẽ làm sọ bị vỡ.

Ông cùng đồng nghiệp Nguyễn Kim Thủy phải đập bẹt chiếc nan hoa xe đạp Trung Quốc làm dụng cụ và gẩy từng tý, ngày này qua ngày khác, suốt 6 tháng trời mới bỏ hết được lớp trầm tích và gắn chắp lại chiếc sọ cổ từ 50 mảnh.

Trong dịp khai quật khu mộ cổ Giồng Cá Vồ ở TP Hồ Chí Minh. Mấy nhà khảo cổ tranh luận cho rằng chiếc chum bé quá làm sao mai táng vừa một người. Chẳng nói chẳng rằng, ông cởi phăng quần áo và ngồi lọt thỏm trong chum làm bằng chứng cho nhận định của mình. Một anh bạn nhanh tay chớp thời cơ. Bức ảnh trở nên nổi tiếng vì nhiều nhà khảo cổ đi dự Hội nghị quốc tế thường dùng bức ảnh này để kết thúc bản tham luận của mình giữa tiếng cười vang của thính giả...

Có một nhạc sĩ Lân Cường

Chiếc sọ "cực đẹp" đã có niên đại ngót vạn năm đã theo ông Cường tham dự nhiều hội thảo khoa học quốc tế (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Trong một góc "phố Nguyễn Lân Cường", có những danh xưng hầu như chẳng liên quan gì đến xương hay nhân chủng học: Ủy viên Ban Chấp hành Hội Âm nhạc Hà Nội, ủy viên Ban Kiểm tra Hội Nhạc sĩ Việt Nam... Người chỉ huy dàn hợp xướng Trường Phổ thông Chu Văn An và Việt Đức từ những năm 1958-1960,

Khác với sự hình dung hay thấy về các nhà khoa học: thường nghiêm nghị, đạo mạo, vị PGS "người Việt cổ" tác phong nhanh nhẹn, hay bông đùa, lúc nào cũng "hồn nhiên". Xen giữa những câu chuyện về xương xẩu, hay nhục thân... ông còn cho tôi nghe các nhạc phẩm ông sáng tác từ năm 1960 đến nay rồi lẩm nhẩm gõ nhịp hát.

Ông viết ca khúc giống như các nhà văn kể chuyện. Mỗi bài hát là một kỷ niệm, một suy tư về cuộc đời,về con người. Khá nhiều ca khúc của ông viết cho thiếu nhi và người lớn: Con búp bê của em, Ba điểm 10, Về đi em, Vi va Cu ba - Việt Nam, Cảm xúc Hoàng Thành... Đặc biệt ca khúc Việt Nam chiến thắng đã vang lên trên khắp đất nước trong dịp đội tuyển bóng đá Việt Nam lần đầu tiên giành chức vô địch Đông Nam Á.

Những ngày này, ông đang bận rộn để chuẩn bị họp báo về cuốn sách mới của ông Bí mật phía sau nhục thân của các vị thiền sư,  có kèm gần 250 tấm ảnh màu do chính ông chụp, với những tiêu đề đầy ly kì như Vụ trộm lúc nửa đêm, Trong bụng thiền sư có gì?, Bí mật dưới đáy giếng rồng ...

Tôi tranh thủ hỏi chuyện ông:

- Là nhà khoa học, ông có tin vào sự tồn tại của thế giới sau cái chết và các linh hồn không?

- Có nhiều chuyện chưa thể nói rõ được, cần phải được nghiên cứu tiếp tục. Mà các nhà khoa học còn đang nghiên cứu thì sao tôi có thể trả lời được...

- Bao nhiêu năm nghiên cứu xác ướp và các nhục thân của các thiền sư, ông có định luyện tập như họ không, biết đâu...?

- (Cười lớn) Tôi có muốn cũng không làm được! Các thiền sư đắc đạo phải trải qua quá trình luyện tập và ăn uống với chế độ đặc biệt. Còn mình thì của ngon vật lạ cái gì cũng muốn ăn, cái gì cũng muốn thưởng thức. Từ nay đến cuối đời còn 4 cuốn sách nữa phải hoàn thành, thời gian đâu mà ngồi thiền được!

Theo TuanVietnam