2 người Việt đăng ký hiến phổi cho phi công Anh mắc Covid-19
Một phụ nữ ngoài 40 tuổi và một cựu chiến binh ngoài 70 tuổi mong muốn được hiến một phần lá phổi của mình để cứu bệnh nhân 91.
Trao đổi với VietNamNet, ông Nguyễn Hoàng Phúc, Phó giám đốc TT Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người cho biết, những ngày qua, khi biết bệnh nhân 91, phi công Vietnam Airlines nguy kịch và ghép phổi là cơ hội cuối cùng, đã có 2 người mong muốn được hiến phổi để cứu bệnh nhân này.
“Anh ơi, anh cho em hỏi nhờ ạ. Nếu đăng ký hiến tạng sống, hiến tặng phổi thì sẽ lấy như thế nào ạ? Hay phải chờ bệnh nhân chết não để lấy hết phổi ạ? Nếu cũng như thận, chỉ lấy một phần phổi thì em xin phép đăng ký hiến tặng nhé!”, dòng tin nhắn của một phụ nữ ngoài 40 tuổi gửi tới Trung tâm.
Các bác sĩ thực hiện ca ghép phổi tại BV Việt Đức
Chị chia sẻ, hơn 40 năm qua chị đã nhận được rất nhiều yêu thương, giúp đỡ và may mắn... nên giờ muốn để tình thương tiếp tục lan toả để giúp đỡ lại những người khác.
Chị là một người phụ nữ khoẻ mạnh, đang có một gia đình hạnh phúc, không hề quen biết với phi công Vietnam Airlines nhưng khi biết bệnh nhân nguy kịch, chị sẵn sàng hiến tặng một phần cơ thể mình.
Hay như bác cựu chiến binh ngoài 70 tuổi ở Đắk Nông đã xin số điện thoại của Trung tâm qua hội chữ thập đỏ. Ông đã 2 lần gọi điện đến Trung tâm tha thiết xin được hiến một phần phổi cho bệnh nhân 91 khi nghe thông tin bệnh nhân này có thể được chuyển về BV Chợ Rẫy, TP.HCM để ghép phổi.
Người cựu chiến binh chia sẻ, ông rất tự hào về nền y tế Việt Nam. Chính phủ đã làm rất tốt, rất nỗ lực, không bỏ lại ai phía sau và đến nay chưa có bệnh nhân Covid-19 nào tử vong, trong khi thế giới có rất nhiều.
“Khi tôi nói các quy định hiện tại không cho phép nhận tạng từ người ngoài 70 tuổi, giọng ông trùng xuống, hụt hẫng rồi nói trong số rất nhiều đồng bào ta, chiến sĩ ta cũng sẽ có rất nhiều người sẵn sàng”, ông Phúc kể.
Ông Phúc cho biết, dù chưa biết tình hình cũng như diễn tiến của bệnh nhân 91 như thế nào, nhưng những chia sẻ thiện tâm, những nghĩa cử ấy thực sự rất đáng trân trọng, là nguồn động viên, khích lệ ngành y tế rất nhiều trong việc cố gắng cứu chữa những bệnh nhân hiểm nghèo, bất kể người ấy là ai.
“Việc ghép phổi cho bệnh nhân 91 sẽ còn phụ thuộc vào hội đồng chuyên môn có chỉ định ghép hay không và ghép như thế nào khi đó mới tính đến các yếu tố hoà hợp về thể trạng, miễn dịch. Nếu có chỉ định ghép, ưu tiên số một vẫn là tìm nguồn hiến tặng từ người chết não. Dù vậy, không có nghĩa không hướng tới những người hiến sống, đó có thể là một phương án được nghĩ tới nhưng phù hợp hay không sẽ phải tính tiếp”, ông Phúc thông tin.
Vừa qua, có một trường hợp chết não nhóm máu O đồng ý hiến tặng tạng nhưng rất tiếc, phổi của bệnh nhân đã bị hỏng.
Theo ông Phúc, trong vài năm trở lại đây, số người đăng ký hiến mô tạng tại Việt Năm tăng lên rất nhiều, hiện xấp xỉ gần 33.500 người đăng ký. Đây là con số thực sự ấn tượng, ngay cả thời điểm bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nhiều người dân vẫn gửi đơn đăng ký hiến tạng qua đường bưu điện.
Hiện tại, sức khoẻ bệnh nhân 91 tiên lượng rất xấu. Cả 2 phổi bệnh nhân bị xơ hóa đông đặc, chỉ còn khoảng 10% có thể hoạt động.
Nếu không có máy ECMO hỗ trợ thì bệnh nhân sẽ tử vong. Hiện, cách duy nhất để cứu bệnh nhân là ghép phổi.
Dù vậy, ghép phổi là kĩ thuật ghép tạng khó nhất hiện nay cả kĩ thuật trong ghép và chăm sóc hậu phẫu sau ghép.
Cả nước hiện mới thực hiện 5 ca, 3 ca còn sống, trong đó có 2 ca ghép từ người cho chết não tại BV Việt Đức, 1 ca ghép từ 2 người cho sống tại BV 103. Tại Việt Đức, một trong 2 bệnh nhân ghép phổi sau 10 tháng mới có thể xuất viện.
Để ghép phổi có thể sử dụng 2 nguồn: Thứ nhất, toàn bộ lá phổi của người cho chết não, tuy nhiên kích thước không được chênh lệch quá 20% với người cần ghép; thứ hai, lấy một thùy phổi của người cho sống, vì vậy cần 2 người hiến.
Theo Vietnamnet
https://vietnamnet.vn/vn/suc-khoe/2-nguoi-viet-dang-ky-hien-phoi-cho-phi-cong-anh-mac-covid-19-640731.html