Cô gái 23 tuổi ngỡ ngàng khi biết bị ung thư vòm họng

15:06, 06/06/2017

Thấy thường xuyên bị chảy máu mũi, nghẹt mũi một bên, cô gái 23 tuổi đi khám phát hiện bị ung thư vòm họng.

Thấy thường xuyên bị chảy máu mũi, nghẹt mũi một bên, cô gái 23 tuổi đi khám phát hiện bị ung thư vòm họng.

Ngồi chờ ở dãy ghế phía ngoài khoa mũi xoang Bệnh viện Tai Mũi họng TP.HCM với vẻ mặt lo lắng, Ngọc Anh (23 tuổi, ngụ quận 3, TP HCM) nói rằng đang chờ kết quả xét nghiệm về vòm họng.

Cô gái này tới viện thăm khám từ tuần trước, khi thấy thường xuyên bị chảy máu mũi, nghẹt thở một bên đồng thời hay ù tai, nghe kém.

Người bệnh tới thăm khám tại BV Tai mũi họng TP HCM
Người bệnh tới thăm khám tại BV Tai mũi họng TP HCM

Lúc sau, cầm trên tay kết quả thông báo bác sĩ chẩn đoán bị ung thư vòm họng di căn, cô gái 23 tuổi đứng không vững, tay chống vào tường.

"Trong gia đình không có ai mắc ung thư vòm họng cả. Tôi cũng không uống bia rượu. Thuốc lá lại càng không có. Không hiểu sao vẫn mắc bệnh quái ác này" - cô gái 23 tuổi thất thần.

Theo ThS Bs Nguyễn Minh Hảo Hớn - Phó khoa mũi xoang BV Tai mũi họng TP.HCM nguyên nhân mắc ung thư vòm họng hiện chưa được xác định rõ.

Tuy nhiên, qua một số nghiên cứu, có 5 yếu tố liên quan tới nguy cơ mắc bệnh này như chủng tộc (bệnh thường gặp ở dân Trung Quốc, Malaysia, Việt Nam. Hiếm gặp ở người Ấn Độ và các nước châu Âu).

Trong gia đình nếu cha mẹ bị ung thư vòm họng thì con cái cũng có nguy cơ cao mắc bệnh.

Người nghiện thuốc lá, bia rượu, sử dụng nhiều thức ăn muối, mắm hay sống, làm việc trong môi trường ô nhiễm, vệ sinh răng miệng kém.

Hay như thói quen “yêu bằng miệng” (oral sex) gây nhiễm virus Epstein - Barr (EBV) dẫn tới bệnh.

Có nhiều trường hợp hội tụ đủ 5 yếu tố trên nhưng không mắc bệnh. Trong khi 1 số người không có yếu tố nào lại mắc ung thư vòm họng.

Triệu chứng, cách điều trị ung thư vòm họng

Phó GĐ BV Tai Mũi Họng TP HCM BS Nguyễn Thanh Vinh cho hay, triệu chứng ban đầu khi mắc ung thư vòm họng là người bệnh sẽ bị chảy máu mũi và nghẹt mũi một bên.

Nặng hơn là ù tai, nhức đầu (bên chảy máu mũi). Còn nếu bị nhức đầu, nổi hạch góc hàm, lồi mắt, sụp mi, mắt bị lé thì bệnh đã rất nặng.

Ung thư vòm họng thường xuất hiện cả nam và nữ, độ tuổi từ 45 trở lên. Tuy nhiên, nhiều trường hợp mắc bệnh khi còn trẻ.

Nội soi là cách đơn giản nhất phát hiện ung thư vòm hầu
Nội soi là cách đơn giản nhất phát hiện ung thư vòm hầu

"Ung thư vòm họng không có triệu chứng rõ ràng nên nếu bác sĩ khám không cẩn thận, dễ bỏ qua hoặc nhầm với các bệnh khác" - BS Vinh nhận định.

Vị Phó GĐ khuyến cáo khi có các biểu hiện nêu trên thì nên tới các đơn vị chuyên khoa để thăm khám, có hướng điều trị phù hợp. Cách đơn giản nhất để phát hiện bệnh là nội soi.

Trường hợp nghi ngờ ung thư vòm họng thì người bệnh sẽ được chỉ định xét nghiệm, sinh thiết. 1 tuần sau sẽ cho kết quả chính xác.

Theo thống kê, ung thư vòm họng nếu phát hiện sớm, khả năng chữa trị khỏi rất lớn, hiệu quả sống trên 5 năm cao. Có người 20 năm nhưng chưa phát hiện tái phát.

Ở giai đoạn muộn, khối u xâm lấn, di căn, bệnh nhân có thể phải xạ trị đơn thuần hoặc kết hợp giữa xạ trị và hóa trị. Nặng nhất là phải phẫu thuật để nạo vét hạch di căn.

* Tên người bệnh đã được thay đổi.