Ngủ không đủ giấc, bạn có thể mắc bệnh Alzheimer

09:28, 25/07/2017

Một giấc ngủ tốt không những làm tinh thần sảng khoái vào sáng hôm sau mà còn có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh đãng trí.

Một giấc ngủ tốt không những làm tinh thần sảng khoái vào sáng hôm sau mà còn có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh đãng trí.

Người có giấc ngủ bị gián đoán có tỉ lệ mắc bệnh đãng trí cao hơn (Ảnh: Internet)

Người có giấc ngủ bị gián đoán có tỉ lệ mắc bệnh đãng trí cao hơn (Ảnh: Internet)

Kết quả nghiên cứu trên vừa được đưa ra tại hội nghị hiệp hội Alzheimer thế giới ở London.

Theo đó, ba dự án nghiên cứu của các nhà khoa học thuộc Đại học Wheaton ở Illinois, Hoa Kì,  cho thấy có một mối liên hệ đáng kể giữa sự gián đoạn giấc ngủ do rối loạn hô hấp và sự tích tụ các dấu hiệu bệnh Alzheimer. 

Những người bị rối loạn giấc ngủ liên tục bị các đợt giảm và ngưng thở (không thở) trong khi ngủ. Theo Hiệp hội Bệnh Alzheimer, nguyên nhân phổ biến nhất làm giấc ngủ không liền mạch là chứng ngưng thở lúc ngủ; bệnh này thường xuất hiện ở nam giới nhiều hơn nữ giới, với tỉ lệ tương ứng là 3/10 và 2/10.

Một người trưởng thành có thể bị đánh thức từ 50 đến 60 lần mỗi đêm khi triệu chứng xảy ra. Dấu hiệu của bệnh là nạn nhân sẽ đột nhiên khó thở vì đường hô hấp trên của người bệnh đột nhiên bị thu hẹp hay tắc nghẽn hoàn toàn. Chứng rối loạn giấc ngủ thường xảy ra ở những người đang tuổi trung niên, độ tuổi trước khi bị bệnh Alzheimer.

Một nghiên cứu trên 516 người trưởng thành có nhận thức bình thường từ 71 đến 78 tuổi cho thấy: những người bị chứng rối loạn giấc ngủ sản sinh lượng protein beta amyloid - một trong những thủ phạm gây nên bệnh đãng trí, nhiều hơn hẳn người bình thường.

Một nghiên cứu khác cũng cho thấy: chứng ngưng thở tắc nghẽn khi ngủ có liên quan đến sự gia tăng của beta amyloid ở người cao tuổi bị suy giảm nhận thức nhẹ (MCI).

Megan Hogan, một trong những nhà nghiên cứu của Wheaton cho biết: Mặc dù mối quan hệ giữa ngưng thở khi ngủ và chứng sa sút trí tuệ đã được đề cập trong quá khứ nhưng dự án này là nghiên cứu theo chiều dọc đầu tiên xác định cụ thể mối quan hệ trên.

Nghiên cứu trước đó đã chỉ ra rằng: khi chúng ta ngủ, não bộ sẽ giải phóng các mảng bám của amyloid, giúp giải độc thần kinh và làm tinh thần sảng khoái vào sáng hôm sau. Ở nghiên cứu của mình, Hogan giả thuyết rằng chứng ngưng thở khi ngủ có thể đã cản trở quá trình trên.

"Trong khi ngủ, não của chúng ta có thời gian để gột sạch tất cả các độc tố được tích tụ trong ngày. Việc liên tục làm gián đoạn giấc ngủ sẽ làm sót lại một số chất nguy hiểm", cô nói.

Vì khí oxy có tác động ngược chiều đến các enzyme có chức năng tạo ra protein beta amyloid, việc thiếu hụt không khí xảy ra trong thời gian ngưng thở cũng có thể đóng góp gây nên căn bệnh Alzheimer, Hogan cho biết thêm.

 "Quá trình giải độc ở não chỉ xảy ra ở giai đoạn sâu nhất của giấc ngủ. Nếu chúng ta chỉ tẩy độc ở giai đoạn 1 hoặc giai đoạn 2, rồi sau đó bị đánh thức nhiều lần do nghẹt thở; thì độc tố sẽ tích lũy dần dần trong não bộ", Ronald C. Petersen, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Bệnh Alzheimer của Mayo Clinic cho hay.

Theo các nhà nghiên cứu, để giảm nguy cơ mắc chứng sa sút trí tuệ hay chí ít có thể làm chậm quá trình đãng trí, người bệnh có thể sử dụng một số thiết bị nha khoa hoặc máy CPAP hỗ trợ để thở dễ dàng hơn.

Bệnh Alzheimer là một chứng mất trí nhớ phổ biến nhất, thường gặp ở những người trên 65 tuổi. Đây là căn bệnh không thể chữa trị và có thể gây tử vong. 

Theo trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ CDC, Alzheimer đứng thứ 6 trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu tại Mỹ. Hiện có hơn 5 triệu người ở Mỹ mắc chứng bệnh này và con số có thể lên tới 16 triệu người vào năm 2050.   

Theo Khampha.vn