Người tài sắc không mê... nghề diễn

15:48, 17/12/2009

Tuyển 30 học viên đạt tiêu chuẩn mỗi năm cho ngành diễn xuất là việc “vô cùng khó khăn” đối với Khoa sân khấu, trường Sân khấu điện ảnh Hà Nội. Người đẹp, người tài nói không với “nghề thứ 7” này.

Tuyển 30 học viên đạt tiêu chuẩn mỗi năm cho ngành diễn xuất là việc “vô cùng khó khăn” đối với Khoa sân khấu, trường Sân khấu điện ảnh Hà Nội. Người đẹp, người tài nói không với “nghề thứ 7” này.

Hạ chuẩn vẫn không đủ

Nghệ sĩ Công Ninh, giảng viên CĐ Sân khấu điện ảnh TP HCM, cho biết số lượng thí sinh thi vào Khoa diễn xuất của trường gần đây có tăng lên, nhưng xét về khả năng thì khó so sánh với trước. Điều đó cho thấy, để có những người thực sự tâm huyết với điện ảnh và muốn chinh phục theo cách chuyên nghiệp, bài bản thì… mơ về nơi xa lắm. Theo ông Công Ninh, thị trường điện ảnh phía Nam sôi động không hoàn toàn do đội ngũ diễn viên chuyên nghiệp, mà phần lớn do sự lấn sân của giới người mẫu, ca sĩ, hoa hậu…

Việc tìm thí sinh diễn xuất trên đất Hà thành càng chật vật. Theo ThS Lê Mạnh Hùng, Trưởng khoa sân khấu, trường Sân khấu điện ảnh Hà Nội, lượng thí sinh tham gia thi tuyển lên tới hàng nghìn, nhưng ngay cả khi đã hạ chuẩn thì người đạt sắc vóc vẫn rất ít, chưa nói đến khả năng diễn xuất.

Vi Thị Đông, gương mặt được kỳ vọng của Khoa diễn xuất trường Sân khấu điện ảnh Hà Nội “bỗng dưng mất tích” sau khi đoạt Á hậu 1 cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 1992. Ảnh: Hòa Bình

Có những thí sinh đủ tài sắc được đội ngũ đào tạo đặt kỳ vọng trở thành điểm sáng của khóa mới “bỗng dưng biến mất” trong ngày khai giảng vì nhận được giấy gọi nhập học của trường khác. Sự cân nhắc “quyết theo nghề hay chuyển trường” trở thành hằng ngày của tân sinh viên trường điện ảnh.

Có thực mới vực được nghề

Do đâu công việc diễn xuất không còn hấp dẫn? Đạo diễn Đỗ Đức Thành cho rằng, thù lao diễn viên nhận được không đủ trang trải cuộc sống, thậm chí không đủ mua sắm trang phục cho vai diễn của mình. Theo ông Thành, nguyên tắc đầu tiên của sự chuyên nghiệp ngày nay là “sống được với nghề”, mà điều này ở Việt Nam còn là khái niệm xa xỉ.

Để tránh tình trạng thị trường điện ảnh phát triển lộn xộn, người tự cho rằng mình “làm nghệ thuật” chê bai người làm phim thị trường “chỉ biết kiếm tiền”, trong khi người làm phim thị trường chê rằng làm phim “chẳng ma nào xem” thì không nên làm, ông Thành đề nghị các cơ quan chức năng cần có cơ chế, chính sách rõ ràng và thông thoáng cho điện ảnh, giúp giới làm nghề yên tâm.

Trước nhận xét ngành đào tạo chưa làm tốt công việc giảng dạy nên đổ lỗi cho cơ chế, Trưởng khoa Lê Mạnh Hùng đặt ngược lại vấn đề: “Nếu rạp thường xuyên chiếu phim Việt Nam và bán hết vé, nếu sân khấu thường xuyên sáng đèn, nếu giá vé cũng như cát-sê đủ đáp ứng nhu cầu cuộc sống của diễn viên…, tôi khẳng định nhiều người sẽ từ chối nghề khác để đến với nghề diễn viên”. Theo ông Hùng, chỉ khi Việt Nam có được ngành sản xuất điện ảnh chuyên nghiệp, người tài mới có cơ hội bộc lộ tài năng thực thụ.

Đạo diễn Lê Hoàng đùa rằng, với số lượng cơ sở đào tạo diễn xuất đếm trên đầu ngón tay như hiện tại, điện ảnh Việt Nam “1.000 năm nữa mới có tên trên bản đồ thế giới”.

 

Theo Đất Việt