Phương Thanh: Cây xương rồng nở hoa

14:16, 14/12/2009

Từ một giọng hát hoàn toàn bản năng trở thành một cá tính đặc biệt, Phương Thanh như một cây xương rồng tồn tại và nở hoa từ cằn cỗi. Mà với riêng chị soi rọi từ chính gia đình mình, cuộc đời là những thăng trầm.

Từ một giọng hát hoàn toàn bản năng trở thành một cá tính đặc biệt, Phương Thanh như một cây xương rồng tồn tại và nở hoa từ cằn cỗi. Mà với riêng chị soi rọi từ chính gia đình mình, cuộc đời là những thăng trầm.

[links()]

"Tôi không biết nhiều về cuộc đời của mẹ. Chỉ đến khi làm mẹ, sinh con ra… trong quãng thời gian hiếm hoi ngồi với bà, bà mới kể cho tôi nghe về cuộc đời thăng trầm của bà. Hoá ra bà cũng không phải là người lam lũ như những gì tôi đã từng nhìn về mẹ, về quá khứ của gia đình mình”… Phương Thanh kể về mẹ, người phụ nữ vẫn đứng sau chị, hết một đời chăm sóc tám người con, nay là đến những đứa cháu

“Bà đã trải qua ít nhất bốn lần trở về bàn tay trắng. Khó mà nghĩ một người như mẹ tôi có thể can trường như vậy với một nách đàn con”.

Mẹ Phương Thanh vốn cũng chẳng phải là người nghèo khó đi lên, bà là con nhà địa chủ. Nói như Phương Thanh, số bà “tiền vận” là sướng, chỉ có “trung vận” là vất vả… Lấy chồng từ năm 16 tuổi, con cái lần lượt lớn lên từ đôi tay bà.

Xứ Thanh chưa hẳn là vùng rốn bão rốn lũ, nhưng cũng không phải là miền đất màu mỡ xưa nay.

“Cơn bão năm 1978 ập đến quê tôi, đó là lần đầu tiên đẩy gia đình tôi, đẩy mẹ tôi trở về bàn tay trắng. Gia đình chúng tôi mất tất cả, nhưng vẫn còn may mắn, một may mắn lớn nhất là không mất một ai. Còn người là còn tất cả, có thể gây dựng lại. Khi ấy tôi mới hơn bốn tuổi”. Nhớ lại quãng thời gian không thể quên này, Phương Thanh cười xoà: “Giống y chang phim Giã từ dĩ vãng vậy. Hồi được mời thu bài hát nhạc phim này, tôi đâu biết đâu. Chỉ khi coi trên truyền hình mới thấy, bộ phim như cuộc đời của cha mẹ tôi vậy”.

Sau cơn bão, lần lượt mẹ, rồi bố, mỗi người cắp theo hai, ba đứa con vào Nam kiếm sống. Theo chuyến xe tải của người con trai đầu, cả gia đình tạm biệt quê hương để tìm một cơ hội mới. “Cha tôi như cái cột nhà, còn mẹ là cái mái. Từ một người phụ nữ không biết nấu cơm, không biết chăm trẻ nhỏ, đến khi lấy chồng thì một tay làm tất cả. Cái gì không biết thì học dần, làm miết lại giỏi”.

Những ngày đầu ở thành phố sau giải phóng, cả gia đình cũng có một chỗ tá túc nho nhỏ nhờ sự tháo vát của người con trai lớn. Người cha ngoài giờ làm việc mở một tiệm sửa xe đạp ở vỉa hè. Còn mẹ, cũng bôn ba tất tả đủ nghề, buôn gánh bán bưng. Trong ký ức của cô con gái thứ sáu tên Thanh, ngày gian khổ ấy cũng chẳng có nghĩa lý gì. Hoàn cảnh nào chị em cô cũng có thể sống vui được, bởi giông gió trên nóc nhà đều không chạm được đến những đứa trẻ. Chỉ có cây cột nhà, chiếc mái mỏng manh là cứ oằn mình lên trong từng cơn bão.

 
“Tôi thương mẹ và yêu bố. Bố tôi sống tuy vất vả nhưng lúc nào cũng có được cái vẻ thảnh thơi. Và tôi không bao giờ quên những niềm vui được đem cơm từ nhà ra vỉa hè nơi bố tôi sửa xe. Tôi giúp ông việc vặt, đưa cái này cái kia và nhìn ông làm việc, bởi ông rất đẹp. Có những buổi nghỉ học, tôi ra ngồi bơm xe cho khách giúp ông, kiếm được vài đồng là một niềm vui lớn vì đã góp được phần nào cho gia đình”.

Lần thứ hai trắng tay của người mẹ đến khi Phương Thanh 13 tuổi, người cha – rường cột của gia đình qua đời vì bệnh dạ dày. “Tôi còn nhỏ quá, không nhìn thấy hết nỗi đau của mẹ tôi. Tôi cũng đã khóc khi ông mất, nhưng khóc rồi lại nín bởi không biết chết là mất đi mãi mãi. Chỉ có mẹ tôi mới hơn 40 tuổi đã goá chồng”. Căn nhà ấy đã gãy cột, chỉ còn người mẹ và bầy con nương tựa vào nhau mà sống… Nghị lực truyền từ người này vào người kia, không ai bảo ai mà thương nhau để sống.

Nghề hát đến với Phương Thanh cũng bắt đầu từ một mục đích kiếm sống, hát không hay nhưng hát bằng cả một nghị lực. Giọng hát ấy, cộng với nghị lực được rất nhiều người nhìn thấy, giới thiệu cho đi hát đám cưới, tụ điểm để kiếm tiền chung sức với gia đình… “Tôi không tin ai sướng một đời hay khổ một đời cả. Đó là niềm tin để tôi hướng đến một tương lai ngay từ những ngày gian khó, đi hát nơi nơi bằng một chiếc xe đạp xẹp lốp”…

Bây giờ khi đã là một ngôi sao trong nhiều năm, đã lên đến đỉnh cao của danh vọng, người con gái ấy càng nghĩ về mẹ mình nhiều hơn… “Là phụ nữ, mà tôi vẫn không thể hiểu tại sao mẹ lại có thể vượt qua hết những thử thách của cuộc đời. Giờ tôi có thể chăm lo cho bà, để bà có một hậu vận thật tốt… Nhưng từ bà, chúng tôi là con học được một nghị lực để vượt qua những khó khăn, đó là bản lĩnh và sự chịu đựng đến lì lợm với giông bão. Và tôi nghiệm ra rằng, những con người qua giông bão cuộc đời sống rất kiên cường. Tôi sẽ học hỏi mẹ tôi, người đã từng đi qua hết những khó khăn để cho chúng tôi cũng sẽ sống bằng kinh nghiệm chứ không phải bằng cách đương đầu”.

“Bây giờ tôi đi trên đường, nhìn thấy bao nhiêu hoàn cảnh, gặp biết bao nhiêu người… đâu đó thấy có hình ảnh của những người thân và quê hương nghèo khó của tôi. Tôi rất tin trong những người kia, sẽ có rất nhiều người sẽ vươn lên và thành đạt”.

 

Theo Sài gòn Tiếp thị