Uyên Ly - Đến nơi mới để hiểu thêm về chính mình

11:03, 14/12/2009

Tôi muốn đến một nơi mới để tìm hiểu thêm về chính mình, để học hỏi thêm những điều mới mẻ, áp dụng những gì mình được học, để cảm thấy mình có ích theo một cách khác, để chống lại sự tẻ nhạt và thiếu sáng tạo...

Tôi muốn đến một nơi mới để tìm hiểu thêm về chính mình, để học hỏi thêm những điều mới mẻ, áp dụng những gì mình được học, để cảm thấy mình có ích theo một cách khác, để chống lại sự tẻ nhạt và thiếu sáng tạo...

Công việc thú vị ở một cơ quan tốt, mức thu nhập đáng mơ ước… nhưng Ly vẫn quyết định thay đổi, người ngoài nhìn vào không lý giải được chỉ tặc lưỡi bảo nhau: tham vọng của con người là vô cùng. “Người trong cuộc” có thể chia sẻ những lý do của mình?

Cơ quan mà tôi từng làm việc rất tốt, thu nhập khá thoải mái, ở đó tôi đã học được nhiều điều quý báu cho mình.

Nhưng tôi tìm nơi mới để tìm hiểu thêm về chính mình, để học hỏi thêm những điều mới mẻ, áp dụng những gì mình được học, để cảm thấy mình có ích theo một cách khác, để chống lại sự tẻ nhạt và thiếu sáng tạo.

Thực ra, giá trị thực sự mà dịch chuyển đem lại là gì?

Đó là trải nghiệm. Giá trị của trải nghiệm là gì nhỉ? Tôi cho rằng chúng ta đều giống nhau ở chỗ thời gian để tồn tại được khuôn gọn trong vài chục năm.

Thời gian và sức người giống như sợi dây cao su, để bình thường thì nó chùng và có vẻ ngắn lại. Nếu căng sức ra và hào hứng sống, thì sợi dây có vẻ như dài ra. Trải nghiệm giống như khả năng đàn hồi của dây. Tôi làm tăng khả năng đàn hồi để cảm thấy mình sống được nhiều hơn.

Mất bao lâu để Ly quyết định đánh đổi “những ngày bình yên cũ” sang một mục tiêu mới - có thể chưa chắc đã ổn định bằng những thứ mình đã có?

Có lẽ tôi là người ưa thử thách, cho nên tôi quan niệm sự ổn định là cảm thấy yên ổn với bản thân và những gì mình đang làm. Tôi đã mất thời gian suy nghĩ, và đó là cả một quá trình tự thân, giống như quá trình trưởng thành vậy.

Từ khi tôi bắt đầu nhận ra rằng có gì đó chưa ổn, cho đến khi tôi quyết định thay đổi là hai năm. Nhưng cũng có thể coi toàn bộ quá trình sống và trải nghiệm trước đó là nguyên nhân dẫn đến sự thay đổi.

Ly tự đánh giá khả năng thích nghi của mình?

Ừm, nhìn chung cho đến nay tôi chưa gặp phải vấn đề lớn nào trong việc thích nghi. Trong một thời gian ngắn tôi đã chuyển qua hai nơi làm việc hoàn toàn khác nhau, và chưa gặp phải vấn đề gì trong hòa nhập với môi trường mới.

Nhưng tôi tự nhận thấy mình có nhược điểm là ít nói. Đó là một điểm bất lợi nếu bạn muốn mở rộng giao tiếp.

Sang một môi trường mới, có nhất thiết tất cả mọi thứ phải thay đổi: đồng nghiệp, công việc, các mối quan hệ, và cả thu nhập? Ly chờ đợi những sự thay đổi theo kiểu nào?

Sau khi đã suy xét kỹ xem bản thân đã thực sự muốn thay đổi chưa và khi tôi nhận được câu trả lời là “Có - Tôi muốn sự thay đổi. Tôi không muốn chậm trễ thêm một giây phút nào nữa”, tôi đón nhận tất cả những điều mới mẻ. Tất cả những yếu tố như chị vừa nói đều thay đổi cùng với môi trường mới, và nó làm tôi phấn khích.

Khi nào thì một người phụ nữ “còn son” nên chuyển việc, theo kinh nghiệm của cá nhân Ly?

Khi cô ấy tự tin và tự chủ về kinh tế. Khi cô ấy cảm thấy cô ấy không còn học được gì nữa, và bắt đầu thấy “chán” chính bản thân mình.

 

Họ tên: Trương Uyên Ly

Năm sinh: 1980

Từng là phóng viên báo Tuổi trẻ

Hiện là cán bộ Văn hóa và báo chí Đại sứ quán Đan Mạch. Thành viên ban xét duyệt dự án của Quỹ Phát triển và trao đổi Văn hóa Đan Mạch - Việt Nam CDEF.

Có nên đem mức thu nhập ra đàm phán với sếp mới, và có cách nào đó để đạt được nguyện vọng của mình một cách nhanh chóng?

Tôi không cho rằng mình có khả năng đưa ra lời khuyên trong chuyện này.

Đây chỉ là kinh nghiệm của cá nhân tôi thôi nhé: Khi trình bày về những gì mình có thể làm, tôi đặt lợi ích của nơi mình sẽ làm việc lên trên hết, và diễn giải mình có thể đem lại lợi ích cho nơi đó như thế nào.

Nó giống như lúc bạn bắt đầu một dự án có ích và phải thuyết phục để người ta đầu tư cho bạn. Để bạn thực hiện được dự án đó thì bạn cần mức đầu tư là bao nhiêu, tức là mức thu nhập.

Sẽ ra sao nếu công việc mới không được như mong muốn của mình và mình thì lại chưa tìm được phương án thay thế?

Nếu chọn cách sống chủ động và tự tin, thì khi bạn muốn, bạn sẽ làm được, bởi vì bạn tự cho mình quyền lựa chọn, bạn không để cho người ta chọn bạn và sau đó cảm thấy ấm ức.

Để đối phó với điều không may bất thường xảy đến, hãy tự chuẩn bị cho mình một ít tiền dự phòng, tạm gọi đó là tiền đề phòng rủi ro.

Kinh nghiệm “nhảy việc”

1. Làm thế nào để có một CV ấn tượng?

Tìm hiểu kỹ về nơi mình sẽ làm việc, chọn lọc các thành tích và kinh nghiệm của bản thân sao cho các kinh nghiệm đó có thể được áp dụng hoặc phát huy nhằm đem lại lợi ích cho nơi làm việc và điền vào CV. Các công việc, thành tích gần đây nhất nên đặt lên trên những dòng đầu tiên.

2. Nói những gì trong lần phỏng vấn?

Tôi đã được phỏng vấn ba lần và thất bại một lần. Lý do của  lần thất bại là do tôi và cơ quan đó không đáp ứng được những điều kiện của nhau. Lần thứ hai và thứ ba đều thành công do hai bên cảm thấy có ích nếu hợp tác với nhau.

Thái độ tự tin và hứng khởi giống như trình bày một dự án sẽ tạo đà tốt cho cuộc phỏng vấn. Việc tìm hiểu kỹ trước khi phỏng vấn cũng rất quan trọng.

3. Ngoại ngữ?

Ngoại ngữ đang trở thành một yêu cầu bắt buộc khi đi tìm việc. Tôi sử dụng tiếng Anh nhưng vẫn cảm thấy mình bị lạc hậu. Nhiều bạn trẻ bây giờ sử dụng thành thạo ít nhất hai ngoại ngữ và tôi thấy các bạn rất giỏi.

4. Có thể tìm hiểu về văn hóa Đan Mạch từ những nguồn nào?

Internet là một nguồn phong phú. Ngoài ra có hơn 500 người Đan Mạch làm việc tại Việt Nam, bạn có thể tìm đến làm quen.

5. Những điều thích và không thích khi làm việc ở một trung tâm văn hóa?

Tôi rất ái ngại khi nói lời từ chối duyệt dự án với các nghệ sỹ, bởi vì khi nghệ sỹ có ý tưởng nghệ thuật, họ đã đặt vào đó bao nhiêu hy vọng. Nói lời từ chối đối với họ không khác nào cắt đứt hy vọng của họ, đó là điều tôi không thích.

Còn điều thích nhất là được tiếp xúc với các ý tưởng sáng tạo, nhờ đó bản thân mình được làm mới và được truyền cảm hứng.

 

Theo Người đẹp Việt Nam