Xung quanh việc Hương Giang dự thi HHTG: Elite "khóc dở mếu dở"

08:34, 18/12/2009

Bà Nguyễn Thúy Nga, Giám đốc Cty Elite đã “khóc dở mếu dở” khi Hương Giang lỗi hẹn với cuộc thi Hoa hậu Trái đất do đơn vị này giữ bản quyền để chọn sứ mệnh nặng nề hơn là thi Hoa hậu Thế giới (HHTG).

Bà Nguyễn Thúy Nga, Giám đốc Cty Elite đã “khóc dở mếu dở” khi Hương Giang lỗi hẹn với cuộc thi Hoa hậu Trái đất do đơn vị này giữ bản quyền để chọn sứ mệnh nặng nề hơn là thi Hoa hậu Thế giới (HHTG).

[links()]

Yếu tố tự thân là số 1

- Trước khi người đẹp Hương Giang lên đường dự thi HHTG, trả lời báo chí, bà đã nhận định người đẹp này chắc chắn “sẽ làm nên chuyện” và sẽ nằm trong top nào đó. Cơ sở nào để bà khẳng định về khả năng đoạt giải của Hương Giang?

- Với kinh nghiệm nhiều năm đưa các thí sinh dự thi quốc tế, tôi đánh giá cao nhất Hoa hậu Nguyễn Thị Huyền và lần này là Hương Giang. Bởi vì cả 2 người đẹp này ngoài kinh nghiệm vốn có, còn là người khá sắc sảo và nhạy bén. Họ biết nhìn nhận điểm mạnh của thí sinh khác để rút kinh nghiệm cho mình và biết đúc kết kinh nghiệm từ các cuộc thi khác cho mình. Hương Giang là người mà Elite đã làm việc cụ thể để đưa đi thi Hoa hậu Trái đất, nghĩa là trước khi có quyết định đưa người đẹp này dự thi HHTG. Nhưng “đùng” một cái, Hương Giang cũng đồng thời nhận được đề cử thi HHTG khiến tôi “khóc dở mếu dở” vì tiếc. Nhưng công việc là công việc, họ có khả năng thì mình phải thừa nhận chứ.
 
Dù đã lọt vào Top 16 và Á hậu 1 Top Model tại cuộc thi HHTG nhưng Hương Giang lại khiến công ty Elite "khóc dở, mếu dở" vì... tiếc.

- Nhưng dư luận ban đầu không đánh giá cao Hương Giang bởi cô không có gương mặt ấn tượng và lại chưa từng giành danh hiệu cao ở trong nước...

- Tôi lại thấy gương mặt của Giang rất phù hợp với HHTG. Giang không có giải cao trong nước nhưng lại có những yếu tố để từ đấy có thể phát triển lên thành điểm mạnh của mình. Ví dụ như vóc dáng tốt, khuôn mặt hài hòa và rất sáng sân khấu. Văn hóa cũng rất cơ bản. Một số người cho rằng nếu Trương Thị May dự thi thì sẽ yên tâm hơn vì May có khuôn mặt lạ song tôi lại nghĩ, nếu May thi HHTG thì vẫn có những điểm yếu vì đây là cuộc thi lớn, đòi hỏi nhiều yếu tố tổng hợp từ chính cá nhân.

- Vậy “yếu tố tổng hợp” ở đây gồm những gì?

- Là nền tảng văn hóa, ý thức học hỏi trong cuộc sống của bản thân họ. Khi đã có ý thức, họ học hỏi rất tốt từ cách nói năng, giao tiếp, ăn mặc... Tóm lại là họ tự biết làm cho mình rực rỡ, hấp dẫn trong mắt người khác. Và rõ ràng là Giang đã tận dụng và phát huy điều này rất tốt ở cuộc thi vừa qua, giúp cô ngày càng vững vàng và phong độ tốt lên chứ không đuối dần như nhiều thí sinh khác.

Thi sắc đẹp nên được coi là một nghề

- Từ trước đến nay, các người đẹp VN đều có một thiệt thòi là rất ít thời gian để chuẩn bị cho cuộc thi. Hương Giang cũng không phải là ngoại lệ, thậm chí còn ít hơn nhiều so với một số người. Vậy vấn đề cốt lõi để làm nên thành tích ở đây là gì?

- Thời gian đúng là một thiệt thòi cho người đẹp VN so với các nước khác  vì họ có tới 1 năm để chuẩn bị, song điều quan trọng nhất theo tôi vẫn là yếu tố con người. Quần áo, trang phục, thời gian chỉ là yếu tố phụ thôi. Cũng không phải người cao, có 3 vòng chuẩn, quần áo đẹp là được giải, vì đã đi thi thế giới thì ai mà chả đẹp.
 
Bà Thúy Nga, giám đốc công ty Elite

- Như vậy, cái thiếu ở đây là kỹ năng của mỗi cá nhân?

- Đúng vậy. Nhưng ở đây cũng phải quay về vấn đề đào tạo cơ bản. Có 2 cách đào tạo. Một là: Có quá trình đầu tư, cho dù không biết mình có cơ hội được thử sức hay không. Cách thứ 2 là “ăn xổi”, có nghĩa là thí sinh sau khi được chọn mới cuống cuồng đào tạo cấp tốc thì sao mà nhồi nhét được. Đầu tư quần áo, hình thức thì nhanh được chứ kiến thức thì đâu có như thế được. Thế nên tôi rất khuyến khích và ủng hộ các người đẹp tham gia nhiều lần các cuộc thi sắc đẹp cả trong nước và quốc tế.

- Điều này nghe có vẻ không “chính thống” lắm vì dư luận vốn không thiện cảm với việc thí sinh “chinh chiến” qua nhiều cuộc thi chỉ để săn giải thưởng...

- Từ trước đến nay tôi luôn luôn giữ quan điểm càng đi thi nhiều càng tốt. Nên nhớ Hương Giang là người đã có nhiều kinh nghiệm qua các cuộc thi như HH Việt Nam, Miss Asia, Miss Vietnam Global. Đấy chính là một trong những yếu tố làm nên sự chuyên nghiệp và sẽ là yếu tố làm các thí sinh có nhiều kinh nghiệm hơn nữa. Ở các nước có “nền công nghiệp hoa hậu” phát triển, việc thí sinh đi thi được coi là một nghề. Họ xách va-li đi hết cuộc này đến cuộc khác và cho dù không đoạt giải thì họ vẫn có kinh nghiệm cho mình.

- Như vậy, sau thành tích của Hương Giang, việc đào tạo các người đẹp ở VN sẽ chuyên nghiệp hơn?

-  Không hẳn. Vì ở VN, các công ty đào tạo không phải là đơn vị tổ chức các cuộc thi hoa hậu trong nước và họ cũng không được tham gia vào quá trình lựa chọn các hoa hậu. Một cách chuyên nghiệp nhất là BTC các cuộc thi nên bắt tay với các công ty đào tạo và các công ty cầm bản quyền để tổ chức cuộc thi. Điều này dẫn đến hệ quả là đơn vị đào tạo sẽ có động lực đầu tư nhiều hơn cho thí sinh cung cấp cho các cuộc thi. Còn các đơn vị cầm bản quyền sẽ cố vấn cho BTC tiêu chí chọn thí sinh phù hợp với quốc tế. Và khi đó, phần trăm thắng giải sẽ lớn hơn.

- Xin cảm ơn bà về cuộc trao đổi!

 

Theo Gia đình