Phim Việt ồn ào vì chuyện diễn viên không mặc nội y

09:48, 16/11/2017

Mới phát sóng được 4 tập, bộ phim 'Thương nhớ ở ai' đã gây tranh cãi trên báo chí lẫn mạng xã hội xung quanh việc các nữ diễn viên trong phim mặc áo yếm không nội y.

Mới phát sóng được 4 tập, bộ phim 'Thương nhớ ở ai' đã gây tranh cãi trên báo chí lẫn mạng xã hội xung quanh việc các nữ diễn viên trong phim mặc áo yếm không nội y.

'Thương nhớ ở ai' là bộ phim truyền hình dài 34 tập vừa lên sóng trong khung giờ Rubic8 của VTV3 từ ngày 4/11. Đây là dự án khá công phu của VFC được thực hiện trong suốt 3 năm. Riêng 2000 cảnh kỹ xảo phải mất 2 năm mới hoàn thành bởi 40 người. Đạo diễn Lưu Trọng Ninh cùng ê kíp đã đi khảo sát tại vô số các làng quê khắp Việt Nam để chọn bối cảnh cho phim, một bộ phim mà theo ông sẽ 'dâng lên khán giả hình ảnh một làng quê đẹp nhất từ xưa đến nay'. 

'Thương nhớ ở ai' được làm dựa trên tiểu thuyết 'Bến không chồng', lấy bối cảnh Làng Đông - một làng quê Bắc Bộ điển hình giai đoạn 1954-1975. Một bộ phim không có những cảnh quay hào nhoáng hay những bộ cánh lộng lẫy, có phần khó xem, ngày ra mắt, nhiều người không tin 'Thương nhớ ở ai' sẽ hút khán giả, nhất là khi phim gần như không hề có những chiến lược quảng cáo rầm rộ trước đó.

Chuyện diễn viên không mặc nội y cũng từng gây tranh cãi trong chính đoàn phim. 
Chuyện diễn viên không mặc nội y cũng từng gây tranh cãi trong chính đoàn phim. 

Nhưng thực tế hoàn toàn trái ngược. Ngay tuần đầu phát sóng bộ phim đã nhận được sự quan tâm của khán giả bởi những cảnh quay được chăm chút tỉ mỉ cùng số phận của những người phụ nữ hơn nửa thế kỷ trước. Cũng vì gây chú ý ngay từ đầu nên chuyện ăn mặc của các nữ diễn viên cũng được khán giả bàn tán sôi nổi. Nhiều khán giả phản đối chuyện phim chiếu trên truyền hình nhưng các nữ diễn viên mặc áo yếm mà không nội y gây phản cảm. Tuy nhiên số khác lại ủng hộ và cho rằng các nhân vật gợi cảm và ăn mặc đúng với giai đoạn lịch sử khi đó.

Trong quá trình làm phim, bản thân đạo diễn, phụ trách phục trang và các diễn viên cũng đã tranh cãi nhiều về chuyện này, tuy nhiên ý kiến của đạo diễn Lưu Trọng Ninh vẫn quyết định. Ông cho rằng ngày xưa các cụ mặc thế nào thì bây giờ cứ mặc như thế. NTK Sỹ Hoàng cũng ủng hộ điều này. Câu chuyện về chiếc áo yếm của 'Thương nhớ ở ai' đã ngay lập tức biến tên phim thành từ khóa được tìm kiếm phổ biến những ngày qua, rating phim cao vọt dù được chiếu vào khung giờ không quá hot, fanpage của phim cũng tăng độ tương tác.

Diễn viên nữ 'Thương nhớ ở ai' đều mặc áo yếm không nội y. 
Diễn viên nữ 'Thương nhớ ở ai' đều mặc áo yếm không nội y. 

Tuy nhiên đó chỉ là câu chuyện bề nổi. 'Thương nhớ ở ai' sở dĩ được quan tâm có lẽ chính bởi nội dung sâu sắc và những cảnh quay được chăm chút bởi một ê kíp do đạo diễn nổi tiếng khó tính như Lưu Trọng Ninh dẫn dắt. Bộ phim mang đến một dư vị lạ cho khán giả sau khi đã quá mệt mỏi với những gameshow hời hợt hay những bộ phim nhạt nhòa từ hình thức đến nội dung. Việc tung ra một bộ phim về giai đoạn 1954-1975 ở thời điểm này cũng tạo nên bất ngờ lớn với khán giả khi nhiều người đã bất đầu thấy nhàm với những câu chuyện trong đời sống hiện tại.

Trong bối cảnh các phim truyền hình chạy đua theo số lượng, có khi chỉ mất 1 ngày để hoàn thành một tập phim thì những bộ phim mất hàng năm trời mới hoàn thành với số lượng diễn viên và công việc cực lớn như 'Thương nhớ ở ai' hay 'Người phán xử' mới đây thực sự là hàng hiếm. Nếu như 'Thương nhớ ở ai' mất 3 năm mới hoàn thành thì riêng 'Người phán xử' đã mất tới 11 tháng quay ròng rã. Từ lúc Việt hóa kịch bản tới khi hoàn tất phim để lên sóng cũng mất tới 3 năm trời. Và cả hai bộ phim này khi ra mắt không chỉ được giới làm nghề đánh giá cao mà còn được khán giả đón nhận nhiệt tình.

'Người phán xử' có thời điểm thu hơn 4 tỉ đồng tiền quảng cáo từ mỗi tập phát sóng. 
'Người phán xử' có thời điểm thu hơn 4 tỉ đồng tiền quảng cáo từ mỗi tập phát sóng. 

Chính sự xuất hiện của những bộ phim được đầu tư một cách nghiêm túc như vậy sẽ giúp tăng thương hiệu phim truyền hình Việt cũng như đẩy thị hiếu của khán giả, điều chúng ta đang thiếu.

Theo Vietnamnet