Mỹ "chết lặng" nhìn S-400 của Nga thẳng tiến vào Thổ Nhĩ Kỳ

09:34, 15/07/2019

Khi Thổ Nhĩ Kỳ tung ra những hình ảnh đầu tiên ghi lại khoắc khắc những hệ thống phòng không S-400 đầu tiên của Nga được bàn giao cho Ankara, giới chức Mỹ ồn ào kêu gọi trừng phạt ngay lập tức Thổ Nhĩ Kỳ...

Khi Thổ Nhĩ Kỳ tung ra những hình ảnh đầu tiên ghi lại khoắc khắc những hệ thống phòng không S-400 đầu tiên của Nga được bàn giao cho Ankara, giới chức Mỹ ồn ào kêu gọi trừng phạt ngay lập tức Thổ Nhĩ Kỳ trong khi Lầu Năm Góc và Bộ Ngoại giao vẫn im lặng một cách kỳ lạ.

Hình ảnh S-400 được đưa đến Thổ Nhĩ Kỳ
Hình ảnh S-400 được đưa đến Thổ Nhĩ Kỳ

Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ Eliot Engel và nghị sĩ Michael McCaul đã phản ứng lại với việc Nga bàn giao các tên lửa S-400 cho Ankara bằng tuyên bố đầy tức giận rằng, Thổ Nhĩ Kỳ và Tổng thống của Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan “phải đối mặt với hậu quả nghiêm trọng.”

“Tổng thống Erdgoan đã được đưa cho một sự lựa chọn rất rõ ràng. Không may là ông ta đã đưa ra một quyết định rõ ràng là sai lầm. Sai lầm đó là, một đồng minh của NATO lại chọn đứng về phía Nga và Tổng thống Vladimir Putin thay vì là chọn đứng về phía liên minh và hợp tác chặt chẽ hơn với Mỹ. Đây là điều khó có thể hiểu được”, hai nghị sĩ Engel và McCaul của Mỹ đã bày tỏ như vậy trong một tuyên bố được phát đi ngày hôm qua (12/7).

Hai nghị sĩ của Mỹ đã yêu cầu chính quyền của Tổng thống Trump “chấm dứt” sự tham gia của Thổ Nhĩ Kỳ vào dự án phát triển chiến đấu cơ tàng hình F-35 đồng thời “trừng phạt các cá nhân Thổ Nhĩ Kỳ đang có giao dịch làm ăn với ngành quốc phòng của Nga đúng theo luật mà Mỹ đưa ra”.

Theo “Luật chống lại các đối thủ của Mỹ thông qua các lệnh trừng phạt (CAATSA)”, Mỹ sẽ trừng phạt những nước mua vũ khí từ Nga.

Tuy nhiên, lời kêu gọi của hai nghị sĩ Engel và McCaul đã bị cả Lầu Năm Góc và Bộ Ngoại giao Mỹ phớt lờ. Đến thời điểm này, cả Lầu Năm Góc và Bộ Ngoại giao Mỹ đều yên lặng một cách kỳ lạ trước thông tin Nga đã chính thức bàn giao S-400 cho Thổ Nhĩ Kỳ. Bộ Ngoại giao Mỹ chỉ xác nhận chủ đề S-400 đã được đưa ra trong cuộc hội đàm kéo dài 30 phút giữa quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ. Không có bất kỳ chi tiết nào về nội dung của cuộc hội đàm nói trên được công bố.

 

Lầu Năm Góc cũng không tổ chức cuộc họp báo nào. Giới báo chí đã rất háo hức khi nghe tin sẽ có một cuộc họp báo về chủ đề S-400 được tổ chức vào ngày hôm qua. Tuy nhiên, họ đã phải thất vọng trước thông báo cuộc họp đó bị “hoãn vô thời hạn”.

Có vẻ như khi Nga bàn giao hệ thống S-400 cho Thổ Nhĩ Kỳ vào sáng ngày hôm qua, không có quan chức nào trong chính quyền của Mỹ chuẩn bị sẵn sàng để đưa ra lời bình luận về diễn biến này.

Sau khi Nga và Thổ Nhĩ Kỳ ký hợp đồng S-400, Mỹ và các đồng minh phương Tây không giấu nổi sự lo lắng và đã tìm mọi cách để phá hợp đồng này. Giới chức NATO và Mỹ tin rằng, nếu hợp đồng S-400 giữa Moscow và Ankara thành công thì đây sẽ là cơ hội mở đường cho Nga tiếp cận, tìm hiểu về các thiết bị chiến tranh của phương Tây, đặc biệt là các chiến đấu cơ F-35.

Việc Ankara theo đuổi S-400 của Nga đã trở thành một trong những nguyên nhân chính gây ra mối quan hệ chia rẽ và mâu thuẫn sâu sắc giữa Thổ Nhĩ Kỳ với Mỹ. Giới chức Mỹ liên tục đe dọa và cảnh cáo Ankara về hậu quả nếu cứ nhất quyết mua S-400 của Nga. Mỹ đe dọa trừng phạt Ankara và không bán những chiếc chiến đấu cơ F-35 cho Thổ Nhĩ Kỳ nếu nước này có trong tay những hệ thống tên lửa S-400.

Hôm 10/6, Mỹ đã chính thức tung đòn trừng phạt đầu tiên nhằm vào hợp đồng S-400 của Nga và Thổ Nhĩ Kỳ. Cụ thể, các phi công Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không còn được tiếp nhận chương trình huấn luyện bay với chiến đấu cơ F-35 tại căn cứ không quân Luke ở Arizona của Mỹ. Mỹ hy vọng với đòn thẳng tay này, họ có thể khiến đồng minh phải nhụt chí trong quyết tâm theo đuổi mục tiêu mua các tên lửa S-400 của Nga.

Tuy nhiên, Mỹ tiếp tục phải thất vọng trước sự quyết tâm và cứng rắn của Thổ Nhĩ Kỳ.

Theo VnMedia