Cận cảnh màn phô diễn uy lực cảnh cáo Trung Quốc của Mỹ ở Biển Đông

10:32, 07/08/2019

Tàu sân bay USS Ronald Reagan của Mỹ vừa tiến hành các hoạt động bay mang tính phô diễn với mục tiêu được tuyên bố là nhằm tăng cường "hòa bình thông qua sức mạnh" ở Biển Đông. 

Tàu sân bay USS Ronald Reagan của Mỹ vừa tiến hành các hoạt động bay mang tính phô diễn với mục tiêu được tuyên bố là nhằm tăng cường “hòa bình thông qua sức mạnh” ở Biển Đông.

Động thái mới của Mỹ diễn ra ngay sát quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Trung Quốc đang có hành động xâm phạm chủ quyền Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa khi tiến hành một cuộc tập trận quân sự ở nơi này.

  • Tàu sân bay USS Ronald Reagan đang có mặt gần nơi Trung Quốc tập trận ở Biển Đông
    Tàu sân bay USS Ronald Reagan đang có mặt gần nơi Trung Quốc tập trận ở Biển Đông

     

Để thể hiện các năng lực của nhóm tàu sân bay tấn công USS Ronald Reagan, Hải quân Mỹ hôm qua (6/8) đã tiến hành hoạt động dùng máy bay trên tàu sân bay đi đón một nhóm nhỏ gồm các tướng lĩnh, sĩ quan, các quan chức và nhà báo của Philippines rồi đưa họ lên tàu sân bay. Trên tàu sân bay USS Ronald Reagan, nhóm tướng lĩnh và các quan chức Philippines đã được tận mắt chứng kiến lực lượng chiến đấu cơ của Mỹ thực hiện các bài tập hạ cánh và cất cánh bằng máy phóng máy bay trên tàu sân bay với những tiếng kêu ầm ầm. Hoạt động này được tiến hành bởi đơn vị không quân của tàu sân bay - một lực lượng bao gồm khoảng 70 chiếc chiến đấu cơ F/A-18, máy bay do thám và trực thăng.

Tàu sân bay của Mỹ đang trên đường tới cảng ở Manila để thực hiện một chuyến thăm.

Hành động phô trương sức mạnh của tàu sân bay USS Ronald Reagan được thực hiện với sự bảo vệ và giám sát chặt chẽ của các tàu tuần dương trong nhóm tàu sân bay. Những tàu tuần dương này đều có vũ trang và được triển khai cách tàu sân bay chỉ một vài km.

"Phương châm của tàu sân bay này là hòa bình thông qua sức mạnh”, Chuẩn Đô đốc Karl Thomas cho các phóng viên biết.

Theo lời ông Thomas, sự hiện diện quân sự của Mỹ giúp đảm bảo an ninh và sự ổn định, từ đó tăng cường các cuộc đối thoại ngoại giao giữa các nước có tranh chấp ở Biển Đông.

"Chúng tôi nghĩ rằng, các nước nên tuân theo luật quốc tế và sự hiện diện của chúng tôi cho phép chúng tôi cung cấp an ninh và sự ổn định để làm nền tảng cho tiến trình đàm phán diễn ra”, ông Thomas nhấn mạnh.

Sự xuất hiện của tàu sân bay USS Ronald Reagan ở Biển Đông cùng với hoạt động phô trương sức mạnh của con tàu này diễn ra vào thời điểm Trung Quốc đang gây bất bình lớn trong cộng đồng quốc tế vì những hành động sai trái ở Biển Đông. Trung Quốc đã xâm phạm nghiêm trong chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa khi tiến hành cuộc tập trận kéo dài 2 ngày ở đây.

Trong vài tuần trở lại đây, Trung Quốc đang gây quan ngại rất lớn cho cộng đồng quốc tế nói chung và các nước có lợi ích ở Biển Đông nói riêng khi liên tiếp có những động thái xâm phạm chủ quyền của nước khác và gây hấn với các nước có tranh chấp trong khu vực. Những hành động của Trung Quốc đã leo thang đến mức ngay cả Manila cũng đã phải lên tiếng kêu gọi Mỹ đưa tàu chiến vào Biển Đông để bảo vệ Philippines bất chấp việc chính quyền của Tổng thống Rodrigo Duterte lâu nay vẫn ra sức vun đắp cho mối quan hệ giữa Trung Quốc và Philippines.

Trung Quốc đã gây ra làn sóng phẫn nộ lớn ở Philippines khi một tàu của Trung Quốc đã đâm vào một con tàu đang neo đậu của Philippines vào đêm ngày 9/6. Sau khi đâm tàu của Philippines, Trung Quốc đã bỏ mặc các ngư dân của Philippines khi con tàu đang chìm dần ở Bãi Cỏ Rong (Reed Bank). Rất may, con tàu này cùng các ngư dân trên tàu đã được tàu của Việt Nam cứu giúp và thoát nạn.

Sau vụ việc với Philippines, Trung Quốc tiếp tục gây bất bình bằng hành động xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam. Cụ thể, trong những ngày qua, nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 của Trung Quốc đã có hành vi vi phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam ở khu vực phía Nam Biển Đông. Đây là vùng biển hoàn toàn của Việt Nam, được xác định theo đúng các quy định của Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 mà Việt Nam và Trung Quốc đều là thành viên.

Trung Quốc đang có tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải ở Biển Đông với 4 nước láng giềng Đông Nam Á gồm Philippines, Việt Nam, Brunei, Malaysia và Vùng lãnh thổ Đài Loan. Trung Quốc đang ngang nhiên đòi chủ quyền đến 90% Biển Đông - một khu vực biển có những tuyến đường hàng hải chiến lược có tính sống còn đồng thời chứa các nguồn tài nguyên thiên nhiên vô cùng phong phú. Trung Quốc đang gây ra một làn sóng phản đối dữ dội và quyết liệt chưa từng có của các nước láng giềng trong khu vực cũng như của cộng đồng thế giới vì việc nước này đang tích cực đẩy mạnh các hoạt động bồi đắp, cải tạo, xây dựng trái phép và giờ là quân sự hóa ở Biển Đông.

Theo Vietnamnet