Học sinh bị đánh, nhà trường ’né’ trách nhiệm

17:03, 25/11/2009

Sự việc Lê  Anh Tuấn, học sinh THPT Lê Quý Đôn, TP HCM bị thầy giáo phạt "thụt dầu" 100 lần dẫn đến ngất xỉu, phải nhập viện hôm 22/11 khiến nhiều phụ huynh hoang mang

Sự việc Lê  Anh Tuấn, học sinh THPT Lê Quý Đôn, TP HCM bị thầy giáo phạt "thụt dầu" 100 lần dẫn đến ngất xỉu, phải nhập viện hôm 22/11 khiến nhiều phụ huynh hoang mang vì tần xuất các vụ bạo hành học đường diễn ra liên tiếp tại thành phố trong ba tháng gần đây.

Vụ việc trên xảy ra vào thứ 5 (19/11). Lê Anh Tuấn, học sinh lớp 11A8, THPT Lê Quý Đôn, TP HCM, đùa giỡn trong giờ học nên bị thầy giáo dạy toán Võ Hải Bình nhắc sẽ ghi sổ đầu bài. Tuấn  phản ứng nên thầy giáo quyết định phạt học sinh này "thụt dầu" (hai tay bắt chéo nắm hai tai, ngồi xuống, đứng lên - pv) 100 lần đến ngất xỉu. 

Ngày 22/11, gia đình phải đưa Tuấn nhập viện. Tới hôm nay, Tuấn vẫn nằm điều trị tại Bệnh viện Thống Nhất, TP HCM. Các bác sĩ chẩn đoán, Tuấn bị hội chứng Ly giải cơ (Rhabdomyolysin), tức là đau cơ nhiều và đi tiểu đỏ, nguyên nhân do vận động quá sức và đột ngột, nếu không điều trị kịp thời có nguy cơ bị suy thận cấp. Ít nhất sau một tuần nữa, học sinh này mới có thể đi học bình thường. Trao đổi với báo chí, mẹ của Anh Tuấn khẳng định, trước khi bị phạt, sức khỏe của Tuấn hoàn toàn bình thường.[links(right)]

Phụ huynh, học sinh cùng hoang mang

Trước đó, trong tháng 9, khi năm học mới vừa khai giảng được hơn một tháng, gia đình anh Trần Quang Minh phản ánh về trường hợp con mình, học lớp 4/6, Tiểu học Phạm Văn Hai, bị thầy giáo đánh bầm mông, đến mức không thể ngồi ăn cơm và phải nghỉ học ba ngày.

Trong tháng 10, một học sinh lớp 10, trường tư thục Quốc Trí, quận 6, bị thầy giám thị đánh bầm mắt. Tháng 11, tại TP HCM tiếp tục xảy ra vụ 13 học sinh lớp 7, THCS Trần Quốc Tuấn, quận 7, vì sợ giáo viên bạo hành khi trả bài đã đồng loạt rủ nhau uống thuốc ngủ để đối phó. Sự việc chưa kịp lắng xuống thì xảy ra vụ học sinh Anh Tuấn bị phạt thụt dầu như trên. 

Sau khi các sự việc trên xảy ra, các giáo viên có liên quan đều giải thích: “Trò không ngoan và thầy thiếu kiềm chế nên đã ra tay hơi nặng. Chúng tôi lấy làm tiếc và vô cùng ân hận vì đã lỡ tay với các em”... Còn Ban giám hiệu các trường cho rằng, đây là những "tình huống “đột biến” và không thể ngờ được giáo viên lại hành động như vậy. Còn việc xử lý giáo viên có sai phạm, thì nhà trường "đã gửi báo cáo lên Sở và chờ ý kiến".

Ông Từ Lâm Dật Dìu, phụ huynh học sinh trường tư thục cấp 2-3 Quốc Trí, nói: “Nếu học sinh sai, nhà trường và giáo viên đánh học trò để dạy dỗ, gia đình sẽ không trách cứ. Nhưng, đánh ở đây là đánh răn dạy, tuyệt đối không được đánh vào mặt học sinh, như thế là phản phương pháp giáo dục. Hy vọng hiện tượng đáng tiếc như vậy không còn xảy ra trong môi trường giáo dục nữa”.

Phụ huynh và học sinh mong muốn mỗi ngày đến trường của các em lá một ngày vui. Ảnh minh họa: Nguyễn Thủy
Phụ huynh và học sinh mong muốn mỗi ngày đến trường của các em lá một ngày vui. Ảnh minh họa: Nguyễn Thủy

Còn anh Quang Minh, phụ huynh học sinh lớp 4/6, Tiểu học Phạm Văn Hai, quận 11, bày tỏ: “Tôi mong muốn trong quá trình dạy học, nếu học sinh chưa ngoan, thầy cô có thể từ từ dạy, nếu cần mời phụ huynh lên trường để cùng tìm ra giải pháp”.

Chia sẻ với Đất Việt, nhiều học sinh tại một số Tiểu học, THCS, THPT ở TP HCM cũng bày tỏ mong đợi ở giáo viên sự thân thiện, gần gũi và chia sẻ hơn. Ý Nhi, học sinh lớp 11A17, THPT Nguyễn Thái Bình, quận Tân Bình, nói: “Đối với em, việc học sinh chưa ngoan, vi phạm nội quy và đạo đức thì bị giáo viên phạt là đúng. Nhưng giá như các hình thức kỷ luật và phạt này nhẹ nhàng hơn. Đặc biệt đối với học sinh cấp ba như em, mỗi lần bị giáo viên nêu tên trước lớp cũng đã xấu hổ lắm rồi, huống chi bị tát, bị thụt dầu hay đánh vào mông”.

Xem lại đạo đức nghề khi thầy ’nặng tay’ với học sinh

Sau một loạt vụ bạo hành học đường xảy ra liên tiếp trên địa bàn, Sở GD- ĐT TP HCM  yêu cầu các trường lập báo cáo và tường trình, đồng thời tổ chức kiểm tra, làm rõ nguyên nhân sự việc và có hình thức xử lý đối với giáo viên sai phạm.

Trước cách giải quyết của giáo viên và ban giám hiệu liên quan đến các vụ việc, Phó giám đốc Sở GD- ĐT TP HCM Nguyễn Hoài Chương cho rằng, các trường nói chờ xin ý kiến của Sở là đùn đẩy trách nhiệm. Theo quy định, Ban giám hiệu, cụ thể là hiệu trưởng phải chịu trách nhiệm và có quyền xử lý kỷ luật đối với những trường hợp nêu trên. Sở chỉ giám sát, nhắc nhở và góp ý mà thôi.

"Giáo viên bức xúc vì học trò hư, không ngoan mà ra tay phạt nặng là không chấp nhận được. Đừng đổ lỗi cho học sinh mà hãy xem lại phương pháp giáo dục của mình đã đúng hay chưa, dẫn đến học trò không ngoan. Giáo viên cũng không nên hiểu và vận dụng máy móc câu nói của ông cha ta ngày xưa là thương cho roi, cho vọt. Cứ cho rằng đánh và phạt thì học sinh sẽ ngoan hơn, học giỏi hơn là sai lầm”, ông Chương nói.

Cũng theo ông Chương, hiện nay, đối với giáo viên vi phạm về chuyên môn, đạo đức, hình thức xử lý cao nhất là đuổi việc, nhẹ là cảnh cáo, kiểm điểm và nhắc nhở tùy theo tình hình cụ thể.

Trao đổi với Đất Việt về tình trạng bạo lực học đường, tiến sĩ Mai Ngọc Luông, Phó chủ tịch Hội Khoa học - Tâm lý TP HCM, cho rằng, dù giáo viên có giải thích hay biện minh bằng lý do gì chăng nữa thì việc dùng hình phạt mang tính bạo lực đối với học sinh là không thể chấp nhận được. Bản thân giáo viên đó cần xem lại năng lực chuyên môn cũng như đạo đức nghề nghiệp của mình. Ban giám hiệu là những người quản lý cũng phải chịu trách nhiệm liên đới khi để những sự việc trên xảy ra và nếu cần nên loại khỏi những giáo viên này ra khỏi ngành. 

"Đối với học sinh, việc thầy, cô giáo dùng hình phạt nặng tay không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe mà còn gây sự tổn thương trong tâm hồn của học sinh. Ngay cả đối với học sinh cá biệt, nếu có một phương pháp đúng đắn, phù hợp, giáo viên vẫn có thể giáo dục được. Bản thân giáo viên phải có niềm tin vào điều này và cần kiên trì, nhẫn nại, phối hợp cùng nhà trường, gia đình để tìm ra hướng giáo dục học sinh tốt hơn”, tiến sĩ Luông nêu quan điểm.

Theo Đát việt