Luật GD chưa tạo ’cú hích’ phát triển giáo dục

11:44, 25/11/2009

Dự kiến hôm nay, Quốc hội sẽ thông qua dự án Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật giáo dục 2005.

Dự kiến hôm nay, Quốc hội sẽ thông qua dự án Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật giáo dục 2005. Tuy nhiên, nhiều nhà quản lý giáo dục, giáo viên và cựu giáo chức đều  cho rằng, những kỳ vọng về việc sửa đổi, bổ sung Luật lần này  nhằm tạo “cú hích”  thay đổi diện mạo giáo dục nước nhà đã không được đáp ứng.

Trao đổi với phóng viên chiều ngày 24/11, giáo sư Phạm Phụ thẳng thắn: “Những sửa đổi trong dự thảo Luật mới chỉ là những vấn đề vặt vãnh, kể cả chuyện mà Quốc hội đang thảo luận là giao việc thành lập trường đại học cho ai. Bởi thực tế việc kiểm tra, đánh giá để cho phép một trường đại học được ra đời hay không đang nằm trong tay các chuyên viên.

Hạn chế mở trường ĐH

Theo ông Nguyễn Ngọc Hợi, Hiệu trưởng ĐH Vinh, Luật sửa đổi bổ sung lần này cần phải hạn chế được việc mở quá nhiều ĐH. Trong thời gian qua, có quá nhiều ĐH ra đời trong khi các điều kiện để đảm bảo chất lượng giáo dục chưa đầy đủ. “Xây dựng một ngôi trường phải có quá trình phát triển.

Nếu có tiền thì trường đó có thể đầu tư mùa sắm cơ sở vật chất hiện đại, nhưng chất lượng của đội ngũ giảng dạy thì không thể một sớm một chiều là có được. "Do vậy, cần có hành lang pháp lý cho các ĐH lớn, đào tạo có uy tín hiện nay mở ra nhiều phân hiệu để đào tạo nhân lực cho xã hội. Vì các trường này không chỉ có kinh nghiệm trong việc quản lý mà lực lượng đội ngũ thầy giáo đã được chuẩn hóa”, ông Hợi nói. Ngoài ra, việc Luật hóa vấn đề công khai đối với các cơ sở giáo dục đại học cũng được các nhà quản lý giáo dục đánh giá cần thiết và kịp thời, để giúp thí sinh trong việc lựa chọn ĐH.

Nhiều ý kiến cho rằng nội dung sách giáo khoa THPT hiện còn quá nặng với học sinh. Ảnh: Trung Kiên
Nhiều ý kiến cho rằng nội dung sách giáo khoa THPT hiện còn quá nặng với học sinh. Ảnh: Trung Kiên

Ông Nguyễn Mậu Bành, Phó chủ tịch, Tổng thư ký Hội Cựu giáo chức Việt Nam thì cho rằng, những sửa đổi, bổ sung trong Luật giáo dục lần này như: giao quyền thành lập trường cho Bộ trường, rút ngắn thời gian đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ… chỉ đem lại sự thuận lợi cho việc quản lý của Bộ GD-ĐT chứ chưa phải để phát triển giáo dục. Nếu Bộ GD-ĐT muốn nâng cao chất lượng giáo dục, trong thời gian tới nên thành lập và quy hoạch những trường đào tạo tinh hoa và trường.

ĐH đào tạo nhân lực chất lượng cao. Cũng theo ông Bành việc giao quyền thành lập ĐH từ Thủ tướng cho Bộ trưởng Bộ GD - ĐT trong lúc này là chưa yên tâm. Vì trên thực tế trong việc duyệt đề án mở trường, trường được mở phải có “chi phí”. Do đó, những tiêu chuẩn của một ĐH cũng bị hạ thấp kéo theo chất lượng khó mà đảm bảo chứ chưa nói là nâng cao. [links(right)]

Còn thiếu những điều khoản khung quy định

Vẫn theo giáo sư Phạm Phụ, dự thảo Luật giáo dục mới còn thiếu những điều khoản khung định hướng cho những vấn đề đang rất gay cấn như chương trình trong giáo dục phổ thông, quản trị và tài chính trong giáo dục đại học, toàn cầu hoá trong giáo dục... Thế nhưng lại có khá nhiều điều khoản quá chi tiết như chương trình khung, tên gọi các loại bằng cấp theo từng nhóm ngành nghề, “lẽ ra chỉ nên quy định những điều này trong văn bản dưới luật”.

“Tại sao chúng ta lại đi sửa đổi những điều quá nhỏ nhặt như biên soạn giáo trình, rồi thì sinh viên sư phạm đóng học phí hay không… Trong khi thực tế cuộc sống là sinh viên sư phạm ra trường, về miền núi xin việc cũng phải lót tiền?”, giáo sư Phạm Phụ bức xúc.

Bà Nguyễn Thị Thiên Nga, Tổ trưởng tổ Hóa – Sinh, trường THPT Nhân Chính (Thanh Xuân, Hà Nội) cho rằng Luật sửa đổi, bổ sung lần này chưa “đả động” đến vấn đề nên có nhiều bộ sách giáo khoa thay vì một bộ như hiện nay. Trong khi trên thực tế giảng dạy, sách giáo khoa cấp THPT hiện hành quá nặng đối với học sinh. “Hiện nay, đời sống của giáo viên cũng gặp nhiều khó khăn nhất là giáo viên mới ra trường.

Cho nên, những giáo viên trẻ phải đi giảng nhiều để tạo thu nhập sẽ ảnh hưởng tới việc nghiên cứu, truyền thụ kiến thức”, bà Nga nhấn mạnh. “Chúng ta đang làm luật theo quy trình ngược. Chiến lược giáo dục 2011 - 2020, trong đó có những quyết định về chính sách, chưa được phê duyệt thì chúng ta ngồi đây bàn về việc sửa đổi luật giáo dục năm 2005”, giáo sư Phạm Phụ nói.

Theo Đất việt