’Đuổi học nhiều chỉ chứng tỏ giáo dục bất lực’

11:04, 14/12/2009

Thay vì tìm ra phương pháp để giáo dục học sinh cá biệt, nhiều trường lại lạm dụng hình thức kỷ luật cao nhất là đuổi học. Điều này chỉ cho thấy sự bất lực của giáo dục sẽ đẩy thêm gánh nặng cho xã hội.

Thay vì tìm ra phương pháp để giáo dục học sinh cá biệt, nhiều trường lại lạm dụng hình thức kỷ luật cao nhất là đuổi học. Điều này chỉ cho thấy sự bất lực của giáo dục sẽ đẩy thêm gánh nặng cho xã hội.

Đến bây giờ vẫn chưa hết ám ảnh bởi hai từ “đuổi học”, thầy N.M.Tâm, giáo viên THPT Huỳnh Thúc Kháng tâm sự: “Nếu ngày ấy bị đuổi học thì không biết bây giờ tôi sẽ như thế nào. Tôi đã may mắn được thầy giáo chủ nhiệm đứng ra bảo lãnh để tiếp tục học và trở thành một nhà giáo”. Nhưng không phải học sinh nào cũng có được may mắn đó.

Áp dụng biện pháp kỷ luật là để giáo dục học sinh chứ không phải để trừng phạt. Ảnh minh họa: Mai Lâm
Áp dụng biện pháp kỷ luật là để giáo dục học sinh chứ không phải để trừng phạt. Ảnh minh họa: Mai Lâm

Không dạy được thì đuổi?

Theo thống kê của Sở GD - ĐT TP HCM, trong số 500.000- 600.000 học sinh nghỉ học mỗi năm (chiếm tỷ lệ 0,79%), ngoài lý do hoàn cảnh kinh tế gia đình, chuyển trường, có không ít em nghỉ học do học lực kém và bị đuổi học do vi phạm kỷ luật.

Chị N.T.Trúc (Hà Nội) tâm sự: “Tôi chỉ mong con mình được một giáo viên có kinh nghiệm, bao dung, vị tha, kiên nhẫn để giáo dục nên người”. Con gái chị đang là học sinh lớp 8 một THCS tại Hà Nội, vừa bị đuổi khỏi trường cách đây hai tuần vì… nghỉ học quá nhiều. Chị phải lặn lội vào Sài Gòn để tìm trường dân lập cho con theo học. Dùng hết mọi mối quan hệ, nhưng đến đâu chị cũng nhận được cái lắc đầu: “hết chỗ” hoặc “chờ xong học kỳ thì mới trả lời”. Nhưng chị biết chắc chắn, con chị không có cơ hội đi học tiếp vì không có điểm thi học kỳ, học bạ không liên tục. Chỉ còn cách cho con nghỉ học một năm, năm sau học lại lớp 8.

20.000 thanh thiếu niên bỏ học đi… bụi

Ông Phùng Khắc Bình, Vụ trưởng, Vụ công tác học sinh, sinh viên, Bộ GD-ĐT cho biết, tình trạng học sinh phổ thông bỏ học (có trường hợp vẫn đang đi học) sống lang thang, thông qua internet để kết thành băng nhóm sử dụng ma túy, gây ra nhiều vụ gây rối trật tự xã hội, cướp tài sản có xu hướng tăng.

Theo thống kê của cơ quan Công an, hiện nay có khoảng gần 20.000 đối tượng thanh thiếu niên bỏ học, sống lang thang, bụi đời. 

Thống kê chưa đầy đủ, năm 2005 - 2008, tổng số vi phạm pháp luật hình sự trong học sinh, sinh viên khoảng hơn 8.000 trường hợp, trong đó, gây rối trật tự công cộng hơn 2.000 trường hợp, tội phạm ma túy 815 trường hợp.

Hiện nay, các trường ngoài công lập thường đặt ra nhiều nội quy rất khắt khe, trong đó, có yêu cầu phụ huynh phải ký cam kết với nhà trường rằng nếu con em họ vi phạm kỷ luật sẽ bị buộc thôi học.

Cách đây không lâu, một học sinh THPT tư thục Quốc Văn Sài Gòn đuổi học chỉ vì mang điện thoại di động vào trường dù chưa sử dụng. Một số trường khác còn đề ra quy định nếu sau một học kỳ, học sinh có học lực trung bình trở xuống thì buộc phải chuyển trường. Trường H.B. (Q. Tân Bình, TP HCM) còn quy định học sinh trung bình trở xuống phải thi tốt nghiệp theo hệ bổ túc.

Hoặc có trường có quy định “kỳ quặc” hơn: không được gặp người thân, không được bước chân ra khỏi cổng trường những ngày bình thường; đi học trễ đóng phạt 100.000 đồng… Dù biết đây là những quy định khắt khe, thậm chí phi lý, nhưng để có chỗ cho con học, phụ huynh vẫn ký cam kết với nhà trường.

Hình phạt phải hướng đến giáo dục


Câu chuyện của thầy N.M.Tâm là một ví dụ điển hình của việc lắng nghe học sinh trước khi áp dụng biện pháp xử lý cuối cùng.
 
“Chuyển trường từ một vùng quê nghèo ở Bắc Trung bộ vào Đồng Nai, sau hai tháng tôi có nguy cơ bị đuổi học vì nhiều giáo viên không hiểu giọng miền Trung, nên thường xuyên phê vào sổ là không thuộc bài. Nhưng thầy giáo chủ nhiệm đã gặp riêng tôi để hỏi cho rõ ngọn ngành rồi đứng ra bảo lãnh, cho phép tôi được trả bài trên giấy”.

Tiến sĩ Mai Ngọc Luông, Phó chủ tịch Hội Khoa học - Tâm lý TP HCM cho rằng, việc đuổi học chỉ chứng tỏ nhà trường bất lực. “Gia đình tin tưởng giao con cái mình cho nhà trường giáo dục, đào tạo tri thức và phát triển nhân cách. Vì vậy, khi chọn hình phạt loại học sinh ra khỏi trường học, tức là thầy cô, nhà trường đã tỏ ra bất lực”. Tiến sĩ  Luông khẳng định, nếu giáo viên, nhà trường có niềm tin và phương pháp giáo dục, chắc chắn các em học sinh cá biệt sẽ tiến bộ và trở thành học sinh ngoan, công dân tốt.

Ông Nguyễn Hoài Chương, Phó GĐ Sở GD-ĐT TP HCM cho rằng không nên lạm dụng hình phạt cao nhất này. Ban giám hiệu và hội đồng kỷ luật phải xem xét thật kỹ những tình huống, tình tiết của từng trường hợp để đưa ra quyết định hợp tình, hợp lý nhất.
 
“Việc dùng hình phạt, kỷ luật học sinh là nhằm mục đích giáo dục các em, chứ không phải để trừng trị học sinh như một tội phạm. Ngoài ra, khi đưa ra hình thức kỷ luật cao nhất là đuổi học học sinh một năm, nhà trường phải liên lạc, kết hợp với địa phương, gia đình để giáo dục học sinh tại nhà, đồng thời theo dõi, ghi nhận sự tiến bộ của học sinh, cho các em cơ hội để sửa chữa”, ông Chương lưu ý.

Theo Đất việt