Gặp teen tuổi 15 phát minh ra ’chiếc cặp cứu sinh’

16:10, 09/12/2009

Nghe tin có nhiều học sinh bị chết đuối do chìm đò ở Chôm Lôm (Nghệ An), ở Thanh Thuỷ (Phú Thọ), Hiếu đã không kìm được lòng mình và sáng tạo nên chiếc cặp cứu sinh.

Nghe tin có nhiều học sinh bị chết đuối do chìm đò ở Chôm Lôm (Nghệ An), ở Thanh Thuỷ (Phú Thọ), Hiếu đã không kìm được lòng mình và sáng tạo nên chiếc cặp cứu sinh.

“Chứng kiến những vụ đắm đò, những thảm cảnh thương tâm của các bạn học sinh phải đi học qua vùng sông nước em không kìm được lòng mình. Điều đó đã thôi thúc em phải làm một điều gì đó hữu ích cho các bạn nhỏ để không còn phải chứng kiến những thảm cảnh ấy”- Đó là lời chia sẻ của Lê Trọng Hiếu - tác giả của ý tưởng “cặp phao cứu sinh”.

Với dáng người cao, đôi mắt sáng và nụ cười hồn nhiên, Hiếu chia sẻ về ý tưởng “cặp sách cứu sinh” của mình không chút ngần ngại.

Hieu1.jpg
Học sinh lớp 10A1 Trường THPT C Kim Bảng, Hà Nam

Ý tưởng về chiếc cặp 2 trong 1: vừa là cặp sách, vừa là phao cứu sinh đã hình thành trong đầu Hiếu từ khi còn là cậu học sinh lớp 7 (năm 2006).

Sinh ra và lớn lên ở vùng quê chiêm trũng Hà Nam, tuy chưa phải chứng kiến thảm họa từ bão lụt hoành hành trên quê hương mình, nhưng sau khi nghe tin có nhiều học sinh bị chết đuối do chìm đò ở Chôm Lôm (Nghệ An), ở Thanh Thuỷ (Phú Thọ), Hiếu đã không kìm được lòng mình. Những thảm cảnh ấy đã ám ảnh trong đầu Hiếu - cậu bé lúc đó mới 12 tuổi.

Hieu2.jpg
Nhiều bạn nhỏ sau khi sử dụng “cặp cứu sinh” đã gửi thư, email về cảm ơn và chia sẻ niềm vui với Hiếu

Hình ảnh các bạn học sinh phải đi học trên vùng sông nước bị thiệt mạng do không có áo phao mà bản thân gia đình em lại có một xưởng chuyên sản xuất áo phao đã khiến em nảy sinh suy nghĩ “Tại sao mình không làm một chiếc cặp phao 2 trong 1”. Và ý tưởng về chiếc “cặp cứu sinh” ra đời từ đó: “Em thấy rằng áo phao dù có các bạn ấy cũng không mang theo mình thường xuyên. Còn cặp thì lúc nào đi học cũng phải mang bên người nên em nghĩ làm môt chiếc cặp phao 2 trong 1 là tiện lợi nhất”.

Ngay khi nảy sinh ý tưởng, Hiếu đã mạnh dạn nói với mẹ. Ý tưởng đó nhanh chóng nhận được sự đồng thuận từ mẹ và gia đình. Lúc đó vì còn bận học nên Hiếu đã nhờ sự “viện trợ” của mẹ để đi mua vải về may thành chiếc cặp.

Khi mới bắt tay vào làm Hiếu gặp phải rất nhiều khó khăn từ việc bố trí xốp đến tìm kiếm loại vải để may cặp. Nhờ sự hướng dẫn của bố mẹ, Hiếu biết phân phối lượng xốp hợp lý cho cả phần quai và phần thân cặp. Chỉ với 100-200g (tùy vào trọng lượng cơ thể) xốp polyuretan có thể nâng được một người cân nặng đến 50kg nổi trên mặt nước mà không cần tác động của cơ thể. Vỏ cặp ban đầu được may bằng một loại vải nhẹ nhưng sau khi thử nghiệm đã được thay bằng một loại vải Polyeste có tráng PU hoặc PVC.

Hieu3.jpg

Ban đầu chiếc cặp vẫn còn một số nhược điểm nhưng qua một số lần Hiếu cùng bạn bè thử nghiệm thì chiếc “cặp cứu sinh” đã dần được hoàn thiện và cải tiến. Không dừng lại ở đó, cậu bé nay chưa tròn 15 tuổi với niềm đam mê học hỏi vẫn luôn tìm đọc các sách báo về các sáng tạo khoa học và học hỏi kinh nghiệm từ bạn bè. Những sáng tạo của các bạn cùng trang lứa như máy tách hạt ngô của bạn Trịnh Văn Đức (Thanh Hóa) hay máy hái chè của bạn Hà Hoài Nam (Yên Bái)… luôn là những tấm gương để Hiếu học tập và cố gắng hơn nữa.

Hieu4.jpg
Hiếu và những thành tích của mình

Ngay khi ý tưởng được “hiện thực hóa”, những chiếc “cặp cứu sinh”đã được nhiều cá nhân, tổ chức đặt mua cho học sinh nghèo vùng lũ. Hiếu cũng đề xuất với mẹ tặng “cặp cứu sinh” cho các bạn học sinh nghèo hằng ngày phải vượt khó qua sông đi học nhưng vẫn luôn đạt kết quả cao trong học tập.

Có rất nhiều bạn nhỏ sau khi sử dụng “cặp cứu sinh” đã gửi thư, email về cảm ơn và chia sẻ niềm vui với nhà sáng tạo nhỏ tuổi này. Thầy cô, bạn bè, gia đình cùng chung vui với niềm vui của Hiếu. Niềm vui được nhân lên gấp bội khi thấy ý tưởng của mình có thể góp phần nào hạn chế phần nào những rủi ro cho những bạn nhỏ thường xuyên phải đi học qua vùng sông nước.

Với ánh mắt sáng lên hi vọng, Hiếu không ngại ngần chia sẻ những dự định trong tương lai: “Em còn nhiều dự định lắm nhưng chưa có đủ thời gian và điều kiện để thực hiện. Em muốn làm những thứ thiết thực với đời sống và hữu ích cho các bạn nhỏ để không còn phải chứng kiến những thảm cảnh thương tâm”.

Lê Trọng Hiếu (Sinh năm: 1994)

Học sinh lớp 10A1 Trường THPT C Kim Bảng

Một số giải thưởng đã “rinh” được:

- Giải thưởng xuất sắc trong cuộc triển lãm Quốc tế dành cho các nhà sáng tạo trẻ lần thứ 5 tổ chức tại Đài Loàn

- Giải nhất cuộc thi Sáng tạo thanh, thiếu niên toàn quốc với sản phẩm “Cặp cứu sinh”

- Giải thưởng Gương mặt trẻ tiêu biểu năm 2008

- Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác năm 2009

- Đại biểu tiêu biểu đại hội “Tài năng trẻ Việt Nam lần thứ nhất” - 2009

 

Theo Zing