Hai bộ, đôi kiểu tiền trường

14:32, 04/12/2009

Trong khi Bộ GD-ĐT xác định mức tiền cụ thể để các trường làm căn cứ thu thì Bộ LĐ-TB và XH nghiêng về xu hướng để các trường tự xác định mức học phí cho mình trên các nguyên tắc mà Bộ này nêu ra.

Trong khi Bộ GD-ĐT xác định mức tiền cụ thể để các trường làm căn cứ thu thì Bộ LĐ-TB và XH nghiêng về xu hướng để các trường tự xác định mức học phí cho mình trên các nguyên tắc mà Bộ này nêu ra.

8 nhóm ngành hay 22 nhóm ngành?

Ngày 26/11, Bộ GD-ĐT công bố dự thảo quy định cơ chế thu và sử dụng học phí đối với các cơ sở giáo dục công lập thuộc hệ thống giáo dục quốc dân từ năm học 2010-2011 đến năm học 2012-2015.

Gần như cùng thời điểm, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) cũng đệ trình Chính phủ xem xét dự thảo quyết định khung giá dịch vụ dạy nghề. 2 dự thảo cùng mục đích "xây dựng mức học phí mới" nhưng cách tiếp cận khác nhau.

Về kết cấu chương trình, thực hành của trung cấp chuyên nghiệp (TCCN - Bộ GD-ĐT) và trung cấp nghề (TCN - Bộ LĐTB&XH) giống nhau về tỷ lệ giữa lý thuyết và thực hành, nhưng mỗi nơi xây dựng cách tính học phí mỗi kiểu.

Theo Dự thảo của Bộ GD-ĐT, khung học phí TCN của các nhóm đào tạo có chất lượng đại trà từ năm học 2010-2011 đến năm học 2014-2015 được xác định theo 8 nhóm ngành.

Mức học phí dự kiến áp dụng cho năm học tới cao nhất là 270.000 đồng cho mỗi tháng và mức thấp nhất là 230.000 đồng.

Khung học phí của 8 khối tăng dần theo từng năm học, chi tiết như sau:

Nhóm ngành

Năm học 2010-2011

Năm học 2011-2012

Năm học 2012-2013

Năm học 2013-2014

Năm học 2014-2015

- Khối thăm dò địa chất, thuỷ văn, khí tượng

270.000

370.000

470.000

580.000

700.000

- Khối hàng hải

260.000

340.000

420.000

500.000

610.000

- Khối y tế, dược

250.000

330.000

410.000

490.000

580.000

- Khối cơ khí luyện kim, kỹ thuật nhiệt và điện, kỹ thuật xây dựng

240.000

320.000

400.000

480.000

560.000

- Khối công nghệ lương thực và thực phẩm

230.000

310.000

380.000

460.000

540.000

- Khối kỹ thuật bảo quản và vật tư  hàng hoá

230.000

300.000

380.000

460.000

530.000

- Khối văn hoá, thể thao - du lịch

230.000

300.000

380.000

460.000

520.000

- Khối kỹ thuật điện tử, bưu chính viễn thông

230.000

300.000

370.000

430.000

500.000

Trong khi Bộ GD-ĐT đưa rõ mức học phí thì dự thảo quyết định khung giá dịch vụ dạy nghề của Bộ LĐTB&XH mới chỉ dừng ở mức nêu một số phương pháp để xác định "giá trị dịch vụ dạy nghề và khung giá trị dạy nghề". Và khác với Bộ GD-ĐT ấn định số tiền học phí "từ trên xuống" cho các trường thì Bộ này  chưa "tiết lộ" số tiền học phí cụ thể và nghiêng về xu hướng xây dựng phương pháp để các trường tự lên giá học phí cho cơ sở của mình.

Cụ thể, sẽ thông qua khảo sát để xác định các chi phí đào tạo theo từng nghề, từng cấp trình độ đào tạo, theo cơ sở dạy nghề và theo các bộ, ngành, địa phương. Đồng thời, dựa trên cơ sở phân tích mức kinh phí hàng năm Nhà nước cấp cho các cơ sở dạy nghề và hệ số trượt giá, mức tiền lương tối thiểu chung qua các thời kỳ và cuối cùng là phương pháp phân tích, tổng hợp.

Từ đó để xác định giá trị dịch vụ dạy nghề theo từng nghề, từng cấp trình độ đào tạo; khung giá dịch vụ dạy nghề ở mức độ tối thiểu và tối đa mỗi tháng thực học.

Cơ sở nào để tính học phí?

Để ’lên đơn giá học phí", phải tách bạch rõ chi phí đầu tư của nhà nước và phần "hùn vốn" của người học. Nếu nhà nước chi nhiều thì người học  được đóng ít và ngược lại.

Việc xây dựng học phí phải cân nhắc 3 yếu tố: môi trường cạnh tranh về chất lượng; chính sách ưu tiên phát triển quốc gia và hoàn cảnh người học.

Một chuyên gia của Bộ GD-ĐT cho rằng, với những ngành học đặc thù thì mức thu học phí có thể rẻ để khuyến khích người học như ngành Khai thác mỏ, Vệ sinh môi trường...

Thậm chí có ngành phải miễn học phí, "cho" thêm tiền để người dân đi học. Tuy nhiên, bài toán tính chi phí khó thực hiện vì có nhiều khoản chi không có định mức như: quảng cáo, hội họp...

Nhưng trong thực tế "phần cứng" giữa hai nguồn chi trả (Nhà nước, người dân) đã được phân định bởi chủ trương của Quốc hội là học phí đối với đào tạo nghề phải đủ bù đắp khoảng 40% chi phí đào tạo.

Tuy nhiên, ông Trương Anh Dũng (Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính, Tổng cục Dạy nghề) cho biết, chi phí đào tạo cụ thể cho từng nghề là bao nhiêu, thì cũng chưa cơ quan nào tính toán được cụ thể.

Theo ông Dũng thì: đối với một số nghề hiện nay, chi phí đào tạo được huy động từ 3 nguồn: Ngân sách Nhà nước đặt hàng, học phí do người học đóng góp và sự hỗ trợ của doanh nghiệp".

Chẳng hạn, có những nghề đào tạo mà Nhà nước đặt hàng là 6,8 triệu; người học đóng thêm 1 - 1,5 triệu và doanh nghiệp tiếp nhận lao động đó phải hỗ trợ cơ sở đào tạo khoảng 2 triệu nữa. Như vậy, chi phí đào tạo nghề đó vào khoảng 10 triệu đồng" - ông Dũng nêu ví dụ.

Khung học phí có thể thay đổi

Bộ GD-ĐT cho rằng, vì không thể tính chính xác chi phí nên việc ban hành khung học phí cho các nhóm ngành để các trường tự quyết định mức thu cụ thể căn cứ chương trình đào tạo.

Bộ không thể quy định "cứng" chi tiết, chính xác cho từng ngành đào tạo nên việc xây dựng khung học phí theo 8 nhóm ngành (chi tiết ở trên) vừa dễ quản lý, đồng thời giúp các trường có sự cạnh tranh.

Ông Trương Anh Dũng cho biết: Thời điểm này, chưa thể cung cấp thông tin cụ thể. Tuy nhiên, Tổng cục Dạy nghề cũng dự kiến đề xuất việc xây dựng học phí đào tạo nghề chia theo 22 nhóm ngành nghề. Sự phân chia này căn cứ theo danh mục giáo dục, đào tạo của hệ thống giáo dục quốc dân.

Ông Dũng cho biết, có thể sự phân chia 8 nhóm ngành của Bộ GD-ĐT là theo cách phân chia của Bộ Tài chính về mức chi hành chính sự nghiệp đối với giáo dục đào tạo.

Còn Bộ GD-ĐT thì cho biết: việc xác định 8 nhóm ngành chỉ dựa vào căn cứ phân loại theo nhóm ngành tương tự nhau liên quan đến ngành kinh tế.

Hiện nay, quyết định 1310 về điều chỉnh khung học phí đối với các cơ sở GD công lập cũng chỉ quy định khung học phí đối với từng trình độ đào tạo (trung cấp nghề trở xuống; trung cấp chuyên nghiệp; CĐ, cao đẳng nghề), chứ chưa quy định cụ thể khung học phí đối với từng nghề đào tạo.

Hơn nữa, đào tạo nghề có đặc thù là chi phí dành cho đầu tư cơ sở vật chất, thực hành tương đối cao, khấu hao lớn... Mỗi nghề lại có những đặc thù riêng.

Được biết, trong buổi làm việc tới đây giữa 2 bộ, Tổng cục Dạy nghề sẽ có trao đổi với Bộ GD-ĐT về nguyên tắc xây dựng và phương pháp xác định học phí.

"Chẳng hạn như xây dựng trên cơ sở nào, có điều tra, khảo sát hay không?", ông Dũng nói.

"Chắc chắn rằng Bộ GD-ĐT cũng sẽ tham khảo và tôn trọng ý kiến của Bộ LĐTB&XH trong việc xây dựng khung học phí đào tạo nghề" - ông Dũng nói.

Ông Dũng cũng khẳng định rằng: khung học phí mà Bộ GD - ĐT đưa ra mới chỉ là "dự thảo". Do đó, nó có thể sẽ còn thay đổi.

Năm 2008, chi ngân sách cho dạy nghề đạt 5.985 tỷ đồng, tăng 0,8% so với năm 2007. Hiện nay, ngân sách dành cho dạy nghề chiếm khoảng 7-7,5% tổng ngân sách dành cho giáo dục đào tạo. Theo ông Dũng, con số này sẽ là khoảng 10% vào năm 2015.

Theo Vietnamnet