Hào hứng nghe Phó Thủ tướng giảng bài

11:01, 15/12/2009

Sâu sắc, ấn tượng… là ý kiến nhận xét của hàng trăm sinh viên, giảng viên Học viện Ngoại giao khi được “thưởng thức” bài giảng của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân chiều 14/12.

Sâu sắc, ấn tượng… là ý kiến nhận xét của hàng trăm sinh viên, giảng viên Học viện Ngoại giao khi được “thưởng thức” bài giảng của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân chiều 14/12.

“Nhận dạng nguyên nhân khủng hoảng kinh tế Mỹ 2008 - 2009” là chuyên đề bài giảng của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, Giáo sư Nguyễn Thiện Nhân với thời lượng 2 giờ.

13h30 phút chiều ngày 14/12, tại giảng đường của Học viện Ngoại giao hàng trăm sinh viên chờ đợi buổi thuyết giảng của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân với tâm trạng hồi hộp tò mò, phấn khởi.

Dương Thuỳ, lớp Y 33, chuyên ngành Kinh tế cho biết: “Em rất bất ngờ và hồi hộp vì đây là lần đầu tiên em được nghe một vị lãnh đạo giảng bài”. Còn Hà Linh, lớp Kinh tế 36D dí dỏm: “Em hy vọng buổi giảng này sẽ khác với các buổi giảng của các thầy giáo trong Học viện”.

Đúng 14h, Phó Thủ tướng bước vào hội trường trong tiếng vỗ tay vang dội của sinh viên. Phong cách cởi mở, pha chút hài hước, Phó Thủ tướng mở đầu bài giảng.

Phó Thủ tướng say sưa giảng bài (Ảnh: Hồng Hạnh)

Ông cho biết: “10 năm trước đây tôi đã tìm hiểu về vấn đề này. Cách đây 1 tháng tôi đã cùng một số đồng chí trong Chính phủ sang Đại học Harvard một tuần tìm hiểu nguyên nhân khủng hoảng tài chính Mỹ. Đề tài này, tôi nghiên cứu trong vòng 4 tháng”.

Bản giáo án 32 trang được truyền đạt đến đông đảo sinh viên sau hơn 1 giờ đồng hồ.

Phó Thủ tướng cho biết: “Khủng hoảng kinh tế Mỹ hôm nay là hậu quả tất yếu của suy giảm tiết kiệm quốc gia và cá nhân, và của gia tăng rủi ro đầu tư tài chính và bất động sản… Kinh tế Mỹ đang tiến tới mô hình: Làm ra bao nhiêu, tiêu dùng hầu hết, không tiết kiệm. Dùng vốn của người khác để đầu tư. Như vậy, thực chất khủng hoảng kinh tế của Mỹ hiện nay là khủng hoảng mô hình phát triển hay khủng hoảng triết lý phát triển quốc gia”.

Trong kiến nghị đối với điều hành kinh tế vĩ mô ở Việt Nam, từ bài học khủng hoảng kinh tế - tài chính ở châu Á 1997 - 1999 và ở Mỹ 2008 - 2009, Phó thủ tướng đưa ra 8 vấn đề, trong đó nhấn mạnh: “Cần khuyến khích lối sống tiết kiệm, làm cho nó trở thành truyền thống mới của Việt Nam trong thời kỳ tăng trưởng của thế kỷ 21, là một trong những tiền đề quan trọng nhất để phát triển bền vững”.

Tiếng vỗ tay sau những câu dí dỏm, hài ước của Phó Thủ tướng
(Ảnh: Hồng Hạnh)

Sau bài giảng, Phó Thủ tướng đã dành 30 phút để thảo luận, và nhận được hàng chục câu hỏi hóc búa của sinh viên và giảng viên.

PGS.TS Dương Văn Quảng, Giám đốc Học viện Ngoại giao cho biết: “Gần 40 năm là sinh viên, giảng dạy và quản lý, tôi dự rất nhiều giờ thuyết trình của nhiều lãnh đạo nhưng đây là lần đầu tiên tôi được nghe giờ giảng thú vị của lãnh đạo với tư cách là Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT rất sâu sắc, rất ấn tượng”.

Nguyễn Phương Anh lớp CT 36 bày tỏ: “Lúc đầu em chưa hình dung ra được là Phó Thủ tướng sẽ dạy như thế nào. Nhưng sau giờ giảng này thì thực sự em thấy rất đặc biệt hơn, trí tuệ uyên bác hơn hẳn trong thực tế em học. Phó Thủ tướng  rất tự tin, cởi mở, thân thiện với sinh viên chứ không phải những cuộc trò chuyện khô cứng trên truyền hình”.

Nguyễn Công Tuấn, lớp B35, thì nhận xét: “Đây là bài giảng rất bổ ích đối với chúng em. Em thực sự ngạc nhiên về tài liệu, nội dung mà PTT chuẩn bị rất cụ thể, chi tiết, dẫn chứng rõ ràng. Thầy Nhân giảng rất dễ hiểu, biết nhấn mạnh những điểm quan trọng. Em nhớ nhất câu nói của thầy Thị trường càng nhiều, Chính phủ càng ít thì mới tốt”.

Giảng viên Tường Vân, Phó khoa Kinh tế Quốc tế, Học viện Ngoại giao cho hay: “Giờ giảng này của PTT tôi thấy hết sức sâu sắc chứ không chung chung, càng nghe tôi càng thấy mình gợi mở ra nhiều vấn đề muốn hỏi. Tôi cũng rất hài lòng về những câu trả lời của Phó thủ tướng. Mong ông dành nhiều thời gian để xuống trao đổi với sinh viên”.

Được biết, cách đây 32 năm cũng vào ngày 14/12, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ tại Đức.

8 kiến nghị đối với điều hành kinh tế vĩ mô ở Việt Nam:

1. Tăng trưởng GDP không phải là chỉ số hiệu quả của nền kinh tế. Nếu GDP tăng liên tục nhiều năm, song đi kèm lại là sự giảm hiệu quả kinh doanh trong lĩnh vực sản xuất, đầu tư tài chính, dịch vụ kéo dài thì đó chính là sự tích lũy nguy cơ khủng hoảng...

2. Cần thường xuyên nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường nội địa, chống cạnh tranh không lành mạnh của sản phẩm nước ngoài...

3. Mở cửa thị trường tài chính và đưa công cụ tài chính mới vào thị trường đi liền với tăng khả năng kiểm soát rủi ro của nhà nước với thị trường...

4. Cần phát triển các công ty đánh giá tín nhiệm của Nhà nước và trong nước để đánh giá sự tín nhiệm của các tổ chức tài chính, ngân hàng thương mại, đầu tư, không chỉ lệ thuộc vào sự đánh giá của các công ty nước ngoài.

5. Cần có phương án đảm bảo dự trữ quốc gia lâu dài, bền vững trong điều kiện là một nước nhập siêu kéo dài.

6. Cần có kế hoạch vay và trả nợ quốc tế bền vững, được ít nhất 3 cơ quan: Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước theo dõi giám sát và đánh giá, báo cáo độc lập lên Chính phủ.

7. Cần dự trữ ngoại tệ ở nhiều loại ngoại tệ, đặc biệt là các ngoại tệ được kiểm soát giá trị bởi nhiều nước (ví dụ đồng EURO)

8. Cần khuyến khích lối sống tiết kiệm, làm cho nó trở thành truyền thống mới của Việt Nam trong thời kỳ tăng trưởng trong thế kỷ 21, là một trong những tiền đề quan trọng nhất để phát triển bền vững

Theo Dân trí