Học phí phổ thông tăng tối đa lên 200.000 đồng

09:39, 06/12/2009

Mức học phí tối đa ở các thành phố năm học 2010 - 2011 là: TP HCM 200.000 đồng một tháng, Hà Nội 120.000 đồng, Đà Nẵng 90.000 đồng, Cần Thơ 75.000 đồng, Hải Phòng 60.000 đồng.

 

Mức học phí tối đa ở các thành phố năm học 2010 - 2011 là: TP HCM 200.000 đồng một tháng, Hà Nội 120.000 đồng, Đà Nẵng 90.000 đồng, Cần Thơ 75.000 đồng, Hải Phòng 60.000 đồng.

Hôm qua, hội nghị  giao ban lần thứ nhất năm học 2009 - 2010 ngành giáo dục và  đào tạo 5 thành phố Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, TP HCM, Cần Thơ diễn ra tại Hải Phòng dưới sự chủ trì của Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân. 

Tại hội nghị, Phó thủ tướng nhấn mạnh, đây là 5 địa phương có nhiều thuận lợi để phát triển giáo dục chất lượng cao và phổ cập trẻ mầm non 5 tuổi nhanh hơn các nơi khác.

Đề cập cơ chế học phí mới, Phó thủ tướng cho biết, Bộ GD-ĐT đang xây dựng nghị định và trình Chính phủ vào tuần sau. Theo ông, mức học phí tối đa dự kiến cho các cấp học mầm non, THCS, THPT tại 5 thành phố là khác nhau, căn cứ vào thu nhập bình quân của người dân.

Học phí ở các thành phố lớn tăng nhưng ở ngoại thành sẽ thấp hơn ở nội thành.

Mức học phí tối đa ở các thành phố năm học 2010 - 2011 là: TP HCM 200.000 đồng một tháng, Hà Nội 120.000 đồng, Đà Nẵng 90.000 đồng, Cần Thơ 75.000 đồng, Hải Phòng 60.000 đồng.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân, mức học phí trên đảm bảo nguyên tắc phù hợp với khả năng chi trả của người dân và học phí ngoại thành sẽ thấp hơn mức của nội thành.

Liên quan tới vấn đề học phí, ông Trần Trọng Khiếm, quyền Giám đốc Sở GD-ĐT thành phố Cần Thơ, đề nghị miễn học phí cho một số đối tượng như học sinh mầm non ở nông thôn, học sinh THCS và học sinh nữ THPT, bởi học sinh THCS và học sinh nữ THPT có tỷ lệ bỏ học cao, có thể trích ngân sách để bù cho khoản học phí này.

Ngoài học phí, dư luận xã hội cũng đặc biệt quan tâm số lượng học sinh bỏ học. Báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ năm học, trưởng vùng thi đua 5 thành phố, ông Đỗ Thế Hùng, Giám đốc Sở GD-ĐT Hải Phòng, cho biết từ đầu năm học đến nay, cả vùng có gần 5.800 học sinh bỏ học.

 

Theo báo cáo, Hà Nội có số học sinh bỏ học nhiều nhất trong 5 tỉnh, thành phố Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, TP HCM, với 1.150 học sinh, đáng chú ý là có tới 40 học sinh học sinh tiểu học bỏ học.

Tại Thanh Hóa, theo Giám đốc Sở GD-ĐT Lê Xuân Đồng, năm học 2008 - 2009, tỉnh có tỷ lệ học sinh bỏ học cao nhất 6 tỉnh khu vực Bắc Trung bộ, nhưng giảm 1,5% so với năm học trước.

Theo ông Hùng, các nguyên nhân chính là: học lực yếu, bị lưu ban; nhà xa, đi lại khó khăn; kinh tế gia đình eo hẹp; bị ảnh hưởng bởi thiên tai, dịch bệnh; bạn bè lôi kéo.

Để chặn đà bỏ học, từ đầu năm học tới nay, các sở đã phối hợp chặt chẽ với địa phương tìm hiểu nguyên nhân và vận động học sinh trở lại trường. Sở GD-ĐT Hải Phòng chú trọng nâng cao vai trò của giáo viên chủ nhiệm trong việc thuyết phục học sinh tiếp tục đến trường, khiến số học sinh bỏ học của thành phố này chỉ còn 272 học sinh.

“Giáo viên chủ nhiệm lớp là người nắm rõ nhất tâm tư, nguyện vọng và điều kiện học tập của học sinh. Do vậy, việc xây dựng cầu nối giữa giáo viên chủ nhiệm lớp với gia đình là rất quan trọng”, ông Hùng nói.

Đà Nẵng là địa phương có số học sinh bỏ học ít nhất vùng (249 em). Ông Huỳnh Văn Hoa, Giám đốc sở GD-ĐT Đà Nẵng, cho biết, Sở trực tiếp chỉ đạo các trường cập nhật số liệu học sinh bỏ học 15 ngày một lần để nắm tình hình. Ngoài ra, trong từng lớp học, lãnh đạo trường khuyến khích hình thành nhóm bạn giúp đỡ nhau trong học tập, rèn luyện. Phân công học sinh giỏi, khá giúp đỡ bạn học yếu, có hoàn cảnh khó khăn hoặc không chăm học. Chấn chỉnh giáo viên thiếu tinh thần trách nhiệm, giảng dạy kém hiệu quả, ít quan tâm, giúp đỡ học sinh yếu kém, có hoàn cảnh khó khăn.

“Sở GD-ĐT đã trình UBND thành phố Đà Nẵng đề án thực hiện mục tiêu không có học sinh bỏ học”, ông Hoa nhấn mạnh.

Theo Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, tuy số học sinh bỏ học của 5 thành phố có giảm nhưng các sở phải tiếp tục phấn đấu giảm giảm hơn nữa trong các năm tới. Ngoài ra, từ nay đến hết năm, các sở cần rà soát, không để học sinh phải bỏ học vì thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu sách vở.

 

Theo Đất Việt