Tự làm thiết bị dạy học: chỉ nên khen, không chê

07:51, 14/12/2009

Trong điều kiện giáo viên có định mức số tiết dạy như hiện nay (giáo viên THPT: 7 tiết/tuần, giáo viên tiểu học: 24 tiết/tuần…), việc họ tự làm đồ dùng dạy học là rất đáng khen...

Trong điều kiện giáo viên có định mức số tiết dạy như hiện nay (giáo viên THPT: 7 tiết/tuần, giáo viên tiểu học: 24 tiết/tuần…), việc họ tự làm đồ dùng dạy học là rất đáng khen, ThS Nguyễn Hoàng Nhi, Giám đốc Sở GD - ĐT Đồng Tháp, phát biểu tại Hội thảo “Phát triển thiết bị dạy học tự làm cấp mầm non, phổ thông” do Bộ GD - ĐT tổ chức hôm qua tại TP HCM.

Ông Nhi cho biết, tỉnh Đồng Tháp có 18.000 giáo viên từ cấp mầm non đến THPT nên nếu biết khuyến khích thì sẽ có một lượng lớn thiết bị dạy học do họ tự làm. Đã có hàng ngàn thiết bị dạy học tự làm được giáo viên tỉnh này trưng bày tại Triển lãm đồ dùng dạy học tự làm năm học 2008 - 2009.
 
Nguồn tài nguyên vô tận

Từ kinh nghiệm của Đồng Tháp, ông Nhi cho rằng, số lượng giáo viên đông đảo của cả nước hiện nay là nguồn tài nguyên vô tận cho việc phát triển thiết bị dạy học tự làm ở các cấp học. Ông cũng đề nghị, để phát triển thiết bị dạy học trong bậc mầm non và phổ thông hiện nay, ngành giáo dục chỉ nên khen, không nên chê.
 
Đại diện Sở GD - ĐT Bình Dương đồng tình: “Chúng ta tiêu tốn không biết bao nhiêu tỷ đồng để mua đồ dùng dạy học. Nếu khuyến khích được giáo viên làm thiết bị dạy học thì ngoài việc khen thưởng, Nhà nước nên có cơ chế mua các thiết bị dạy học tốt, đạt hiệu quả”.

Đồng ý khuyến khích giáo viên tự làm đồ dùng dạy học, ông Phạm Ngọc Phương, Phó cục trưởng Cục cơ sở vật chất thiết bị trường học (Bộ GD - ĐT), nói rằng, dự thảo đề án chưa đưa ra việc phạt mà chỉ khen, khuyến khích các Sở GD - ĐT tổ chức thi đua làm đồ dùng dạy học. Ông Phương cho biết, ngành giáo dục rất cần những thiết bị có hiệu quả cao hơn thiết bị nằm trong danh mục tối thiểu được cung cấp cho các trường.

Theo đại diện Sở GD - ĐT Sóc Trăng, giáo viên mầm non tự làm nhiều thiết bị dạy học nhất. “Đây vừa là khách quan, vừa là chủ quan. Bậc mầm non chủ yếu là cô giáo nên sẽ “chăm chỉ” và tỉ mẩn hơn. Ngoài ra, thiết bị dạy học ở bậc này chủ yếu là đồ chơi nên giáo viên dễ có ý tưởng hơn. Còn ở các bậc học khác (từ tiểu học đến THPT), số lượng đồ dùng dạy học ít hơn”.

Cũng theo đại diện Sở GD - ĐT Sóc Trăng, do thiếu thông tin, thiếu sách hướng dẫn về việc làm đồ dùng dạy học mà nhiều giáo viên ở các cấp học không thể phát huy óc sáng tạo và bàn tay khéo léo của mình. Vì vậy, không chỉ nên khuyến khích giáo viên tự làm thiết bị dạy học mà còn tạo điều kiện cho họ trình bày ý tưởng và tập hợp lại để làm tư liệu tham khảo.
 
Xem lại định mức chi

Theo dự thảo đề án, ngành giáo dục sẽ chi 700 tỷ đồng trong giai đoạn 2010 - 2014 cho việc phát triển thiết bị dạy học tự làm ở bậc mầm non, phổ thông. Theo đó, trường mầm non được chi 10 triệu đồng/năm; trường tiểu học 15 triệu đồng/năm; trường THCS 20 triệu/năm; THPT 25 triệu/năm. Tuy nhiên, nhiều đại biểu cho rằng cần xem xét lại định mức chi này vì “nhìn chung, ở cấp học càng lớn thì giáo viên càng lười làm đồ dùng dạy học”.

Tại Bình Phước, trong số đồ dùng dạy học do giáo viên tự làm thì 80% là của giáo viên mầm non, kế đến là cấp tiểu học, còn ở cấp THCS và THPT, rất ít giáo viên tham gia. Tình hình ở các tỉnh Sóc Trăng, Bình Dương, Đồng Tháp, Bạc Liêu… cũng tương tự. Đại diện Sở GD - ĐT Bình Dương, đặt vấn đề: “Chẳng lẽ người làm nhiều thì cho ít và kẻ làm ít lại cho nhiều?”.

Thứ trưởng Bộ GD - ĐT Nguyễn Vinh Hiển khẳng định, đề án sẽ được sửa đổi, bổ sung trên quan điểm phát huy tối đa tính sáng tạo của người làm. Ông cũng cho biết, Bộ đang soạn danh mục thiết bị dạy học tối thiểu cho bậc mầm non dù hiện nay thiết bị dạy học tự làm ở bậc này phát triển hơn những bậc học khác.

 

Theo Đất Việt