Giảng viên quá tải ’đe dọa’ chất lượng đào tạo

09:36, 11/01/2010

Kết quả báo cáo “ba công khai” của hơn 291/376 ĐH, CĐ cho thấy nhiều chỉ tiêu về các điều kiện dạy học như: tỷ lệ sinh viên/giảng viên quá tải, diện tích đất/sinh viên không đủ theo quy định ảnh hưởng tới chất lượng đào tạo.

Kết quả báo cáo “ba công khai” của hơn 291/376 ĐH, CĐ cho thấy nhiều chỉ tiêu về các điều kiện dạy học như: tỷ lệ sinh viên/giảng viên quá tải, diện tích đất/sinh viên không đủ theo quy định ảnh hưởng tới chất lượng đào tạo.

Đến 15/1 sẽ là hạn chót các ĐH, CĐ phải báo cáo Bộ GD- ĐT về “ba công khai”: cam kết chất lượng giáo dục và chất lượng giáo dục thực tế; điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục; thu chi tài chính. Tổng hợp báo của 291 trường cho thấy, các điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo còn nhiều điều đáng lo ngại, đặc biệt là tình trạng giảng viên “quá tải”, chỗ học chật chội, không đảm bảo yêu cầu…

Một giảng viên “gánh” 60 sinh viên

Theo tiến sĩ Nguyễn Văn Ngữ, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính  (Bộ GD - ĐT), hai năm qua, các trường đều chú ý nâng cao năng lực và tuyển thêm giảng viên. Số lượng giảng viên được gửi đi đào tạo nước ngoài các trình độ thạc sĩ, tiến sĩ bằng ngân sách nhà nước tăng lên.

Tuy nhiên, tỷ lệ đội ngũ giảng viên các trường có trình độ sau ĐH vẫn còn thấp và thực tế số giảng viên cũng không tăng kịp so với số sinh viên. Tổng hợp số liệu từ báo cáo của 291 ĐH, CĐ cho thấy, chỉ tiêu tỷ lệ sinh viên/giảng viên  có sự phân hóa khác nhau giữa khối ngành kinh tế, tài chính và khối ngành văn hóa, nghệ thuật.

thinghiem.jpg
Diện tích phòng thí nghiệm nhiều trường còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu đào tạo bậc ĐH, CĐ. Ảnh: Trung Kiên

Trong số 23 trường thuộc khối, ngành kinh tế, tài chính, ngân hàng, một giáo viên phải “gánh” 50 - 60 sinh viên (gấp 2 - 2,5 lần so với quy định). 18 trường cũng thuộc khối ngành tài chính, ngân hàng và  CĐ ngoài công lập có tỷ lệ từ 40 đến 50 sinh viên/giảng viên (SV/GV). 40 trường có từ 30 - 40 SV/GV, 85 trường có tỷ lệ từ 20 - 30 SV/GV. 106 trường thuộc khối kỹ thuật, công nghệ đã gần “chạm” tỷ lệ “vàng”: từ 10 - 20 SV/GV như ĐH: Bách khoa, Kỹ thuật công nghệ TP HCM, FPT…

3 m2 đất/sinh viên

Về giảng đường, trường lớp, chưa có ĐH, CĐ nào đạt mức quy định bình quân tối thiểu diện tích 25m2/SV. Theo tiến sĩ  Nguyễn Văn Ngữ, có 38 trường có diện tích đất trên mỗi sinh viên đạt dưới 3m2; 49 trường diện tích đất/sinh viên từ 3 - 10m2; 52 trường có diện thích đất/sinh viên từ 10 - 20 m2; 152 trường có diện tích đất/sinh viên trên 20m2.
 
Ông Ngữ cho biết nhiều trường có diện tích khá lớn nhưng chưa triển khai xây dựng nên diện tích phòng học, phòng thí nghiệm, thư viện và ký túc xá còn hạn chế.

Báo cáo về công khai tài chính cũng cho thấy sự chênh lệch mức lương của giảng viên, cán bộ quản lý và nhân viên thuộc các khối ngành. Lương bình quân một tháng của giảng viên năm 2008 các trường kỹ thuật, công nghệ là 5,1 triệu đồng; cán bộ quản lý 4,48 triệu đồng; nhân viên 2,05 triệu đồng. Các trường sư phạm: giảng viên 4,4 triệu đồng; cán bộ quản lý 4,75 triệu đồng; nhân viên 1,9 triệu đồng.

Ở các trường kinh tế, lương giảng viên: 4,5 triệu đồng; cán bộ quản lý: 5,6 triệu đồng; nhân viên: 3,6 triệu đồng. Ông Ngữ cũng cho biết: hầu hết các trường đều công khai học phí trong từng khóa học. Trường ĐH công lập thu học phí theo quy định là 240.000 đồng/tháng. Trong khi đó, các ĐH ngoài công lập công khai học phí cho cả khóa học và thu học phí cao hơn gấp 2 - 3 lần các ĐH công lập.

Tuy nhiên, hiện mới có 134 trường (chiếm 46%) công khai chuẩn đầu ra và các chương trình đào tạo; 157 trường còn lại vẫn đang trong quá trình tiến hành xây dựng.

Theo Đất việt