Cầu Phú Mỹ có nguy cơ bị “ế”

16:49, 11/12/2009

Việc thu phí cao hơn so với các trạm thu phí khác có thể khiến cầu Phú Mỹ rơi vào tình trạng bị “ghẻ lạnh”. Vả lại, người dân sẽ bị tận thu nếu chọn cầu Phú Mỹ để lưu thông.

Việc thu phí cao hơn so với các trạm thu phí khác có thể khiến cầu Phú Mỹ rơi vào tình trạng bị “ghẻ lạnh”. Vả lại, người dân sẽ bị tận thu nếu chọn cầu Phú Mỹ để lưu thông.[links()]

UBND TPHCM vừa đề nghị HĐND TP chấp thuận cho Công ty Cổ phần BOT cầu Phú Mỹ (PMC) được tạm thu mức thu cước dịch vụ sử dụng đường bộ qua cầu Phú Mỹ theo mức thu phí đường bộ đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước (theo quy định của Bộ Tài chính ban hành năm 2004).

Tuy nhiên, PMC lại đề xuất phương án thu phí qua cầu Phú Mỹ tăng lên từ 1,7 – 2 lần so với mức giá thông thường. Như vậy, nếu phương án được duyệt, người dân khi đi qua cầu Phú Mỹ sẽ phải đóng tiền phí cao hơn so với nhiều trạm thu phí hiện nay.

 Cầu Phú Mỹ là cây cầu được xem là đẹp nhất TPHCM hiện nay
Cầu Phú Mỹ là cây cầu được xem là đẹp nhất TPHCM hiện nay

Trong hai phương án thu phí của PMC, phương án một vẫn thu theo mức giá quy định của Bộ Tài chính, cụ thể: Xe dưới 12 chỗ ngồi, xe dưới 2 tấn: 10.000 đồng/vé/lượt; xe từ 12 chỗ ngồi đến 30 chỗ ngồi và xe tải trọng từ 2 tấn đến dưới 4 tấn: 15.000 đồng/vé/lượt; xe từ 31 chỗ ngồi trở lên và xe có tải trọng từ 4 tấn đến dưới 10 tấn: 22.000 đồng/vé/lượt; xe có tải trọng từ 10 tấn đến dưới 18 tấn và xe chở hàng bằng container 20 feet: 40.000 đồng/vé/lượt; xe có tải trọng từ 18 tấn trở lên và xe chở hàng bằng container 40 feet: 80.000 đồng/vé/lượt.

Phương án hai sẽ tăng dần mức thu, trong năm đầu tiên (2010) lấy đúng mức quy định như trên, từ năm 2011 đến năm 2015 tăng 1,7 lần so với mức thu năm đầu tiên, từ năm 2016 đến năm 2035 tăng mức thu lên 2 lần so với mức thu năm đầu tiên.

Giải thích việc tăng mức phí từ năm 2011, ông Nguyễn Thành Thái, Tổng Giám đốc PMC, cho biết nếu thu theo phương án một thì PMC không thể hoàn vốn và không trả được nợ vay. Còn mức thu theo phương án hai cũng nằm trong mức cho phép theo quy định của Bộ Tài chính. Trước đây, mức thu phí trong hợp đồng BOT thấp hơn mức giá của phương án một nhưng giá đó đã quá lạc hậu so với mặt bằng giá cả hiện nay, chưa kể tổng vốn đầu tư của cầu Phú Mỹ đã tăng từ 2.000 tỉ đồng lên 2.600 tỉ đồng nên mức phí phải thay đổi.

Việc thu phí cao hơn so với các trạm thu phí khác có thể khiến cầu Phú Mỹ rơi vào tình trạng bị “ghẻ lạnh”. Vả lại, người dân sẽ bị tận thu nếu chọn cầu Phú Mỹ để lưu thông. Cụ thể, xe từ miền Tây ra miền Đông, nếu đi theo đường Nguyễn Văn Linh, sau đó lên cầu Phú Mỹ ra xa lộ Hà Nội sẽ bị đóng phí 3 lần tại trạm thu phí đường Nguyễn Văn Linh, cầu Phú Mỹ và xa lộ Hà Nội.

Một hướng khác được xem là kinh tế hơn khi đi theo đại lộ Đông Tây ra xa lộ Hà Nội.

Với lộ trình này, cánh tài xế sẽ chỉ đóng phí hai lần tại trạm thu phí hầm dìm Thủ Thiêm và xa lộ Hà Nội. Đó là chưa kể chọn đại lộ Đông Tây sẽ lợi hơn đi cầu Phú Mỹ vì lộ trình ngắn hơn khoảng 5 km.

Về vấn đề này, ông Thái thừa nhận: “Đúng là chúng tôi cũng rất lo ngại về chuyện cầu Phú Mỹ bị “chê”. Lúc xây cầu Phú Mỹ thì trạm thu phí xa lộ Hà Nội vẫn chưa bị dời ra quận 9 như hiện nay”.

Theo ông Thái, TP cũng đã chấp nhận cho PMC nghiên cứu đầu tư đường nối từ vành đai phía Đông đến cầu Rạch Chiếc mới (gần ngã tư Bình Thái) dài 3 km. Nếu đường nối này làm xong thì các phương tiện không bị thu phí ở trạm thu phí xa lộ Hà Nội nữa. Chỉ có cách đó mới “kéo” người dân sử dụng cầu Phú Mỹ.
Theo Người Lao Động