Giá gas bị thả nổi

15:24, 18/12/2009

Tình trạng tùy tiện nâng giá, kinh doanh gas lậu, trốn thuế còn diễn ra ở nhiều nơi. Nhà nước chưa có cơ chế về quản lý giá nên không quản lý được giá của mặt hàng này. 

Tình trạng tùy tiện nâng giá, kinh doanh gas lậu, trốn thuế còn diễn ra ở nhiều nơi. Nhà nước chưa có cơ chế về quản lý giá nên không quản lý được giá của mặt hàng này.

Đó là đánh giá của Thanh tra Bộ Tài chính sau quá trình thanh tra công tác quản lý tài chính tại các doanh nghiệp kinh doanh khí hoá lỏng (gồm 6 công ty: CP dầu khí Anpha S.G; TNHH thương mại - dịch vụ Gia Đình; CP gas Petrolimex; Khí hóa lỏng miền Bắc; Khí hoá lỏng Miền Nam; Tổng công Khí) và một số tổng đại lý, đại lý phân phối.

Chính sách bình ổn giá không có tác dụng

Qua thanh tra cho thấy, giá gas thế giới tăng nhanh dẫn đến giá vốn hàng nhập khẩu của các đơn vị tăng, biến động nhiều. Mặc dù Nhà nước đã có chính sách bình ổn giá gas (trong năm 2007 đã hai lần giảm thuế suất thuế nhập khẩu từ 5% xuống 2% vào tháng 7/2007 và xuống 0% vào tháng 11/2007) nhưng vẫn không giảm được giá vốn của gas nhập khẩu.

Theo thanh tra Bộ Tài chính, gas là một trong mặt hàng kinh doanh có điều kiện, có ảnh hưởng lớn đối với sản xuất và tiêu dùng, thuộc danh mục bình ổn giá của Nhà nước. Song, đến nay chưa có văn bản pháp quy nào đủ tầm quản lý và điều hành về xuất nhập khẩu và kinh doanh nội địa với mặt hàng này.

Lực lượng quản lý thị trường TP HCM kiểm tra một đại lý bán gas giả xen lẫn với gas thật tại quận 8

Tổng công ty Khí thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam là đơn vị duy nhất tổ chức sản xuất gas trong nước với nguồn nguyên liệu chính thu từ mỏ Bạch Hổ với giá thấp, nên giá thành sản xuất thấp (năm 2007 là 2.391 đồng một kg, 6 tháng đầu năm 2008 là 3.748 đồng). Nhưng đơn vị này vẫn bán giá khá cao. Được đánh giá là có vai trò quan trọng trong bình ổn thị trường mỗi khi giá gas tăng và được giảm tới 5% giá để bình ổn nhưng Tổng công ty Khí chưa bao giờ hạ giá đến 3%.

Thậm chí, Tổng công ty Khí còn để các đơn vị mua gas của mua bán lòng vòng, đẩy giá lên cao, nhất là với Công ty CP khí hóa lỏng Miền Bắc và Công ty CP khí hoá lỏng Miền Nam. Trong khi đó, “hệ thống đại lý phân phối gas hiện nay về cơ bản không thực hiện niêm yết giá; việc thực hiện cơ chế nộp thuế khoán dẫn đến không kiểm soát được giá bán đến người tiêu dùng”, kết luận của Thanh tra Bộ Tài chính nêu.

Tùy tiện nâng giá, chất lượng thả nổi

Trong khi các doanh nghiệp không kiểm soát được giá bán đến người tiêu dùng mà chỉ chăm sóc đến hệ thống đại lý thì cơ quan quản lý giá, cơ quan  thuế, quản lý thị trường chưa thực sự quan tâm đến hoạt động này. Nên tình trạng tùy tiện nâng giá, kinh doanh gas lậu, trốn thuế, lậu thuế còn diễn ra ở nhiều nơi.

Qua thanh tra việc hạch toán kết quả kinh doanh và chấp hành nghĩa vụ với ngân sách Nhà nước, thanh tra đã phát hiện các doanh nghiệp hạch toán chưa đúng kết quả kinh doanh và kiến nghị nộp bổ sung vào ngân sách Nhà nước những khoản ngoài số kê khai của doanh nghiệp hơn 68,8 tỷ đồng tiền.

Thanh tra Bộ Tài chính cũng chỉ ra các doanh nghiệp tham gia nhập khẩu không đầu tư xây dựng bồn bể nên năng lực tồn chứa yếu kém vừa nhỏ vừa manh mún. Điều này dẫn đến hoạt động nhập khẩu gas theo từng chuyến nhỏ lẻ với chất lượng không được kiểm soát. Bên cạnh đó, người tiêu dùng chưa được bảo vệ về độ an toàn khi sử dụng sản phẩm gas do còn thiếu hoặc quy định chưa chặt chẽ đối với các cơ sở chiết nạp khí về trang thiết bị kỹ thuật, về an toàn. Việc sang chiết lậu trong đó có sử dụng vỏ bình gas diễn ra tùy tiện...

Từ thực trạng hiện nay, Thanh tra Bộ Tài chính đã kiến nghị hàng loạt các biện pháp nhằm bảo vệ người tiêu dùng cả về độ an toàn, chất lượng và giá cả sản phẩm. Trong đó, các công ty phải quy định giá bán buôn, bán lẻ nhằm thực hiện bình ổn giá có hiệu quả.

[links()]

Theo Lê Gia - Đất Việt