Ngành hàng không, dầu khí có lương cao nhất

16:59, 18/12/2009

Theo báo cáo của Bộ Lao động vừa gửi Chính phủ, lương bình quân tháng của ngành hàng không là 13 triệu đồng, dầu khí 12 triệu đồng, gấp gần 10 lần ngành dệt may.

Theo báo cáo của Bộ Lao động vừa gửi Chính phủ, lương bình quân tháng của ngành hàng không là 13 triệu đồng, dầu khí 12 triệu đồng, gấp gần 10 lần ngành dệt may.

Ngày 15/12, Bộ Lao động Thương binh Xã hội đã báo cáo Chính phủ về thực trạng cung - cầu lao động Việt Nam. Theo đó, việc áp dụng chính sách tiền lương, thu nhập trong doanh nghiệp cứng nhắc, chưa phản ánh đúng thực tế.

Hiện nay, lương bình quân tháng của một số ngành cao như vận tải hàng không 13 triệu đồng, dầu khí 12 triệu đồng. Một số ngành ở mức khá như tài chính tín dụng 5,2 triệu đồng, sản xuất thiệt bị văn phòng và máy tính 4,4 triệu đồng, khai thác than 3,7 triệu đồng, bưu chính viễn thông 3,6 triệu đồng, y tế 3,4 triệu đồng, sản xuất điện 3,3 triệu đồng.

Trong khi đó, một số ngành lương bình quân tháng quá thấp như nuôi trồng thủy sản chỉ 1,1 triệu đồng, lâm nghiệp - da giày 1,3 triệu đồng, dệt may 1,4 triệu đồng.

Qua khảo sát thực tế cho thấy tiền lương trong các doanh nghiệp hiện nay thấp hơn tiền lương ở khu vực lao động tự do. Nếu như tiền lương bậc 1 (hệ số 2,34) của người vừa tốt nghiệp đại học là 50.700 đồng một ngày thì lao động tự do, lao động nông nghiệp có thể kiếm được thu nhập từ 80.000 đến 120.000 đồng một ngày để làm những công việc như cấy, gặt lúa, hoặc bốc vác mà không bị ràng buộc và yêu cầu khắt khe về trình độ chuyên môn

Ngành hàng không đang có thu nhập cao.

Cả nước có hơn 44 triệu người trong độ tuổi lao động. Trong số có việc làm thì trên 70% là việc làm không ổn định, dễ bị tổn thương, dễ rơi vào nghèo đói. Lao động trong nông nghiệp chiếm tỷ lệ lớn nhất, khoảng 52%.

Theo Bộ Lao động, tốc độ tăng GDP 6,5-8% mỗi năm đã tạo việc làm cho từ 1,2 đến 1,4 triệu lao động. Tuy nhiên, tốc độ tăng GDP nhanh và không đều giữa các ngành nghề kinh tế và không dự báo sớm nên việc chuẩn bị chuyển đổi và dịch chuyển lao động gặp nhiều khó khăn, gây ra tình trạng dư thừa lao động nông nghiệp, nhưng lại thiếu hụt ở khu vực công nghiệp và dịch vụ.

Chúng ta dư thừa lao động không có kỹ năng và thiếu nhiều lao động kỹ thuật. Hệ quả là hiện nay nhiều doanh nghiệp đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc tuyển dụng lao động. Bộ Lao động cho hay Đồng Nai hằng năm thiếu khoảng 20.000 lao động, TP HCM từ đầu năm đến nay có hơn 23.000 người mất việc, nhưng nhu cầu tuyển dụng lên tới 61.000...

Để giải bài toán trên, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đã đề xuất nhiều giải pháp, trong đó có nâng cao thể lực, cải cách nòi giống đảm bảo đáp ứng yêu cầu của nền sản xuất công nghiệp hiện đại; phát triển nguồn nhân lực trình độ cao, đủ về số lượng, hợp lý về cơ cấu ngành nghề, cấp trình độ; phát triển doanh nghiệp thu hút nhiều lao động.

Bộ cũng cho rằng cần tiếp tục cải cách chính sách tiền lương, tiền công theo định hướng thị trường, thực hiện chính sách tiền lương gắn với năng suất lao động, không phân biệt đối xử giữa các loại hình doanh nghiệp. Đồng thời Chính phủ cần nghiên cứu chính sách hỗ trợ tiền lương cho đối tượng yếu thế với sự tham gia tích cực của doanh nghiệp, nhất là khi chỉ số giá sinh hoạt tăng cao.

[links()]

Theo Hồng Khánh - VnExpress