Chuyện tình như mơ của giai nhân Hà thành và con học giả lừng lẫy

21:06, 20/10/2017

Sinh ra trong một gia đình giàu có, bà Lê Thị Tý, giai nhân trường Đồng Khánh, đã làm dâu một gia tộc danh giá mà nhiều sóng gió của học giả Nguyễn Văn Vĩnh khi ở độ tuổi xuân thì…

Sinh ra trong một gia đình giàu có, bà Lê Thị Tý, giai nhân trường Đồng Khánh, đã làm dâu một gia tộc danh giá mà nhiều sóng gió của học giả Nguyễn Văn Vĩnh khi ở độ tuổi xuân thì…

Giai nhân phố Hàng Bài

Ít ai biết bà Lê Thị Tý (1924 - 2001), con dâu của học giả Nguyễn Văn Vĩnh là người đã may lá cờ đại, treo công khai đầu tiên trên quảng trường Nhà hát lớn trong ngày 17/8/1945 lịch sử.

Bà Tý sinh ra trong một gia đình kinh doanh buôn bán than củi lớn ở Hà Nội những năm 1930 trên phố Đồng Khánh (nay là Hàng Bài, Hoàn Kiếm, Hà Nội). 

Ông Nguyễn Lân Bình, con trai lớn bà Lê Thị Tý, chia sẻ: “Ông bà ngoại tôi sinh được 7 người con, mẹ tôi là con gái đầu lòng. Vì vậy, ngay từ nhỏ bà đã được gia đình hết mực cưng chiều, có cuộc sống trong nhung lụa”.

Bà Lê Thị Tý những ngày ở tuổi 18 (Ảnh: Ông Nguyễn Lân Bình cung cấp)
Bà Lê Thị Tý những ngày ở tuổi 18 (Ảnh: Ông Nguyễn Lân Bình cung cấp)

Theo đó, bà Tý đi học được xách cặp da, một món đồ thuộc hàng xa xỉ thời đó. Mỗi lần đi học hoặc đi đâu ra ngoài hơi xa xa một chút, đều đi xe tay (xe người kéo).

Trang phục đến trường của cô nữ sinh Hà thành thường được may bằng những loại lụa trắng thượng hạng, đắt tiền. Do được bố mẹ nâng niu, nên từ nhỏ bà Tý không phải động tay vào bất kể việc gì.

Kể về cuộc sống dư giả của ông bà ngoại mình, ông Bình nói: Một người bạn thân học cùng lớp của mẹ tôi là bà Đinh Thị Tảo (bà ở 31 phố Trạng Trình, nay là phố Liên Trì) từng kể:

“Mẹ cậu từng hào phóng mua vé mời tất cả bọn tôi, mấy đứa bạn thân, cùng đi xem. 

Bà kể tiếp: “Có lần mẹ cậu được bố mẹ cho tiền, rủ các bạn đi nghỉ mát ở Sầm Sơn mấy ngày, tiêu quá tay hết tiền, dám điện về nhà cho bố mẹ xin thêm, mà các cụ cũng cho... ”.

Không chỉ sinh ra trong gia đình có điều kiện, thời trẻ người phụ nữ này còn nổi tiếng bởi vẻ đẹp dịu dàng. Đặc biệt, cô thiếu nữ xinh đẹp đó lại rất thích đọc sách, yêu mến thơ ca và có cuộc sống lãng mạn.

“Mẹ tôi giữ thói quen đọc sách suốt nhiều năm, về sau khi cuộc sống khó khăn đến mức cơm không đủ mà ăn hay những năm tháng mắt mờ tay yếu, bà vẫn chưa một ngày rời trang sách”.

Bà Tý (thứ 3 từ bên trái sang) trong đám cưới một người bạn (Ảnh: Ông Nguyễn Lân Bình cung cấp)
Bà Tý (thứ 3 từ bên trái sang) trong đám cưới một người bạn (Ảnh: Ông Nguyễn Lân Bình cung cấp)

Không chỉ nổi tiếng bởi vẻ đẹp nền nã, bà còn được biết đến bởi khả năng ngoại ngữ.

Ông Bình kể lại một kỷ niệm về mẹ: “Bố tôi là giảng viên khóa I, khoa vô tuyến điện của ĐH Bách Khoa Hà Nội. Cha, mẹ tôi đều thành thạo tiếng Pháp. Vậy mà không ít lần, trong công việc ông đã phải nhờ đến người bạn đời của mình.

 

Một lần, tôi thấy khi đang làm việc, cha tôi nói với mẹ: “Em xem giúp anh đoạn tài liệu này, anh hiểu không biết có đúng không?”. Trong chốc lát, mẹ tôi đã giảng giải cho ông những nội dung viết bằng tiếng Pháp của tài liệu. Bà còn nhấn mạnh những thuật ngữ chuyên môn, tôi thấy lạ và nhớ mãi”.

Ông Bình kể tiếp, nhờ khả năng ngoại ngữ, những năm 1963 - 1964 mẹ ông còn là biên tập viên tiếng Pháp của tờ Tin tức Việt Nam bằng tiếng Pháp.

Xinh đẹp, con nhà giàu có lại được học hành. Ngày là cô nữ sinh trường Đồng Khánh, bà Lê Thị Tý nhận được không ít thư tay từ những chàng trai ở Hà Nội.

Thế nhưng, bà đã rung động trước chàng sinh viên trường kỹ nghệ - Nguyễn Dực, người con trai thứ 8 của học giả nổi tiếng Nguyễn Văn Vĩnh và người vợ cả Đinh Thị Tính.

Ngày đó, ông Nguyễn Dực đã thuê một phần mặt tiền ngôi nhà số 43 Hàng Bài của các cụ thân sinh bà Tý làm cửa hàng sửa chữa radio. Ra ra, vào vào, ông Nguyễn Dực đã phải lòng cô gái của chủ nhà.

Bằng tình cảm chân thành, cùng với trí tuệ mà ông được thừa hưởng từ người bố tài hoa, ông Nguyễn Dực đã trở thành người con rể cả của cụ Lê Bá Chính.

Năm 1944 khi 20 tuổi, bà Tý kết hôn với ông Nguyễn Dực. Từ đây, bà bắt đầu xa rời cuộc sống đủ đầy để làm vợ một người ham phiêu lưu, lao vào những khó khăn của cuộc kháng chiến 9 năm và tần tảo nuôi 7 người con trưởng thành.

Người phụ nữ may cờ

Năm 2000, để làm chương trình cầu truyền hình nhân thời khắc chuyển giao thế kỷ, ông Trần Lâm, người đã chỉ dẫn cho nhà báo Trường Phước, người thực hiện chương trình như thế này: “Anh hãy đến 43 Hàng Bài, gần rạp Tháng Tám, tìm bà Lê Thị Tý. Bà ấy là người may lá cờ đại đầu tiên, treo kín mặt trước của Nhà hát lớn trong cuộc mít tinh sáng 17/8/1945”.

Ông Nguyễn Dực và bà Lê Thị Tý (Ảnh: Ông Nguyễn Lân Bình cung cấp)
Ông Nguyễn Dực và bà Lê Thị Tý (Ảnh: Ông Nguyễn Lân Bình cung cấp)

Tâm sự về người mẹ mang sứ mệnh lịch sử năm nào, ông Bình, người đã có nhiều năm dày công nghiên cứu, thu thập tư liệu về gia tộc nổi tiếng của mình, cho biết: “Thời điểm mẹ tôi may lá cờ đó, bà đang mang thai chị gái cả của tôi. Tất cả anh chị em tôi chỉ biết đến việc này khi cố nhà báo Trường Phước tìm đến nhà để làm phỏng vấn mẹ tôi”.

Ông Bình nhắc lại lời mẹ mình kể: “Tối muộn ngày 16/8/45, cha đưa ông Phạm Thành, người bạn thân và là con chủ một tiệm may lớn trên gần chợ Đồng Xuân, bảo mẹ may một lá cờ thật to. Mẹ bảo: "Sao nhà ông là hiệu may mà không làm?". Ông ấy nói, nhà có đông người làm công, sợ họ biết".

Thấy ông ấy lo lắng quá, thời gian lại gấp, cha bảo thôi để mẹ giúp vì nhà hồi đó có cái máy khâu quay tay, mua lại của một gia đình người Pháp trước khi bỏ Việt Nam về nước”.

Suốt đêm hôm đó, vợ chồng bà Tý cùng ông Phạm Thành gấp rút may lá cờ đỏ có sao vàng ở giữa có khổ rộng 9m x 5m. Sáng ngày 17/8, tại quảng trường Nhà hát lớn, ông Nguyễn Dực lo việc bố trí, lắp đặt loa và micro cho buổi mít tinh.

Ban Tổ chức cuộc mít tinh đã quyết định: Khi thả lá cờ vĩ đại che kín mặt trước Nhà hát lớn, cũng chính là hiệu lệnh cho cuộc mít tinh lịch sử của Cách mạng Việt Nam.

Nhắc lại câu chuyện này, mẹ tôi chỉ nói với chúng tôi: “Mẹ chưa bao giờ coi việc mình làm vào đêm hôm đó là một điều gì đó to tát”, ông Bình tâm sự.

Năm 1946, ông Nguyễn Dực nhận lệnh vào khu Bốn để xây dựng Đài Phát thanh Liên khu IV, rồi lên Việt Bắc... Trong 9 năm kháng chiến, ông đưa cả gia đình vào vùng tự do Thanh Hóa, ở huyện Yên Định. 

Bà Tý từ một cô tiểu thư khuê các trở thành một người phụ nữ tần tảo sát cánh bên chồng sau nhiều thăng trầm, gian nan...

Ông Nguyễn Dực là một kỹ sư vô tuyến điện thường xuyên ủng hộ Việt Minh. Khi Cách mạng Tháng Tám thành công, ông đã tình nguyện mang toàn bộ máy móc của mình để lắp đặt đài phát thanh đầu tiên cho Cách mạng Việt Nam.

Ngày 2/9/1945, ông Dực cũng là người trực tiếp thiết kế và phụ trách toàn bộ hệ thống âm thanh để Bác Hồ đọc Tuyên ngôn độc lập tại Quảng trường Ba Đình Hà Nội.

(Còn tiếp)

Theo Vietnamnet