Vụ cô giáo bắt học sinh tát bạn 230 cái dưới góc nhìn pháp lý
Theo luật sư, việc cô giáo bắt học sinh tát cháu N đã xâm hại đến quyền được pháp luật bảo vệ về tính mạng, sức khỏe. Trường hợp tỷ lệ tổn thương sức khỏe của cháu N không đáng kể, cô giáo có thể phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi "đối xử tàn ác"...
Theo luật sư, việc cô giáo bắt học sinh tát cháu N đã xâm hại đến quyền được pháp luật bảo vệ về tính mạng, sức khỏe. Trường hợp tỷ lệ tổn thương sức khỏe của cháu N không đáng kể, cô giáo có thể phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi “đối xử tàn ác”...
![]() |
Công an huyện Quảng Ninh, Quảng Bình đã khởi tố vụ án "hành hạ và làm nhục người khác" xảy ra tại trường THCS Duy Ninh.
Trước đó, trong buổi học chiều 19/11, khi nghe các học sinh báo em Hoàng Long N chửi tên phụ huynh của bạn bên cạnh, cô giáo Nguyễn Thị Phương Thủy (chủ nhiệm lớp 6.2) đã yêu cầu 23 học sinh phạt N bằng cách tát vào má. Mỗi người tát bạn 10 cái, nếu tát nhẹ sẽ bị phạt ngược lại.
Trong quá trình bị phạt, N chửi thề thêm một lần và bị cô tát một cái. Cô Thủy chỉ chứng kiến một phần quá trình các bạn tát N, rồi đi ra ngoài. Em N sau đó phải nhập viện ba ngày để điều trị do sưng má và ảnh hưởng tinh thần. Cô giáo Thủy thừa nhận việc làm của mình là sai trái, mong phụ huynh tha thứ.
Liên quan đến vụ việc trên, luật sư Nguyễn Anh Thơm (Đoàn luật sư Hà Nội) đã bày tỏ quan điểm dưới góc nhìn pháp lý.
Luật sư Thơm khẳng định trẻ em là đối tượng đặc biệt không những được pháp luật Việt Nam và cả Công ước quốc tế bảo vệ.
Cụ thể, Công ước quốc tế quyền trẻ em quy định: “Không trẻ em nào phải chịu sự can thiệp tùy tiện hay bất hợp pháp vào việc riêng tư, gia đình, nhà cửa hoặc thư tín cũng như những sự công kích bất hợp pháp vào danh dự và thanh danh của các em. Trẻ em có quyền được pháp luật bảo vệ chống lại sự can thiệp hay công kích như vậy”.
Điều 20 Hiến pháp 2013 nước ta quy định: “Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khoẻ, danh dự và nhân phẩm; không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm”.
Cũng theo Hiến pháp năm 2013: “Trẻ em được Nhà nước, gia đình và xã hội bảo vệ, chăm sóc và giáo dục; được tham gia vào các vấn đề về trẻ em. Nghiêm cấm xâm hại, hành hạ, ngược đãi, bỏ mặc, lạm dụng, bóc lột sức lao động và những hành vi khác vi phạm quyền trẻ em”.
Luật trẻ em 2016 quy định: “Trẻ em có quyền được bảo vệ dưới mọi hình thức để không bị bạo lực, bỏ rơi, bỏ mặc làm tổn hại đến sự phát triển toàn diện của trẻ em”.
Theo Điều 4 Luật trẻ em, “bạo lực trẻ em” là hành vi hành hạ, ngược đãi, đánh đập; xâm hại thân thể, sức khỏe; lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm; cô lập, xua đuổi và các hành vi cố ý khác gây tổn hại về thể chất, tinh thần của trẻ em…
Như vậy, sự cần thiết dành cho trẻ em sự chăm sóc đặc biệt là một yêu cầu đã được khẳng định trong pháp luật hiện hành của nước ta cũng như các công ước quốc tế Việt Nam tham gia.
"Xét nguyên nhân vụ việc, chỉ vì cháu N nói tục, cô giáo đã bắt các bạn cùng lớp tát liên tiếp vào mặt và bản thân mình cũng tham gia tát thêm một cái cuối cùng.
Đáng lẽ ra, cô giáo như người mẹ phải chỉ bảo, uốn nắn dạy dỗ cháu nhưng đáng tiếc lại sử dụng vũ lực quá mức cần thiết để giáo dục cháu. Cháu N còn nhỏ tuổi, nhận thức còn hạn chế nhưng không vì thế mà được tự cho phép mình được dạy bảo bằng hình thức trái pháp luật", luật sư Thơm nói.
Theo luật sư Thơm, về hành vi khách quan, việc bắt các cháu học sinh tát cháu N đã xâm hại đến quyền được pháp luật bảo vệ về tính mạng, sức khỏe. Trường hợp tỷ lệ tổn thương sức khỏe của cháu N không đáng kể, cô giáo có thể phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi “đối xử tàn ác” - Tội Hành hạ người khác, theo quy định tại Điều 140, BLHS năm 2015.
Cụ thể, hành vi đối xử tàn ác, được hiểu là hành vi gây ra sự đau đớn về thể xác hoặc/và tinh thần với nạn nhân. Ở tội danh này, giữa người bị hại phải có quan hệ lệ thuộc như giữa thầy cô giáo với học sinh, giữa cấp trên với cấp dưới, thầy thuốc với người bệnh…
Ngoài ra, đối xử tàn ác phải chưa đạt đến mức độ nghiêm trọng để truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ.
"Theo quy định, tùy theo tính chất mức độ, động cơ, mục đích và sự đánh giá tổn thương về sức khỏe, cũng như danh dự nhân phẩm của cháu N, cần thiết phải có biện pháp xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự với cô giáo bắt học sinh tát bạn về tội “Hành hạ người khác”, luật sư Thơm nói.
Theo VnMedia