Nữ tài xế lùi xe Camry cán chết người phải chịu trách nhiệm hình sự
Theo luật sư, vụ xe ô tô Camry đi lùi khiến một phụ nữ đi từ phía sau tử vong, tài xế sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về hành vi lùi xe không quan sát nếu bị cơ quan chức năng khởi tố.
Theo luật sư, vụ xe ô tô Camry đi lùi khiến một phụ nữ đi từ phía sau tử vong, tài xế sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về hành vi lùi xe không quan sát nếu bị cơ quan chức năng khởi tố.
Trước đó, vào khoảng 6h20 ngày 10/5, ôtô Toyota Camry BKS 30A-075.57 từ bãi đỗ trong ngõ 250 phố Khương Trung, phường Khương Đình (Thanh Xuân, Hà Nội) lùi để ra đường lớn thì va chạm với xe máy của một phụ nữ đi từ phía sau.
Cú va chạm khiến người lái xe máy ngã ra đường, tuy nhiên tài xế ôtô vẫn lùi tiếp, cán qua nạn nhân. Khi được người dân hô hoán, tài xế mới phát hiện sự việc.
"Trên ôtô có hai người, người cầm lái là một phụ nữ trung tuổi, sau đó đã rời khỏi hiện trường", một nhân chứng cho biết. Người dân đã gọi xe cứu thương đưa nạn nhân đi cấp cứu, tuy nhiên người này đã tử vong.
Tại hiện trường, ôtô 5 chỗ nằm chắn ngang lòng đường rộng chừng 3 m đang được xây dựng, mũi xe vỡ nát, bánh sau chèn lên vỉa hè. Xe máy của nạn nhân đổ nghiêng, cách ôtô hơn một mét.
Về vụ tai nạn trên, luật sư Nguyễn Anh Thơm (Trưởng VPLS Nguyễn Anh, Đoàn LSTP Hà Nội) cho biết: Trong vụ tai nạn giao thông này, tài xế xe phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về hành vi lùi xe xe không quan sát khiến một phụ nữ tử vong.
"Người điều khiển phương tiện xe ô tô đã vi phạm Khoản 1, Điều 16, Luật giao thông đường bộ về lùi xe. Hành vi lùi xe ô tô không quan sát của lái xe ô tô đã có mối quan hệ nhân quả dẫn tới cái chết của người phụ nữ phía sau đã có dấu hiệu phạm tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ. Tội phạm và hình phạt được quy định tại điểm a, Khoản 1, Điều 260, Bộ luật Hình sự 2015", luật sư Thơm nói.
Điều 16. Lùi xe
1. Khi lùi xe, người điều khiển phải quan sát phía sau, có tín hiệu cần thiết và chỉ khi nào thấy không nguy hiểm mới được lùi.
2. Không được lùi xe ở khu vực cấm dừng, trên phần đường dành cho người đi bộ qua đường, nơi đường bộ giao nhau, đường bộ giao nhau cùng mức với đường sắt, nơi tầm nhìn bị che khuất, trong hầm đường bộ, đường cao tốc.
Điều 260. Tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ.
1. Người nào tham gia giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Làm chết người; b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương có thể 61% trở lên; c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%; d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:
a) Không có giấy phép lái xe theo quy định; b) Trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định, có sử dụng chất ma túy hoặc chất kích thích mạnh khác; c) Bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm hoặc cố ý không cứu giúp người bị nạn; d) Không chấp hành hiệu lệnh của người điều khiển hoặc hướng dẫn giao thông; đ) Làm chết 02 người; e) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%: g) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Làm chết 03 người trở lên; b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên; c) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.
4. Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ trong trường hợp có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả quy định tại một trong các điểm a, b và c khoản 3 Điều này nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm.
5. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Theo VnMedia