Giám sát gói hỗ trợ Covid-19, tránh 'bò đi lạc nhà quan, quan đi lạc hộ cận nghèo'

17:08, 13/06/2020

ĐBQH đề nghị tăng cường thanh tra, giám sát để “Tránh tình trạng bò đi lạc nhà quan, quan đi lạc vào hộ cận nghèo” như báo chí đã nêu.

Thảo luận tại hội trường Quốc hội sáng nay (13/6), ĐB Nguyễn Thanh Hải (Tiền Giang) nói khá nhiều về kinh tế xã hội trong 6 tháng đầu năm, trong đó nêu thông tin chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2020 của Việt Nam trong bối cảnh dịch Covid-19 có cần điều chỉnh hay không và phải có dự báo tăng trưởng trong thời gian tới khi tác động của dịch, dự báo từ các tổ chức quốc tế cho sự tăng trưởng kinh tế Việt Nam chỉ còn 4,8%, 4,9%, Quỹ Tiền tệ quốc tế dự báo chỉ 2,7%.

Về các chính sách hỗ trợ người ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, ông Hải đề nghị các bộ, ngành địa phương phải chỉ đạo kịp thời, đảm bảo đúng đối tượng, tăng cường thanh tra, giám sát để “Tránh tình trạng bò đi lạc nhà quan, quan đi lạc vào hộ cận nghèo” như báo chí đã nêu.

Ảnh hưởng của dịch khiến các ngành bị đình trệ, nhưng nông nghiệp lại trở thành ngành “cứu cánh” trong thời khó khăn. Cả nước có 12.000 doanh nghiệp đầu tư lĩnh vực nông nghiệp, nhưng mức độ quan tâm đầu tư vẫn còn thấp so với các ngành khác. Ông cho rằng cần đặt suy nghĩ thu hút doanh nghiệp tư nhân đầu tư linh vực này, bớt, bỏ các rào cản, thủ tục, các chính sách ưu đãi về tín dụng.

Giám sát gói hỗ trợ Covid-19, tránh 'bò đi lạc nhà quan, quan đi lạc hộ cận nghèo'
ĐB Nguyễn Thanh Hải

Bên cạnh đó, ĐB Tiền Giang đề nghị Chính phủ, địa phương xem xét sớm có giải pháp điều chuyển vốn đầu tư công từ các dự án chậm giải ngân sang dự án khác. “Nhưng cần tiêu chí cụ thể, rõ ràng, tránh cơ chế xin - cho, tiêu cực có thể xảy ra… Nghiên cứu tháo gỡ rào cản hành chính, tiếp cận tín dụng thu hút đầu tư tư nhân” ông Hải nói.

Còn ĐB Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) cho rằng đề có sự đồng nhất, tạo đà “bứt phá” đưa nền kinh tế phát triển bền vững, cùng với thực hiện chủ trương “không để ai ở lại phía sau” thì nên có chủ trương thực hiện “không để tỉnh nào ở lại phía sau”.

ĐB thấy rằng việc phòng chống tham nhũng tốt nhưng phòng chống lãng phí chưa làm tốt, đặc biệt các DN thua lỗ, nợ nần phá sản, đề nghị kiểm tra nguyên nhân cản trở làm DN phá sản.

Ông Phương đề nghị Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành cần có sự quan tâm, điều chỉnh các định hướng thu hút đầu tư đến các tỉnh còn khó khăn, tạo điều kiện, cơ hội cho các tỉnh phát triển KTXH.

Xác định các ngành, lĩnh vực được ưu tiên, nhằm mục tiêu định hướng thu hút đầu tư một cách chủ động đến các khu vực và tỉnh khó khăn. Tăng cường nguồn vốn đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng, đẩy nhanh tiến độ các công trình trọng điểm để thu hút đầu tư phát triển KTXH. Tạo cơ hội quảng bá hình ảnh về tiềm năng cơ hội đầu tư.

Ủng hộ chưa tăng lương cở sở

ĐBQH Nguyễn Thị Xuân (Đắk Lăk), ủy viên UB ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội đánh giá cao việc Chính phủ, Thủ tướng đã sử dụng linh hoạt, kịp thời, có hiệu quả các công cụ chính sách kinh tế vĩ mô như chính sách tài chính, tiền tệ, tín dụng, đầu tư, lao động - việc làm, an sinh xã hội và thương mại… đã duy trì được trạng thái kinh tế vĩ mô không bị suy giảm nhanh và trong tầm kiểm soát, đồng thời bảo đảm an sinh xã hội.

Tuy nhiên, việc mất cân đối cung cầu thịt lợn, đẩy giá lợn lên cao trong năm qua, hay sự lúng túng, thiếu tính nhất quán trong việc đề xuất dừng hay cho xuất khẩu gạo. Bà cho rằng các bộ NN&PTNT, Công Thương phải chịu trách nhiệm trong việc này.

Giám sát gói hỗ trợ Covid-19, tránh 'bò đi lạc nhà quan, quan đi lạc hộ cận nghèo'
ĐB Nguyễn Thị Xuân

Bà nhất trí với đề xuất dừng tăng lương cơ bản đối với khối cán bộ công chức, nhưng đây chỉ là giải pháp tính thế, không phải giải pháp căn cơ.

Về tâm lý, đa số người hưởng lương từ ngân sách không hào hứng và chưa thật sự yên tâm về việc này. Trong khi lạm phát tăng, chỉ số giá tiêu dùng tăng làm giảm sức mua của người dân, việc giữ nguyên lương thực chất đã làm giảm giá trị của đồng lương.

“Giải pháp căn cơ trong tình hình hiện nay phải thực sự tiết kiệm trong chi tiêu, chống lãng phí, đầu tư công phải có trọng điểm, hiệu quả và đặc biệt, phải chống thất thu, chống thất thoát ngân sách nhà nước” bà Xuân đề nghị.

Cùng quan điểm, ĐB Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị) ủng hộ đề nghị trước mắt chưa tăng lương cơ sở cán bộ công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và lương hưu từ 1/7.

Thực tiễn phòng chống dịch Covid-19 vừa qua, chưa có một con số thống kê cụ thể, nhưng chắc chắn đã tiêu tốn rất nhiều nguồn lực cho cuộc chiến này.

Giám sát gói hỗ trợ Covid-19, tránh 'bò đi lạc nhà quan, quan đi lạc hộ cận nghèo'
ĐB Hoàng Đức Thắng

“Đó là sự hy sinh xứng đáng và cần thiết, người hưởng lương mặc dù vẫn có lương trong thời kỳ nghỉ giãn cách xã hội, họ có đóng góp chung cho xã hội và các hoạt động thiện nguyện khác, bản thận họ cũng bị ảnh hưởng do các chi phí phát sinh của dịch Covid-19. Nên cũng có những khó khăn nhất định. Chủ trương chưa tăng lương mặc dù còn những băn khoăn nhưng sẽ được ủng hộ”.

Tuy nhiên, ông Thắng cũng đề nghị Chính phủ cần đánh giá tác động đầy đủ về vấn đề này và báo cáo rõ việc chưa tăng lương cơ sở này kéo dài đến bao lâu?

Nguồn lực dành được là bao nhiêu và sẽ sử dụng vào mục tiêu gì để ĐBQH, nhân dân biết được để chia sẻ, ủng hộ. “Phải xem nguồn lực này là sự hi sinh, đóng góp của người hưởng lương với quốc gia, dân tộc, rất đáng được ghi nhận, nhưng nó chỉ là giải pháp ngắn hạn” ông Thắng đánh giá.

Theo Vietnamnet

https://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/chinh-tri/giam-sat-goi-ho-tro-covid-19-tranh-bo-di-lac-nha-quan-quan-di-lac-ho-can-ngheo-648661.html