Đồng phạm của Trịnh Sướng: Bố con, vợ chồng cùng vướng lao lý
Trong vụ án Trịnh Sướng và 38 đồng phạm bị truy tố về tội “Sản xuất, buôn bán hàng giả” (xăng giả), nhiều bị cáo là người thân trong gia đình. Tại phiên xét xử ngày thứ 3, nhiều bị cáo bất ngờ không nhận tội.
Chối tội
Ngày 12/4, Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh Đắk Nông tiếp tục xét hỏi nhóm bị cáo Đinh Chí Dũng và đồng phạm trong đường dây sản xuất, buôn bán xăng giả xảy ra trên địa bàn TPHCM, Hậu Giang. Quy mô của đường dây trên chỉ đứng sau “ông trùm” Trịnh Sướng.
Bị cáo Đinh Chí Dũng |
Tại tòa, bị cáo Dũng điềm tĩnh phản biện các cáo buộc sản xuất, mua bán xăng giả. Dũng khai mua dung môi, bột màu… nhằm bán lại cho khách (chủ yếu bạn bè) để kiếm lời. Khi bị đại diện Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) truy hỏi về việc khách hàng mà bị cáo này khai mua dung môi, bột màu nhưng đều không có thật, Dũng trả lời “quy định không yêu cầu xác định nhân thân của người mua”. Dũng chỉ nhận đồng phạm với bị cáo Nguyễn Lê Minh Hưng khi để người này pha xăng giả tại kho của mình. Dũng cũng phủ nhận việc nhắn tin chỉ công thức làm xăng giả cho người làm thuê Nguyễn Thanh Tân dù thừa nhận chủ nhân số điện thoại chứa tin nhắn trên là mình.
Theo cáo trạng, từ năm 2017 đến tháng 5/2019, Dũng mua hơn 55 triệu lít dung môi, hóa chất của 10 doanh nghiệp (phần lớn mua của Cty cổ phần dầu khí Bình Minh - đơn vị này cũng bán dung môi cho “trùm” sản xuất xăng giả Trịnh Sướng). Từ tháng 6/2018 đến tháng 5/2019, Dũng tổ chức sản xuất, buôn bán xăng giả với tổng khối lượng 2,5 triệu lít, tương đương với số lượng hàng thật trị giá 51 tỷ đồng. |
Con rể Dũng là Nguyễn Quốc Thi cũng không đồng ý với cáo buộc sản xuất, buôn bán xăng giả. Thi chỉ nhận đứng ra làm đại diện pháp lý cho Cty TNHH thương mại Quốc Thi AG (Cty Quốc Thi, tỉnh Vĩnh Long) do bố Dũng lập để ký các giấy tờ liên quan đến mua bán dung môi... Thi nói: “bố sai gì làm nấy, như trả lương công nhân, mua bột màu...”.
Bị cáo Lê Đại Nam, cháu ruột Dũng cũng cho rằng, chỉ làm thuê cho chú ruột, công việc như người bảo vệ, không quản lý, điều hành việc xuất nhập hàng hay chỉ đạo việc pha chế xăng giả như cáo trạng. Cũng bị truy tố hành vi sản xuất xăng giả sau khi bị công an bắt quả tang vào ngày 28/5/2019 song bị cáo Nguyễn Lê Minh Hưng (trú TPHCM) khai chỉ là lái xe, đi mua hàng cho khách để ăn tiền chênh lệch, không thừa nhận hành vi mua bán hay sản xuất xăng giả vì không rành, “chỉ mang 2 muỗng bột màu” đưa cho Tân để pha trộn theo yêu cầu của khách.
Bị cáo Lê Văn Tâm (người làm thuê cho Dũng) cũng khai không trực tiếp pha chế xăng giả, hay ghi chép số lượng hàng ra, hàng vào như cáo buộc...
Người thân cùng phạm tội
Không chỉ Đinh Chí Dũng “dắt” con rể, cháu ruột vướng vào lao lý mà trong đại án sản xuất, mua bán hàng giả trên còn có nhiều bị cáo là vợ chồng, chị em.
Đơn cử, vợ chồng bị cáo Nguyễn Thị Kim Loan và Hoàng Thụy Minh Việt (Đồng Nai), chủ 2 doanh nghiệp xăng dầu Hoàng Minh Việt và Hoàng Thụy Vy. Tháng 11/2016, Việt liên hệ với Nguyễn Thị Thu Hòa, Phó Giám đốc Cty TNHH MTV Phạm Sơn (cùng là bị cáo trong vụ án, trú tại Cần Thơ)- chuyên cung cấp dung môi cho nhiều bị cáo trong vụ án này. Từ năm 2017-2019, Loan - Việt đã mua của Hòa hơn 20 triệu lít dung môi, trị giá hơn 253 tỷ đồng để pha chế, sản xuất xăng giả bán ra thị trường.
Cũng vì hám lợi, bị cáo Hồ Thị Nhẫn (Đắk Nông), Giám đốc Cty TNHH xăng dầu Trường Phước đã kéo em trai Hồ Văn Hùng vào vòng lao lý. Cụ thể, khi biết Việt, Loan bán dung môi và chất tạo màu để làm xăng giả, Nhẫn đã mua và được hướng dẫn công thức pha chế. Nhẫn mua tổng cộng 747 nghìn lít dung môi rồi pha với xăng thật bán tại các cửa hàng xăng dầu của mình và cung cấp cho các doanh nghiệp khác. Quá trình hoạt động, Nhẫn kéo em trai tham gia cùng.
Theo Vietnamnet
https://vietnamnet.vn/vn/phap-luat/ky-su-phap-dinh/dong-pham-cua-trinh-suong-bo-con-vo-chong-cung-vuong-lao-ly-727327.html