Kiên quyết không để nhân dân thiếu thực phẩm, rau quả, thuốc men

11:42, 19/07/2021

Ngày 18/7, Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có buổi họp trực tuyến với 19 tỉnh phía Nam bàn giải pháp cung ứng hàng hoá thiết yếu cho người dân.

Trong khuôn khổ cuộc họp, các địa phương đề xuất mở lại chợ truyền thống trong điều kiện phòng dịch chặt chẽ, thực hiện 5K và tiêm vaccine cho tiểu thương. Các địa phương cho biết đều sẵn sàng phối hợp với TP.HCM để cung ứng, vận chuyển hàng hóa. Đặc biệt, các địa phương đều cam kết làm hết sức để bảo đảm cung ứng hàng hóa cho Thành phố Hồ Chí Minh.

Với đề xuất mở lại chợ truyền thống đảm bảo yêu cầu phòng, chống dịch, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên khuyến cáo, các địa phương phải kiện toàn hệ thống phân phối; duy trì các chợ truyền thống, chợ đầu mối trong điều kiện đảm bảo các quy tắc phòng, chống dịch COVID-19 và các tiểu thương phải được tiêm vaccine.

Hai Bộ Công Thương - Nông Nghiệp họp trực tuyến với 19 tỉnh thành phía Nam
Hai Bộ Công Thương - Nông Nghiệp họp trực tuyến với 19 tỉnh thành phía Nam

Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, tính đến thời điểm hiện nay trên toàn thành phố có 191/237 chợ tạm ngưng hoạt động, trong đó có 3 chợ đầu mối và 188 chợ truyền thống. Các chợ đã khôi phục hoạt động sau khi tạm ngưng để thực hiện các công tác phòng, chống dịch có chợ Bình Thới, chợ Nguyễn Tri Phương, chợ Phú Thọ.

Nhằm “chia lửa” cho hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi đang quá tải hiện nay, thành phố sẽ cho khôi phục hoạt động các chợ truyền thống ở những khu vực tương đối an toàn. Mỗi chợ sẽ không mở cửa lại toàn bộ mà chỉ lựa chọn một số tiểu thương có đủ năng lực tổ chức hoạt động với mô hình điểm bán các mặt hàng tươi sống, rau, củ, quả, thịt cá, để gia tăng các điểm cung ứng hàng hóa trên địa bàn. Đơn cử như chợ Phú Thọ với 6 tiểu thương kinh doanh, chủ yếu là mặt hàng lương thực, thực phẩm tươi sống.

Các địa phương dự kiến mở các điểm bán các mặt hàng tươi sống, rau, củ, quả tại chợ trong tuần sau, sau khi có kết quả xét nghiệm của tiểu thương và phương án tổ chức hoạt động chợ được duyệt. Cụ thể tại quận Bình Tân là chợ Kiến Thành; quận 5 có chợ Xã Tây; quận 6 có 2 chợ gồm chợ Phú Định và chợ Minh Phụng; quận 8 có 2 chợ là chợ Phú Lợi 1 và chợ Phú Định; quận 10 có chợ Nhật Tảo; huyện Bình Chánh có chợ Bà Lát, chợ Vĩnh Lộc A; huyện Hóc Môn là chợ Hóc Môn; huyện Nhà Bè dự kiến 2 chợ.

 

Song song đó, Sở Công Thương đẩy mạnh triển khai mô hình bán hàng trực tuyến tại các chợ trên địa bàn như: Phú Lâm, Minh Phụng, Bình Tây, Tân Hoà Đông, Nguyễn Văn Trỗi, Bàn Cờ, Bùi Phát, chợ Phạm Văn Cội, chợ Tân Phong, chợ Phước Thạnh...

Hiện ban quản lý các chợ đã kết nối, triển khai đến các tiểu thương thực hiện duy trì việc cung ứng hàng hóa cho người dân bằng hình thức bán hàng qua điện thoại. Theo đó tiểu thương đăng ký với ban quản lý thông tin tham gia bán hàng để ban quản lý thiết lập poster quảng bá ngay tại cổng chính chợ, treo thông tin xung quanh chợ, nơi người dân dễ nhận thấy nhất. Hiện nay nhiều tiểu thương đã đăng ký tham gia việc bán hàng trên zalo, facebook và fanpage của chợ thể hiện đầy đủ số điện thoại, địa chỉ liên lạc khi người dân có nhu cầu.

Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cũng cho biết, trong cuộc họp, lãnh đạo hai Bộ, Công Thương, Nông nghiệp cũng thống nhất 6 nhiệm vụ thực hiện trong thời gian tới:

Thứ nhất, các địa phương cần khẩn trương đánh giá tình hình thực tế của địa phương; khảo sát, nắm bắt, dự báo thật sát về nhu cầu hàng hóa thiết yếu của các tỉnh, thành phố, trên cơ sở đó đưa ra các kịch bản cân đối cung cầu tại chỗ, kịp thời thông báo cho các Tổ công tác Tiền phương thuộc hai Bộ Công Thương – Nông nghiệp, kịp thời đưa ra những giải pháp giải quyết.

Thứ hai, chủ động kết nối cung cầu với các cơ sở sản xuất chế biến, các doanh nghiệp sản xuất, doanh nghiệp cung ứng trên địa bàn tỉnh, giữa các tỉnh trong vùng và với cả nước kịp thời cung cấp hàng hóa thiết yếu cho người dân.

“Bằng mọi giải pháp, hai Bộ Công Thương - Nông nghiệp cam kết, kiên quyết không để thiếu hàng hóa, lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh cho người dân trên địa bàn 19 tỉnh, thành phố”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh và cho rằng, muốn kết nối được phải nắm rõ đầu mối giao nhận, nhu cầu của địa phương từ khâu thu hoạch, vận chuyển, phân phối. Đồng thời, khuyến cáo địa phương kiện toàn hệ thống phân phối; duy trì các chợ truyền thống, chợ đầu mối kèm trong điều kiện đảm bảo các quy tắc phòng, chống dịch Covid-19.

Thứ ba, phối hợp chặt chẽ với các ngành Giao thông, Y tế, Công an, Quân đội trên địa bàn các tỉnh phía Nam làm tốt công tác lưu thông, phân phối hàng hóa giữa các tỉnh, thành phố trong vùng, giữa các vùng với cả nước. Đồng thời, điều tiết hàng hóa hợp lý từ những nơi dồi dào đến những nơi thiếu hụt một cách kịp thời. Cái gì cần bán cần kết nối với nơi cần mua và ngược lại. Có như vậy mới giải quyết được bài toán thừa, thiếu cục bộ.

Thứ tư, đối với những vùng trồng rau củ quả, nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản… đang bị đứt gãy chuỗi cung ứng lao động do bị cách ly, phong tỏa, cần báo cáo ngay về Tổ công tác Tiền phương để có những phương án giải quyết kịp thời.

Thứ năm, lực lượng Quản lý thị trường của các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam phải đóng vai trò chủ công, chủ động phối hợp với các lực lượng chức năng tại địa phương kịp thời, thường xuyên xử lý nghiêm các hành vi găm hàng, nâng giá, dứt khoát không để xảy ra hiện tượng, hành vi trục lợi từ đại dịch Covid-19.

Thứ sáu, các địa phương và Tổ công tác Tiền phương thuộc hai Bộ cần phối hợp truyền thông, thông tin kịp thời, chính xác về tình hình cung ứng hàng thiết yếu cho người dân. Đồng thời, thường xuyên, trao đổi, phản ánh để nắm được những chỉ đạo từ hai Bộ, chế độ thông tin phải duy trì hàng ngày.

Theo VnMedia

https://vnmedia.vn/kinh-te/202107/kien-quyet-khong-de-nhan-dan-thieu-thuc-pham-rau-qua-thuoc-men-6161292/