Một phiên tòa đặc biệt

14:29, 15/12/2009

Không một lời tranh luận giữa bị cáo - bị hại. Chỉ là sự yên lặng, có lúc gần như tuyệt đối. Mọi sự diễn đạt giữa họ và cả người phiên dịch được thể hiện bằng ngôn ngữ của cơ thể...

Không một lời tranh luận giữa bị cáo - bị hại. Chỉ là sự yên lặng, có lúc gần như tuyệt đối. Mọi sự diễn đạt giữa họ và cả người phiên dịch được thể hiện bằng ngôn ngữ của cơ thể...

Chuông phòng xử reo lên muộn gần 1 giờ so với dự kiến.

Bị cáo được dẫn vào từ bên hông phòng xử A của TAND quận 5-TPHCM. Đó là một người đàn ông thấp bé, bước đi khó nhọc đến sau chiếc vành móng ngựa. Dẫu thế, ông ta cũng cố quay về phía sau, gật đầu với hai người con trai đang chăm chăm nhìn cha mà nước mắt rưng rưng.

Bị cáo Mai Văn Câm đang chăm chú theo dõi người phiên dịch truyền đạt lại mức án

HĐXX vào làm việc ngay sau đó. Mở đầu là phần thủ tục với việc xác minh lại nhân thân bị cáo Mai Văn Câm (SN 1950, quận 11 - TPHCM) và bị hại Nguyễn Văn Hưng (SN 1974). Cũng từ đây, người phiên dịch - bà Trần Thị Ngời - Hiệu trưởng Trường Khuyết tật thính giác Hy vọng 1 - bắt đầu công việc của mình.

Bà Trần Thị Ngời, Hiệu trưởng Trường Khuyết tật thính giác Hy vọng 1:Sống ở TP chưa hẳn là không lạc hậu.  

Những người bị câm điếc, sự giao tiếp với xã hội của họ không nhiều, thậm chí rất hạn chế. Đã vậy, nếu họ không được học hành, không có điều kiện được dạy dỗ để nhận biết đúng - sai, nên và không nên làm gì trong cuộc sống cộng đồng thì nhận thức và hiểu biết của họ về xã hội, pháp luật lại càng lơ mơ, lạc hậu. Không hiểu biết nên vi phạm pháp luật cũng là điều dễ hiểu, cho dù họ sống ở TP.  

Trong vụ án này, sau khi phạm tội, ông Câm vẫn nghĩ chỉ cần một câu xin lỗi và bồi thường là xong. Chỉ đến khi bị bắt, ông mới nhận thức được hậu quả mình gây ra thật nặng nề.

Trước khi bước vào phần xét hỏi, VKSND quận 5 đọc lại bản cáo trạng, người phiên dịch “dịch” lại theo từng câu cho bị cáo... thấy. Theo đó, chiều 5/4/2009, ông Câm cùng những người bạn câm điếc đến hồ bơi Tản Đà ngồi uống bia.

Đến khi tính tiền ra về, ông Câm và một người tên Thơ cự nự về việc hùn tiền trả. Thấy vậy, ông Hưng đến can ngăn, dùng tay đẩy ông Câm nhưng trúng vào đầu.

Cho rằng bị cả hai người ức hiếp, ông Câm tức giận chạy đến xe máy mở yên xe lấy ra một dụng cụ đa năng, trong đó có một con dao xếp, đi đến chỗ ông Hưng và rút dao đâm thẳng vào chính giữa bụng, gây thủng ruột.

Với câu hỏi đầu tiên: “Cáo trạng này có giống với cáo trạng bị cáo đã được nhận hay không?”, trục trặc phát sinh khi ông Câm không hiểu câu hỏi, cứ quơ tay liên tục để diễn tả lại vụ án.

Phải sau mấy lần bà Ngời “nhắc” lại nội dung câu hỏi của HĐXX, ông Câm mới hiểu và trả lời bằng cái gật đầu.

Có vẻ như mọi việc càng lúc càng khó khăn hơn khi bị cáo không quen với những câu hỏi - đáp liên quan đến vấn đề pháp luật kiểu như: “Có mâu thuẫn với bị hại không? Mâu thuẫn về việc gì? Bị cáo cầm dao như thế nào để đâm bị hại?”...

Mặc hàng loạt câu hỏi của vị chủ tọa nêu ra, hễ được mời trả lời, ông Câm liền nôn nóng “tường thuật” lại nguyên nhân dẫn đến hành vi phạm tội của mình. Bà Ngời lại vất vả hướng sự chú ý của ông vào trọng tâm câu hỏi- một việc cũng không phải dễ dàng gì khi bà chỉ là người trung gian, không phải người đưa ra câu hỏi. Những lúc như thế, HĐXX phải căng mắt ra để quan sát, suy luận từng cử chỉ của bị cáo.

Đối với người bị hại, dù không phải trả lời nhiều trước tòa, cũng khá vất vả khi trình bày vì cũng là người bị câm. Ví như việc bị hại xin HĐXX xem xét giảm nhẹ cho bị cáo với điều kiện: “Bị cáo phải hứa mai mốt ở tù về đừng có thù tức mà đâm tôi nữa” thì cũng phải thông qua người chị diễn giải, mọi người mới có thể hiểu hết được.

Bào chữa cho bị cáo, luật sư đồng ý với tội danh mà VKSND quận 5 đã truy tố nhưng đề nghị xem xét đến trạng thái tâm lý của người khuyết tật (nhất là người câm điếc), họ dễ bị kích động, dễ nổi nóng. Thêm vào đó, bị cáo không biết chữ, phạm tội vì lạc hậu và hạn chế khả năng điều khiển hành vi...

Tuy nhiên, HĐXX nhận định chỉ vì một mâu thuẫn nhỏ, bị cáo đã thể hiện tính côn đồ, dùng dao đâm bị hại gây thương tật 33%. Mặc dù bị cáo không biết chữ nhưng bị cáo sống ở TP từ bé nên không thể nói phạm tội vì lạc hậu. Vả lại, bị cáo phải biết dùng dao đâm người khác gây thương tích là hành vi vi phạm pháp luật. Bị cáo bị nhược điểm về thể chất, không phải là người bệnh bị hạn chế khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình.

Tòa chỉ ghi nhận những tình tiết giảm nhẹ như phạm tội lần đầu, khai báo thành khẩn, đã bồi thường thiệt hại, nạn nhân xin giảm nhẹ hình phạt... Vì những lẽ trên, HĐXX tuyên phạt bị cáo 4 năm tù.

Nghe người phiên dịch truyền đạt lại nội dung và mức án, ông Câm thẫn thờ một lúc lâu rồi quay về phía sau nhìn các con cầu cứu. Trước ánh mắt tuyệt vọng của cha, hai người con trai chạy đến nắm chặt tay ông vỗ về. Rồi không biết họ đã “nói” những gì, tôi thấy ông Câm gật gật đầu.

Có lẽ họ đang hướng đến phiên tòa phúc thẩm với hy vọng được xem xét giảm án. Tự dưng thấy băn khoăn, ở phiên tòa phúc thẩm chắc chắn ông Câm cũng không thể diễn đạt trọn vẹn suy nghĩ, hành vi của mình (dù đã có người đại diện hợp pháp đi cùng và người phiên dịch), trong khi đến nay, ngoài những điều khoản chung chung (tùy vào sự linh động của HĐXX), pháp luật dường như vẫn chưa có một quy định hay hướng dẫn cụ thể nào đối với trường hợp người khuyết tật (nhất là người câm điếc) phạm tội để họ không bị thiệt thòi bởi khiếm khuyết của mình.

Liệu đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của ông Câm có được xem xét?

Theo Người lao động