Tin đồn hết gạo khiến giá tăng vọt
Một tuần nay, giá gạo tại TP HCM liên tục nhích lên, nhiều tiểu thương kinh doanh trong tình trạng "cháy hàng" vì chủ vựa thông báo đang thiếu nguồn cung, đẩy giá bán lẻ lên mức cao nhất năm.
Một tuần nay, giá gạo tại TP HCM liên tục nhích lên, nhiều tiểu thương kinh doanh trong tình trạng "cháy hàng" vì chủ vựa thông báo đang thiếu nguồn cung, đẩy giá bán lẻ lên mức cao nhất năm.
Hầu hết loại gạo bán ở chợ đều tăng giá, ít nhất là 500 đồng và nhiều nhất là 2.500 đồng một kg. Rẻ nhất hiện nay là gạo ngang (108), cũng đã lên 10.000 đồng, thay vì 7.000 đồng như hai tuần trước đó. Hương lài sữa từ 16.000 thành 18.000 đồng, Đài Loan xuất khẩu cao thêm 2.500 đồng mỗi kg, áp mức mới 15.000 đồng, Nàng thơm chợ Đào tại các chợ Thị Nghè, Bà Chiểu yết giá 18.000 đồng, bỏ mức cũ 16.000 đồng.
Đợt tăng này được các tiểu thương nhận định là mức cao nhất trong năm, ở những lần tăng trước, chỉ lên nhẹ 500 đồng. Song, không có cảnh người dân ùn ùn kéo nhau đi mua gạo, như cơn sốt hồi tháng 4 năm 2008.
Cùng với gạo, các loại nếp: nếp ngỗng, nếp bắc, nếp than cũng đột ngột tăng 3.000 đồng một kg từ đầu tháng 12. Giá gạo biến động cũng khiến hàng bún điều chỉnh lên hơn 10.000 đồng một kg.
Gạo rẻ nhất hiện nay tại các chợ cũng phải 10.500 đồng, thay vì 7.000-8.000 đồng như hai tuần trước đó. |
"Chủ vựa báo giá mới cho gạo ngang là 11.000 đồng, kể từ ngày 17/12", chị Vũ Cúc, chủ sạp gạo chợ Thị Nghè lo lắng. Hiện tại, chị không dám trữ hàng do lo sợ giá gạo chỉ biến động nhất thời, nếu mua vào chẳng may giá ổn định và giảm trở lại, sẽ lỗ vốn nặng. Song, muốn gọi hàng cũng khó, bởi chủ vựa cho biết nhiều người đến tận kho lấy hàng, khiến nguồn cung lên các tỉnh thành khan hiếm.
Hợp đồng 3 tháng cung cấp gạo 64 cho một trường mầm non ở quận Bình Thạnh với giá 9.000 đồng, song hiện nay phải mua vào với giá 10.500 một kg, lượng cung ứng mỗi tháng 1 tấn, chị Cúc tính toán đã bị lỗ ngót nghét 2 triệu đồng.
"Gạo thay đổi giá gần như từng ngày, một số loại hiện còn cao hơn mức giá của cơn sốt gạo năm 2008. Dưới 10.000 đồng, hiện chỉ có thể mua được gạo có pha tấm, chứ không được ngon như trước", một chủ sạp gạo ở chợ Gò Vấp cho biết.
Nguyên nhân của đợt tăng giá này được các tiểu thương lý giải là do thương lái thu gom hàng cho các hợp đồng xuất khẩu đã ký trước đó, cộng với thông tin Việt Nam liên tiếp trúng thầu hàng nghìn tấn cho Philippin với giá cao..., sức cầu tăng cao khiến nhiều người lo gạo sẽ thiếu và lên cơn sốt. Gạo ở các tỉnh miền Tây khoảng một tuần qua tăng cao, gạo mua ở các nhà máy xay xát đều nhích lên.
Phó Giám đốc Công ty lương thực thành phố - Nguyễn Hạnh Phúc khẳng định: "Không hề có việc nguồn cung gạo khan hiếm và sẽ không có tình trạng sốt gạo xảy ra như hồi năm ngoái". Bởi hiện tại, nguồn cung gạo ở Việt Nam dồi dào, cả triệu tấn. Công ty còn tồn kho khoảng 30 nghìn tấn, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu thị trường. Chỉ riêng kho tại xã Tân Túc, huyện Bình Chánh, còn dự trữ khoảng 13.500 tấn, chưa kể các điểm dự trữ khác nữa.
Từ đầu tháng 12, sau những biến động mạnh của tỷ giá USD/VND, Công ty Lương thực thành phố đã giảm giá một số loại gạo, áp dụng cho 40 cửa hàng Foocomart, phục vụ người dân suốt tuần và đến 10h hàng ngày. Mức giá rẻ nhất 8.000 và cao nhất là huyết rồng (18.000 đồng). Ông Phúc cũng cho biết, UBND TP HCM cũng đã có yêu cầu các sở ngành... hợp tác trong việc cung ứng gạo, đảm bảo không thiếu.
Hệ thống siêu thị Co.opmart hồi đầu tháng này cũng khẳng định giữ ổn định giá gạo cho đến cuối năm. Saigon Co.op đã có kế hoạch dự trữ, đồng thời đàm phán với 10 nhà cung cấp lớn đảm bảo đủ lượng gạo cung cấp cho người tiêu dùng với mức giá bình ổn.
Theo cổng thông tin điện tử Chính phủ, Bộ Công Thương hôm 7/12 cũng đã có văn bản chỉ đạo việc cung ứng một số mặt hàng thiết yếu, đặc biệt là gạo, đảm bảo nguồn cung từ trước, trong và sau Tết để không gây sốt giá mặt hàng này. Tổng công ty lương thực miền Nam (Vinafood 2) cũng đã cam kết với UBND TP HCM sẽ cung ứng gạo ở bất kỳ địa bàn nào thuộc thành phố, khi nhận được thông tin về hiện tượng sốt gạo; đồng thời đề nghị người dân gọi điện báo ngay cho Tổng công ty. Kho của Vinafood 2 đang có 700 nghìn tấn gạo dự trữ.
Còn Tổng công ty lương thực miền Bắc cũng đang có trên 10 nghìn tấn gạo các loại, sẽ không xảy ra tình trạng thiếu lương thực, sốt giá gạo trong dịp Tết ở Hà Nội.
[links()]
Theo VnExpress