8 triệu dân có nguy cơ ngộ độc thực phẩm

10:08, 27/11/2009

Kết quả giám sát của cơ quan chức năng cho thấy, khoảng 1/10 số cơ sở được kiểm tra vi phạm quy định về ATTP, khoảng 8 triệu người dân trực tiếp bị ảnh hưởng và có nguy cơ ngộ độc do sử dụng thực phẩm không an toàn.

Kết quả giám sát của cơ quan chức năng cho thấy, khoảng 1/10 số cơ sở được kiểm tra vi phạm quy định về ATTP, khoảng 8 triệu người dân trực tiếp bị ảnh hưởng và có nguy cơ ngộ độc do sử dụng thực phẩm không an toàn.

Người tiêu dùng, dù thông thái đến đâu, cũng không thể phát hiện được hóa chất độc hại trong thức ăn. Lương tâm, trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh thực phẩm cũng không thể hình thành thông qua việc vận động “suông”. Phải phạt thật nặng, bắt bồi thường, thậm chí cấm hoạt động đối với những tổ chức, cá nhân đưa thực phẩm “bẩn” ra thị trường.

Đó là quan điểm của đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Nguyễn Đình Xuân (Tây Ninh) trên diễn đàn QH về dự án Luật An toàn thực phẩm (ATTP), chiều 26/11.
 
“Sống chết mặc bay...”

“Sống chết mặc bay, tiền ta bỏ túi”, ĐB Đỗ Mạnh Hùng (Thái Nguyên) ví von như vậy khi nói về thực trạng người tiêu dùng phải lãnh mọi hậu quả khi sử dụng thực phẩm không an toàn chỉ vì lợi ích cục bộ của một nhóm người hiện nay.

Theo ĐB này, kết quả giám sát của cơ quan chức năng cho thấy, khoảng 1/10 số cơ sở được kiểm tra vi phạm quy định về ATTP, khoảng 8 triệu người dân trực tiếp bị ảnh hưởng và có nguy cơ ngộ độc do sử dụng thực phẩm không an toàn. Trong khi đó, mức xử phạt bình quân đối với mỗi vụ vi phạm về lĩnh vực này chỉ vỏn vẹn khoảng 180.000 đồng. “Mức xử phạt cần phải được nâng lên để đủ sức răn đe vi phạm”, ĐB Võ Thị Dễ (Long An) kiến nghị.

Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Lê Anh Tuấn kiểm tra một cơ sở kinh doanh thực phẩm chín ở chợ Láng Hạ A. Ảnh: Trung Kiên
Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Lê Anh Tuấn kiểm tra một cơ sở kinh doanh thực phẩm chín ở chợ Láng Hạ A. Ảnh: Trung Kiên

Lo ngại trước tình trạng thực phẩm không đảm bảo chất lượng từ nước ngoài tràn vào Việt Nam đã lên đến mức báo động, ĐB Nguyễn Đình Xuân cho rằng, luật cần cấm các sản phẩm tươi sống từ nước ngoài nhập vào Việt Nam khi chưa được cơ quan chức năng của Việt Nam kiểm tra.

Bức xúc trước câu chuyện con tôm, trái thanh long Việt Nam chật vật trên đường sang Mỹ trong khi hàng loạt thực phẩm tươi sống, thực phẩm đông lạnh, hoa quả… từ nước ngoài lại được nhập vào Việt Nam một cách quá dễ dàng, ông Xuân kiến nghị phải sử dụng rào cản kỹ thuật và nâng rào cản này lên cao hơn nữa để không chỉ bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng mà còn bảo vệ nền sản xuất trong nước.

Lập Ủy ban ATTP quốc gia?  

Cũng như nhiều ĐBQH khác, ĐB Dễ đồng tình với quy định trong dự thảo luật, là Bộ trưởng Bộ Y tế có trách nhiệm giúp Chính phủ thực hiện thống nhất quản lý Nhà nước về ATTP và chịu trách nhiệm về an toàn của thực phẩm đối với sức khoẻ nhân dân, nhưng đề nghị ban soạn thảo cần làm rõ hơn trách nhiệm của các bộ có liên quan như Bộ NN – PTNT, Bộ Công thương...
 
Tuy vậy, một số đại biểu khác lại cho rằng, không nên giao nhiệm vụ trên cho Bộ Y tế, bởi công việc hiện tại của bộ này đã rất nặng nề, thậm chí quá tải. ĐB Nguyễn Minh Thuyết (Lạng Sơn) đề nghị giao nhiệm vụ quản lý Nhà nước về ATTP cho Bộ Khoa học – Công nghệ, bởi bộ này đã có bộ máy chuyên về tiêu chuẩn đo lường chất lượng.

ĐB Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) lại đề nghị giao cho Bộ NN – PTNT để ngành nông nghiệp có trách nhiệm hơn trong việc hướng dẫn, kiểm tra, xử lý đối với người sản xuất lương thực, thực phẩm. ĐB Nguyễn Đình Xuân thì lo ngại rằng, quy định trong dự thảo luật về cơ quan quản lý Nhà nước trên lĩnh vực ATTP không khác gì so với quy định tại pháp lệnh hiện hành sẽ dẫn đến hiệu quả quản lý cũng sẽ... như hiện hành. “Cần một cơ quan thống nhất quản lý theo ngành dọc, có thể lập Ủy ban ATTP quốc gia trực thuộc Chính phủ và tăng ngân sách, nhân lực cho cơ quan này”.

Theo Đất việt