Không có ca cắt bỏ ổ giun nặng 4kg ở “của quý”!

11:06, 25/11/2009

Tuy nhiên, ngày 24/11, BS La Văn Phương, Phó giám đốc phụ trách chuyên môn Bệnh viện đa khoa TW Cần Thơ cho biết, 1 năm nay bệnh viện hoàn toàn không có ca phẫu thuật cắt bỏ ổ giun nặng 4 kg ở “của quý”

Vừa qua, có thông tin khoa Ngoại Tiết niệu, Bệnh viện đa khoa TW  Cần Thơ thực hiện phẫu thuật cắt bỏ một ổ giun chỉ ở khu vực bìu dương vật, nặng khoảng 4kg của bệnh nhân Trần Hoàng N. (50 tuổi, Cần Thơ).[links()]

Tuy nhiên, ngày 24/11, BS La Văn Phương, Phó giám đốc phụ trách chuyên môn Bệnh viện đa khoa TW Cần Thơ cho biết, 1 năm nay bệnh viện hoàn toàn không có ca phẫu thuật cắt bỏ ổ giun nặng 4 kg ở “của quý” như các báo đưa tin.

“Tôi xin khẳng định là hoàn toàn không có ca phẫu thuật nào như một số báo đưa cả. Cách nay khoảng một năm, bệnh viện có phẫu thuật 2-3 ca bệnh nhân bị chân voi do giun chỉ bạch huyết từ miền Trung vào”- BS La Văn Phương khẳng định trong buổi giao ban bệnh viện sáng 24/11.

Bệnh giun chỉ bạch huyết - Bệnh "lãng quên của thời đại”

Ngày 24/11, phóng viên đã có cuộc gặp gỡ với TS.BS Lê Thành Đồng, Viện trưởng Viện Sốt rét – Ký sinh trùng – Côn trùng TP.HCM để làm rõ về bệnh giun chỉ bạch huyết.

Mẫu máu xét nghiệm bệnh giun chỉ bạch huyết. Ảnh: BH
Mẫu máu xét nghiệm bệnh giun chỉ bạch huyết. Ảnh: BH

Theo TS Đồng, bệnh giun chỉ bạch huyết gọi là “bệnh lãng quên của thời đại”, vì số ca bệnh rất ít, biểu hiện lâm sàng mờ nhạt, không rõ ràng nên rất khó phát hiện khi bị nhiễm ấu trùng giun. Bên cạnh đó bị nhiễm bệnh giun chỉ bạch huyết thì không cấp tính như những bệnh nhiễm khác như sốt xuất huyết, sốt rét…nên chưa được chú ý nhiều.

Ký sinh trùng truyền bệnh giun chỉ (Wuchereria bancrofti và Brugia malayi) có hình dạng giống như sợi chỉ sống ký sinh chủ yếu trong cơ thể con người.

Các loại muỗi hay gặp như: Culex, Anophenes, Aedes, Mansonia... sau khi đốt, hút máu người mắc bệnh giun chỉ, chúng lại mang ấu trùng giun truyền cho người khác.

Giun chỉ thường sống ký sinh trong hạch bạch huyết và cuộn lại với nhau như chỉ rối, ấu trùng giun chỉ thường lưu thông trong tuần hoàn máu. Sau khi giao hợp với giun chỉ đực, giun chỉ cái đẻ ra ấu trùng. Các ấu trùng này từ hệ thống bạch huyết di chuyển vào máu và thường vào ban đêm xuất hiện nhiều ở máu ngoại vi (từ 20 giờ đến 3 giờ sáng).

Giun chỉ trưởng thành có tuổi thọ cao, có thể sống tới hàng chục năm và có kích thước khá dài, con đực dài 25- 40mm, ngang 0,1mm và con cái dài hơn 60 -100mm, chiều ngang khoảng 0,2mm.

Giun chỉ có thể sống từ 4-6 năm trong cơ thể người, có khả năng sinh ra hàng triệu ấu trùng lưu hành trong máu.

Không thể chữa khỏi khi đã gây biến chứng

Do giun chỉ bạch huyết sống trong các hạch bạch huyết nên gây tổn thương, viêm tắc hệ bạch huyết và tổ chức, để lại những di chứng hết sức nặng nề như: phù chân voi, đái dưỡng chấp, bìu voi, da phù nề, phồng rộp...những vị trí thường gặp ở nam giới là bộ phận sinh dục và chân, phụ nữ thì chân và 2 vú.

Bệnh giun chỉ bạch huyết chỉ điều trị dứt khi còn là ấu trùng giun.

TS.BS Lê Thành Đồng, Viện trưởng Viện Sốt rét – Ký sinh trùng –Côn trùng TP.HCM. Ảnh: BH
TS.BS Lê Thành Đồng, Viện trưởng Viện Sốt rét – Ký sinh trùng –Côn trùng TP.HCM. Ảnh: BH

Bệnh này chủ yếu ở vùng nhiệt đới và hiện nay không có vaccine nào phòng ngừa bệnh giun chỉ bạch huyết.

Phương pháp chẩn đoán phổ biến nhất là soi kính hiển vi tìm giun chỉ trong máu người bệnh. Cần lấy mẫu bệnh phẩm vào thời gian gần nửa đêm, thời điểm duy nhất trong ngày có giun chỉ xuất hiện ở máu.

TS Đồng cho biết thêm, chưa có một  điều tra dịch tễ đầy đủ nên chưa thể thống kê tỉ lệ người mắc bệnh giun chỉ bạch huyết, cũng như phân bố khu vực dịch tễ của phía Nam như thế nào.

Hiện nay, tất cả các bệnh nhân bị bệnh giun chỉ bạch huyết trong giai đoạn ấu trùng (chưa di chứng thành chân voi) thì được điều trị miễn phí.

Các bệnh nhân khi có nghi ngờ mình bị nhiễm giun sán có thể đến các cơ sở y tế hoặc đến Viện Sốt rét – Ký sinh trùng –Côn trùng TP.HCM làm xét nghiệm để tìm ra bệnh.

Tháng 10 vừa qua, hệ thống các Viện Sốt rét – Ký sinh trùng –Côn trùng đã tổ chức hội thảo cấp quốc gia bàn về kế hoạch xây dựng và chiến lược phòng chống Ký sinh trùng trong đó có giun chỉ bạch huyết. Dự kiến năm 2010 sẽ trình Bộ Y tế và Chính phủ về chương trình phòng chống giun sán  và côn trùng  trong cộng đồng.

Theo Bee.net.vn