Ngày càng nhiều người mắc bệnh da liễu

09:06, 17/11/2009

Sự biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường khiến số người bị bệnh da liễu ngày một tăng, chủ yếu là những bệnh khó chữa, hay tái phát.

Sự biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường khiến số người bị bệnh da liễu ngày một tăng, chủ yếu là những bệnh khó chữa, hay tái phát.

Số bệnh nhân đến khám tại Viện da liễu Quốc gia ngày một đông. Hiện trung bình mỗi ngày, khoa Khám bệnh phải tiếp 500 - 550 người bệnh nhân, tăng 150 - 200 người so với cùng thời gian những năm trước.
 
Phát bệnh ngứa do môi trường

Bác sĩ Trần Hậu Khang, Viện trưởng Viện da liễu Quốc gia, cho biết, biến đổi khí hậu cộng với tốc độ công nghiệp hóa và cuộc sống đô thị ngày một phát triển đã làm số người mắc bệnh về da liễu tăng nhanh. Sự biến đổi khí hậu tác động vào điều kiện môi trường và các hệ tự nhiên, vốn là nền tảng của sức khoẻ và sự sống, dẫn đến các hậu quả xấu về sức khỏe, trong đó có làn da.

Sự phát triển công nghiệp, đô thị hóa cũng khiến môi trường càng ô nhiễm do khói bụi, rác thải sinh hoạt và rác thải công nghiệp không được xử lý triệt để. Nhiều hóa chất được sử dụng trong sinh hoạt, sản xuất và trồng trọt cũng làm biến đổi môi trường sống, góp phần làm thay đổi cơ địa ở người, khiến con người dễ mắc các bệnh dị ứng hơn.

Khám bệnh tại Viện Da liễu Quốc Gia.

Gia tăng rõ rệt nhất dưới tác động của biến đổi môi trường sống là viêm da cơ địa và vảy nến, hai bệnh thường gây ngứa khiến bệnh nhân khó chịu, giảm chất lượng cuộc sống. Bác sĩ Nguyễn Thành, Trưởng khoa Khám bệnh, cho biết số bệnh vảy nến chiếm 20% - 30% số người đến khám, mề đay chiếm 10% - 15%.  Vào mùa đông, thời tiết lạnh, hanh khô, số người phát bệnh, tái phát hoặc tăng nặng các bệnh này càng nhiều. 

Bệnh khó chữa dứt, dễ tái phát

Anh Nguyễn Văn Hưng, 39 tuổi, ở Hoài Đức, Hà Nội, bị bệnh vảy nến từ nhiều năm nay. Thỉnh thoảng, bệnh lại có một cơn tăng nặng, ngứa nhiều, da liên tục bong vảy, khiến anh rất khó chịu. Anh được bác sĩ cho dùng nhiều loại thuốc nhưng bệnh vẫn tái phát thường xuyên. "Khổ lắm, giữ gìn đủ kiểu nhưng không thoát được. Chỉ cần vui miệng uống mấy chén với anh em, hay bực mình vì thằng con hay phá làng phá xóm là bệnh lại hành, hoặc đôi khi chẳng vì cái gì cả", anh tâm sự. 

Có lần nghe có phương pháp quang hóa trị liệu mới, rất hiệu quả, anh Hưng vay mượn họ hàng để có tiền điều trị, kết quả khá tốt, bệnh tình đỡ nhiều và ổn định được lâu hơn, nhưng cũng không thể giúp khỏi hẳn. Hưng nói: "Đằng nào cũng tái phát, mà chi phí điều trị bằng phương pháp mới khá đắt nên tôi lại thôi, chỉ dùng thuốc như cũ. Giờ bắt đầu mùa lạnh, tôi lại sắp khổ rồi".

Còn chị Thu Hà, 32 tuổi, ở Thanh Trì, Hà Nội, thì khổ sở vì bệnh viêm da cơ địa. Mỗi khi có cơn cấp tính, chị ngứa đến mất ăn mất ngủ, lúc nào cũng căng thẳng cố kiềm chế để không gãi nhiều. "Nào bôi, nào uống, nghe nói những thuốc tôi uống có nhiều tác dụng phụ nhưng kệ, miễn sao thoát khỏi cơn ngứa không chịu nổi này", Hà  than thở. Chị cho biết càng về sau, các cơn viêm da cấp tính của chị càng xuất hiện dày hơn, và các thuốc chị dùng cũng "nặng đô" hơn.

Bác sĩ Nguyễn Thành cho biết, vảy nến và viêm da cơ địa đều là bệnh mãn tính, tái đi tái lại nhiều lần nếu không được chữa trị tốt và kiêng cữ cẩn thận: "Bệnh viêm da cơ địa không loại trừ lứa tuổi, vảy nến thì dễ gặp hơn ở tuổi trung niên và tuổi trưởng thành. Vấn đề điều trị và thuốc đặc chủng cho hai bệnh này vẫn là một thách thức lớn với y học bởi chúng thường tái đi tái lại, không thể chữa được dứt điểm".

Để giảm các phiền toái của bệnh, giảm nguy cơ tái phát, bác sĩ Thành khuyến cáo bệnh nhân vệ sinh da thật tốt,  tăng cường dinh dưỡng cho da bằng cách ăn hoa quả, tránh chất kích thích như rượu, bia, cà phê... Riêng với viêm da cơ địa, người bệnh nên tránh những yếu tố dễ gây dị ứng như bụi, mùn vải, chất tẩy rửa, những thực phẩm gây dị ứng. Khi đã dị ứng với chất tẩy rửa nào (dầu gội, sữa tắm, nước rửa bát...) thì tuyệt đối không sử dụng lại vì sẽ gây tái phát bệnh. Với trẻ nhỏ bị viêm da cơ địa, khi tắm cần dùng nước ấm, cắt ngắn móng tay để hạn chế xước da khi gãi, mặc quần áo bằng vải cotton mềm, tránh nhiệt độ phòng quá nóng, điều trị ngay khi có biểu hiện nhiễm trùng da.

Với các tổn thương ở lòng bàn chân, bàn tay, người bệnh phải dùng kem dưỡng ẩm, nhưng phải kiểm tra xem mình có dị ứng với sản phẩm đó không. Bôi thử lên cánh tay, sau tai, từ vùng nhỏ rồi bôi rộng ra. Có những trường hợp dùng một sản phẩm dưỡng da lâu ngày không sao, nhưng sau đó lại dị ứng do cơ địa thay đổi.
 
Với bệnh vảy nến, bác sĩ  Thành khuyên nên tránh stress, hạn chế kỳ cọ và bóc da, tránh nhiễm khuẩn, đặc biệt là nhiễm khuẩn tai mũi họng. Bệnh nhân nên kiêng rượu vì rượu làm bệnh nặng lên, lại tương kỵ với các thuốc điều trị. Tuy chưa có biện pháp điều trị dứt điểm nhưng bệnh nhân nên cố gắng lạc quan và kiên nhẫn, vì sự nóng nảy, chán nản sẽ làm giảm hiệu quả điều trị.

Theo Đất Việt