Tình nguyện làm bố trẻ nhiễm HIV

17:25, 28/11/2009

Họ mới ở tuổi đôi mươi nhưng đã được các em nhỏ bất hạnh ở Trung tâm GDLĐXH Yên Bài II (xã Yên Bài - Ba Vì - Hà Nội) gọi bằng… bố.

Họ mới ở tuổi đôi mươi nhưng đã được các em nhỏ bất hạnh ở Trung tâm GDLĐXH Yên Bài II (xã Yên Bài - Ba Vì - Hà Nội) gọi bằng… bố.

Tình cờ thương yêu

Cuối tháng 9/2006, Dương Trọng Nghĩa (ĐH Kiến trúc Hà Nội) tìm đến Trung tâm Yên Bài - nơi tập trung hơn 40 cháu bé bị nhiễm HIV, với mục đích tìm kiếm thêm thông tin cho đề án thiết kế làng trẻ HIV.

Nhóm Chung tay trong một đêm hội cho trẻ nhiễm HIV
Nhóm Chung tay trong một đêm hội cho trẻ nhiễm HIV

Nhưng không ngờ, khi tiếp xúc với các em, trong lòng Nghĩa dấy lên một tình cảm đặc biệt. “Tuổi đời các em còn dài mà tuổi sống ngắn ngủi quá. Mình nghĩ phải làm một việc gì đó để bù đắp cho các em những thiệt thòi. Tuy vậy, mình cũng có những đắn đo”, Nghĩa kể lại.

Sau nhiều đêm suy nghĩ, Nghĩa gọi cho chị Nguyễn Thu Lan (cán bộ văn phòng Bộ Y tế) nhờ chị giúp đỡ về mặt thủ tục để có thể đem một cái Tết ấm cúng dành cho các em.

Ý tưởng của chàng sinh viên Kiến trúc được post liên tục lên mạng và nhận được nhiều comment (bình luận) của các sinh viên. Cuối cùng, Nghĩa tập hợp được hơn 20 sinh viên tại Hà Nội. Nhóm “Chung tay” ra đời.

Liên tiếp Tết năm 2007, 2008, nhóm lên trung tâm Yên Bài tổ chức đêm hội “Bánh chưng” cho các em. Đêm nào cũng có những giọt nước mắt của các thành viên trong nhóm, khi nhìn nụ cười của các em.

Cùng nhóm với Nghĩa, Bùi Việt Dũng (sinh viên Đại học Y tế Cộng đồng) chia sẻ: “Mình là dân y tế nên mình biết khi tiếp xúc với các em nhiễm HIV thì không dễ bị lây. 20 trái tim tình nguyện luôn vui vẻ chơi đùa, ôm hôn các em như em út nhà mình”. 

Bà Giám  đốc Trung tâm Nguyễn Thị Phương rất vui vì có một nhóm tình nguyện đã đem hơi ấm ngày xuân đến cho các em. Bà cho biết đã có rất nhiều nhóm tình nguyện lên đây tặng quà rồi ra về nhanh chóng nhưng nhóm “Chung tay” thì làm hẳn hai chương trình “hoành tráng”.

Cần bố để thành một gia đình

“Ngọc hoàng” Nguyễn Như Trinh và bé Vi trong đêm “Bánh chưng 2007”.
“Ngọc hoàng” Nguyễn Như Trinh và bé Vi trong đêm “Bánh chưng 2007”.

Những ngày cuối tuần, nhóm "Chung tay" lại gói gém ba lô quần áo cũ, bịch kẹo, thùng sữa, chồng truyện tranh… để mang lên cho các em. Các em rất thích thú gọi các nam sinh viên như Dương Trọng Nghĩa, Bùi Việt Dũng, Nguyễn Như Trinh là… bố. Khi được hỏi thì các em ngây thơ trả lời: “Vì đã có những “mẹ” (bảo mẫu chăm nom) rồi nên chúng con cần có bố để thành một gia đình”. 

Các “bố” tình nguyện thường dạy các em vẽ nhà, mỗi ngôi nhà có bố, mẹ và con. Vẽ cả những cây xanh nữa, những cây con nhỏ xíu mà các em thường nhìn thấy ngoài vườn đang vươn mình tốt tươi. 

Sự tích cực của nhóm “Chung tay” dường như đã lan toả nhiệt huyết đến các bạn thanh niên khác. Nhiều bạn trẻ đã tìm đến Trung tâm để đem cái chữ cho các em nhỏ. Đầu năm 2007, Như Trinh, một thành viên của nhóm, đã mời được bạn học của mình là chị Đặng Thu Trang – Giáo viên dạy môn Mỹ thuật ở Trường tiểu học Đồng Nhân (Bách Khoa – HN) lên Trung tâm dạy vẽ cho các em.

 “Mình nghĩ phải mời được cô giáo chuyên nghiệp lên để các em có phương pháp vẽ cơ bản, mang tính sư phạm nhất”, Trinh nói.

Nguyễn Như  Trinh, sinh viên Đại học Bách Khoa, phó nhóm lại nhớ có hôm cả nhóm đang trên đường Yên Bài, trờ mưa rất lớn, nhưng rồi anh em vẫn quyết định đội mưa phóng xe máy đi.

Rơi nước mắt 

Dương Trọng Nghĩa nhớ lại: “Nhân dịp Tết thiếu nhi 2007, chúng tôi kết hợp với Trung tâm đưa hơn 20 cháu ra thủ đô viếng lăng Bác. Có lẽ là lần đầu tiên bọn trẻ được nhìn thấy phố phường, thoát khỏi bốn bức tường của nhà trẻ”.

Vì phụ huynh các trường tiểu học xung quanh Trung tâm lo ngại con em mình học chung với trẻ nhiễm HIV nên hơn 40 em nhỏ vẫn chưa được đến trường. Cách đây 4 năm, cô Đinh Thị Thủy (giáo viên Trường Tiểu học Việt – Mông) đã tình nguyện lên trung tâm dạy chữ cho các em nhỏ.

Nhiều đợt tình nguyện, nhóm “Chung tay” cùng cô dắt các em ra các trường Tiểu học xung quanh trung tâm Yên Bài để dự buổi chào cờ đầu tuần. Sau đó, các em lại trở về trung tâm học vẽ và chơi đồ hàng.

Và nhiều hoàn cảnh ứa nước mắt đã được các “ông bố” sinh viên hết lòng giúp đỡ. 

Cách đây 2 năm, một phụ huynh ở Hải Phòng có liên hệ với nhóm “Chung tay” để nhờ nhóm giới thiệu một cháu bé lên trung tâm Yên Bài. Mẹ của cháu bé là gái mại dâm.

Một thời gian sau, trong một buổi họp tại dự án về hỗ trợ việc làm cho người có HIV tại Hà Nội, Bùi Việt Dũng nghe được tâm sự về cuộc đời chìm nổi của một cô gái trẻ và biết rằng chính cô là mẹ của cháu bé đó. Biết con mình vẫn còn sống, chị ta hứa hẹn sẽ đi tìm con.

Theo Bee.net.vn