Sĩ Hoàng: Sự can đảm rất đàn ông

15:24, 23/11/2009

Bước chân vào văn phòng với trang trí nội thất mang nét hoài cổ của nhà thiết kế thời trang- họa sĩ Sĩ Hoàng, dễ làm ta có cảm giác thân thiện và không khí ấm áp quen thuộc: chỗ này là nửa cái bánh xe bò trở thành lưng ghế dựa...

Bước chân vào văn phòng với trang trí nội thất mang nét hoài cổ của nhà thiết kế thời trang- họa sĩ Sĩ Hoàng, dễ làm ta có cảm giác thân thiện và không khí ấm áp quen thuộc: chỗ này là nửa cái bánh xe bò trở thành lưng ghế dựa, chỗ kia là cái thùng xe giờ thành băng ghế tiếp khách, rồi trục bánh xe giờ là chiếc chao đèn… Sĩ Hoàng đang tự nhắc nhở mình điều gì vậy?

Đã quá sợ những vết cắt

Đối với Sỹ Hoàng ký ức tuổi thơ trong anh về áo dài có đủ 2 tông màu sáng tối. Ký ức đó là hình ảnh mẹ, dì, các cô mặc áo dài đi làm, đi phố, đi chùa, đi tiệc… Ngay cả ngoài chợ sau giờ tan sở đôi khi cũng có thấp thoáng bóng áo dài. Rồi Sài Gòn giải phóng, trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn của muôn nhà, ký ức đó lại là hình ảnh mẹ anh đã phải đành đoạn cắt tà để biến áo dài thành áo ngắn cho đỡ lạc lõng bên cạnh những áo bà ba, áo sơmi hay áo bộ đội. Thời đất nước vừa ra khỏi chiến tranh, tìm đủ miếng ăn cho cả đàn con đã là khó khăn lắm, thế nên thân phận những chiếc áo dài của mẹ phải chịu hẩm hiu cho đến mức đem bán cũng không được vì… chẳng ai mua. Dù chỉ mới là cậu bé hơn 13 tuổi, anh đã phải trải nghiệm cảm giác hụt hẫng, phải trải nghiệm nỗi đau mất mát mà mãi khi ở vào tuổi trưởng thành, anh mới gọi được thành tên: đau khi nhìn thấy một giá trị văn hóa thân quen nhưng quí giá bị hắt hủi bởi thời cuộc. Anh ôm theo niềm đau ấy qua suốt thời sinh viên của mình. Niềm đau ấy tuy âm ỉ nhưng đã thành nỗi ám ảnh đến mức sau này, trong những mẫu thiết kế áo dài của anh, không bao giờ có kiểu chắp nhiều mảnh vải lại để thành một tà. Anh đã quá sợ những vết cắt.

Sau cuộc thi hoa hậu áo dài đầu tiên do báo Phụ nữ TP. HCM tổ chức vào năm 1989. Sĩ Hoàng đã nghiễm nhiên trở thành cái tên bảo chứng cho tà áo dài truyền thống. Để rồi từ đó đến nay, Sĩ Hoàng luôn đứng ở đẳng cấp hàng hiệu đối với làng thời trang trong nước và quốc tế. Từ các chương trình tầm quốc gia như Hoa hậu Áo dài, Festival Huế… đến những đấu trường sắc đẹp tầm thế giới như Hoa hậu hoàn vũ 2008, không thể nào vắng bóng những chiếc áo dài Sĩ Hoàng.

Sĩ Hoàng yêu Áo dài say đắm. Niềm say đắm ấy, vượt qua thời gian vẫn vẹn nguyên đến tận bây giờ. Về phần mình, áo dài cũng dành trọn cho anh tình yêu thật nồng nàn. Vốn dĩ là dáng áo dài rất đoan trang nhưng khiêm nhường có phần hơi nhẫn nhịn,  vậy mà từ lúc “bén duyên” với anh, áo dài cũng trở nên đầy cá tính, có sôi nổi, có dịu dàng, có phá cách có hiếu kỳ, nhưng cũng có đằm thắm, nghiêm nghị, và đôi khi còn có chút tinh nghịch nữa… Tất cả đều vô cùng sang trọng, duyên dáng, đều làm cho những ai có dịp mặc vào cũng thấy mình trở nên mực thước hơn, đẹp hơn mà lại ngọt ngào hơn. Nhìn cái cách anh yêu Áo dài mới thật dễ thương. Chăm chút từng li từng tý cho vẻ đẹp của nàng áo dài, chưa đủ, anh còn đau đáu ngày đêm tìm cách cho “người anh yêu” trẻ mãi. Cuộc thi “Áo dài Con vẽ” thường nên được công ty Sĩ Hoàng tổ chức lần đầu vào năm 2008 là một trong những hoạt động nhằm mục đích này. Không chỉ đơn giản là phát hiện những mầm non hội họa mà để bối dưỡng và phát triển mà sâu xa hơn, cuộc thi ấy còn là để gieo mầm yêu thương đối với áo dài vào tận tiềm thức của những em bé bây giờ - sẽ là những người lớn sau này, thức dậy tình yêu sâu, đủ đậm, để mai sau áo dài sẽ luôn chiếm vị trí ưu tiên trong tình cảm cũng như việc chọn lựa trang phụ của nhiều thế hệ tương lai. Bảo tàng Áo dài- Nhà hát- thư viện Áo dài là cụm công trình nắm trong dự tính kế tiếp của anh.

Đã có một thời, áo dài được xem như kiếu áo độc quyền của người Việt Nam . Nhưng Sĩ Hoàng lại cho rằng: “muốn bảo tồn và phát triển bền bỉ điều gì thì phải làm cho điều ấy được nhiều người biết đến, nhiều người chấp nhận, trên hết là được nhiều người sử dụng. Và người ta chỉ thích sử dụng khi người ta cảm thấy có nét gần gũi thân quen”. Một hướng đi mới ra đời đưa áo dài Việt Nam ra với thế giới. Với thị trường Pháp, anh có dáng áo dài phảng phất hơi hướng Soiree. Cho thị trường Trung Quốc thì lại gợi nhớ đến xườn xám với đôi tay trần mà kín cổ, nhưng bất ngờ nhất là những nét thiết kế cho thị trường Mỹ: áo dài hồn nhiên nhập chung vào với loại trang phục rất bụi:đặc trưng của người Mỹ- là quần jeans và áo pull mà vẫn hài hòa mới lạ.

Qua những hoạt động dành cho áo dài mang đậm tính bảo tồn như vậy, dễ dàng nhận thấy ở anh không chỉ có tình yêu sôi nổi mà còn có cả nghĩa thủy chung sâu lắng. Anh bảo tình còn có lúc thăng lúc trầm, chứ nghĩa thì cứ ngày càng đầy thêm mãi. Cái nghĩa ấy giúp anh hiểu thấu đáo bổn phận của mình đối với một giá trị truyền thống của dân tộc, hơn nữa giá trị đó đã đem lại cho anh một sự nghiệp mà không phải ai cũng dễ dàng có được. Anh đáp nghĩa cho áo dài bằng tất cả tài năng và sự nhiệt tâm đầy trách nhiệm, nên thành quả công việc có sức lan tỏa thật xa, thật sâu dù anh không phải là n gôi sao điện ảnh, nhưng chẳng phải chỉ riêng giới trung lưu hay trí thức biết anh, mà từ bác xích lô trong hẻm nhỏ, thím bán xôi ở góc đường đến chị tiểu thương tận miền cao nguyên xa tít, hầu như ai cũng nhận ra Sĩ Hoàng khi vô tình gặp anh trên phố. Anh xúc động vì trong lòng của mỗi người VIệt Nam luôn có sẵn tình cảm trìu mến cho áo dài. VÌ vậy anh cũng được yêu … lây. Bởi anh đã và đang tiếp tục góp phần làm đẹp thêm cho tà áo ấy.

1

Tôi thích vẽ chân dung mình màu trắng

Nếu có người thích vẽ chân dung anh, anh muốn bức họa đó sẽ như thế nào?

Tôi thích bức chân dung của mình màu trắng!

Trắng quan niệm của người phương Đông là kết thúc hay theo cách của phương Tây là tinh khôi, trong trắng?

Theo cách của hội họa.

Giữa muôn vàn sắc màu  tươi tắn quanh mình, vì sao một người nổi tiếng như anh lại chọn cho mình bức chân dung chỉ là một màu trắng giản đơn như vậy?

Là họa sĩ như  tôi, khi bắt đầu vẽ thì luôn đặt trước mắt mình tờ giấy trắng. Chẳng ai lại bắt đầu một bức vẽ mới trên tờ giầy đã vẽ rồi. Những gì ta đạt được giống như bức tranh đẹp trên trang giấy cuộc đời. Khi đã hoàn thành một tác phẩm rồi thì dù cho đó có là tác phẩm đem đến vinh quang đi nữa,ta cũng nên xếp nó sang bên. Hãy lẩy ra một tờ giấy mới còn trắng tinh để bắt đầu tác phẩm kế tiếp. Tờ giấy trắng chưa có nét vẽ nào mới khiến bạn cảm thấy phải đặt bút vẽ lên đó.

Nếu điểm lại những tác phẩm của anh thì sẽ thấy ngay không lặp lại chính mình là nguyên tắc xuyên suốt của anh tuân thủ rất nghiêm ngặt đối với công việc đòi hỏi sự nhạy bén cao độ về cảm xúc, cộng với sự siêng năng của tư duy này. Mỗi chiếc áo dài mang thương hiệu Sĩ Hoàng đều là chiếc duy nhất, dù đó là áo dài may cho khách hàng thân thiết, cho các lễ hội tầm cỡ quốc gia hay cho các cuộc trình diễn hoặc tranh tài tầm quốc tế. Nhớ lại hai đêm diễn kỷ niệm diễn kỷ niệm 10 năm hoạt động thời trang của anh ở nhà hát thành phố năm 2001, sau phần trình diễn áo dài ấn tượng, đến cuối  chương trình trước khi tấm màn nhung khép lại, anh đã đưa toàn bộ 100 người mẫu ra chào khán giả trong trang phục là áo dài trắng muốt.

Thông điệp của anh thật rõ ràng: “Tất cả những tác phẩm dù độc đáo, ấn tượng đến đâu cũng đã trở thành quá khứ”.

Anh nói vui: “Tôi sợ phải làm loài nhai lại”. Anh luôn tâm niệm và cố gắng làm sao để tác phẩm sau luôn mới lạ, đẹp hơn tác phẩm trước.

Trong nghề nghiệp, anh ghét điều gì nhất?

Tôi ghét khái niệm tượng đài. Vì đã là tượng đài thì chỉ để chiêm ngưỡng và để… thờ. Ai mà dám đụng tới nữa. Trong lĩnh vực sáng tạo thì không nên xây tượng đài, mà hãy luôn xem đó là một quyển vở trắng để cho nhiều thế hệ cùng nhau trình bày tác phẩm của mình.

Cái gì quá mức cũng trở thành bất lợi

Cứ tưởng nhắc đến Sĩ Hoàng là chỉ nhắc đến áo dài. Hóa ra chẳng phải thế. Thoạt đầu, khi biết tin anh nhận lời “rủ rê” của NSUT Thành Lộc, đồng ý thiết kế trang phục cho vở diễn nổi tiếng Bí mật vườn Lệ chi, không ít người đã cho rằng đó chỉ là một chuyến ngao du kiểu cưỡi ngựa xem hoa. Thế mà, bằng tài năng của mình, chàng nghệ sỹ này đã thực sự đem lại sinh khí mới cho  trang phục sân khấu, khiến nó dần được chuyên nghiệp hóa hơn với phương châm đầy trách nhiệm “đẹp nhưng phải đúng”. Sau Bí mật vườn lệ chi, anh tiếp tục thiết kế trang phục cho hàng loạt vở diễn lớn như Kim Vân Kiều, Chiếc áo thiên nga… Phong cách làm việc chuyên nghiệp của anh góp phần xóa bớt đi sự tùy tiện lai căng thiếu đồng bộ trong khâu thiết kế trang phục.

Khi được hỏi “vì sao an chọn cho mình lĩnh vực thiết kế mới xem chừng rất đối nghịch với lĩnh vực thiết kế áo dài và thời trang, bởi với sân khấu, mọi yếu tốt đều phải tuân thủ tính lịch sử và cả đạo diễn nữa, làm sao có thể tự do thăng hoa bay bổng như thiết kế áo dài?”. Anh cho biết: “ Trong cuộc sống, vấn đề nào cũng có hai mặt. Khi thiết kế thời trang - áo dài đúng là rất tự do trong sáng tạo, nhưng cái gì quá mức đôi khi  trở thành bất lợi, tự do quá sẽ dễ bị mất phương hướng. Khi tôi thiết kế trang phục sân khấu, sự gò bó cần có  giúp tôi thăng bằng trở lại”.

Bên cạnh lĩnh vực nghề nghiệp chính của mình, từ nhiều năm nay, anh vẫn thường xuyên dạy vẽ cho trẻ em mồ côi và khuyết tật, vì “cho tiền không bằng cho nghề”. Thông thường, khi đã là doanh nhân thành đạt, thì hoạt động từ thiện là một việc đương nhiên. Nhưng ở anh, nhờ có thành tâm, công việc từ thiện đã được nâng lên một tầm mới chứ không dừng lại ở mức độ “nhường cơm sẻ áo” thường gặp trong các hoạt động từ thiện, tôi luôn đặt cho mình vào vị trí người chia sẻ chứ không bao giờ là người đi cho, bởi dù là ai thì  cũng xứng đáng được tôn trọng”.

Những điều ít ai ngờ, công việc được anh dành trọn sự trìu mến là việc dạy học. Bản thân anh chưa bao giờ muốn dùng chữ “dạy”. Nhưng giờ đứng lớp, với anh thực sự là những giờ chia sẻ kiến thức thú vị vì “khi tôi hướng dẫn học viên những kiến thức này, đồng thời họ hướng dẫn lại tôi những kiến thức khác. Nhớ những ngày đi phổ cập bổ túc văn hóa cho bà con lao động nghèo, qua cách họ đối xử với tôi, tôi hiểu được thật sâu sắc thế nào là tinh thần tôn sự trọng đạo”.

Có lẽ, đó là cách sống mà họa sĩ Sĩ Hoàng đã chọn.

 

Theo Mỹ thuật