Đề thi tốt nghiệp THPT 2008 – 2009: Nên ra thế nào?

10:07, 18/11/2009

Xung quanh câu hỏi ra đề thi tốt nghiệp THPT năm nay thế nào để triệt tình trạng chỉ đạo tỷ lệ tốt nghiệp bằng chấm thi, chúng tôi xin trích đăng ý kiến của một số nhà giáo có kinh nghiệm và tâm huyết.

Xung quanh câu hỏi ra đề thi tốt nghiệp THPT năm nay thế nào để triệt tình trạng chỉ đạo tỷ lệ tốt nghiệp bằng chấm thi, chúng tôi xin trích đăng ý kiến của một số nhà giáo có kinh nghiệm và tâm huyết.

 Thi  THPT năm 2009 ở Hội đồng thi trường Trần Nhân Tông (Hà Nội) (Ảnh: Phạm Yên)
Thi THPT năm 2009 ở Hội đồng thi trường Trần Nhân Tông (Hà Nội) (Ảnh: Phạm Yên)

Môn toán: Không được quên biên giới, hải đảo

(Lê Thống Nhất, thầy giáo có tên tuổi nhiều năm trong các lò luyện thi khu vực Trường ĐH Bách khoa)

Điều bất cập nhất của kỳ thi năm trước là,  học sinh (HS), khi thi tốt nghiệp THPT luôn luôn phải nhớ mình là ai, học chương trình chuẩn hay chương trình nâng cao và khá nhiều HS phải thêm một động tác phụ – ngoài học chương trình chuẩn vẫn phải học thêm chương trình nâng cao vì phía trước là kỳ thi ĐH cần kiến  thức cả hai chương trình.

Tệ nhất là khi đi thi tốt nghiệp, HS phải nhớ định lý này hay định lý kia nằm trong chương trình nào và cái nào mình sử dụng trong đề thi mình chọn mới được công nhận, cái nào không.

Đầu mùa thi năm nay,  Bộ GD&ĐT đã nhận thức được sự bất cập và đã thể hiện trong  dự thảo quy chế sửa đổi bổ sung.

Vì vậy, nếu như trước kia, khi đi thi, HS vào phòng thi dễ bị lẫn lộn giữa các kiến thức và các lựa chọn thì  nay chỉ chọn làm đề số một hay đề số hai là được, hoàn toàn không phân biệt mình thuộc hệ nào. Đây là tiến bộ đáng kể nhất từ sự lắng nghe của Bộ GD&ĐT.

Mấy năm trước, người thi đau khổ thế nào thì người ra đề (NRĐ) đau khổ như vậy. Nhưng năm nay, NRĐ chỉ việc ra hai đề tự chọn có mức độ khó dễ tương đương.

Theo đó, một đề chủ yếu  dùng kiến thức của chương trình chuẩn, còn một đề chủ yếu dùng kiến thức của chương trình nâng cao.

Tuy nhiên, NRĐ cần lưu ý, đây là một kỳ thi tốt nghiệp THPT, không phải kỳ thi tuyển sinh vào đại học, cao đẳng, càng không phải một kỳ thi học sinh giỏi.

Phải luôn nhớ rằng mình đang ra đề kiểm tra kiến thức phổ thông cho học sinh thuộc quá nhiều vùng miền của đất nước (nếu theo bảy vùng miền thi đua của Bộ thì có bảy vùng HS khác nhau về trình độ).

NRĐ phải ra một đề làm sao đạt được yêu cầu kiểm tra tối thiểu trình độ của học sinh tốt nghiệp THPT. Tránh trường hợp NRĐ cho rằng mình là người quan trọng vì đang làm một việc quan trọng nhưng lại không thấu hiểu trình độ và yêu cầu của đối tượng THPT là gì.

Ra đề đánh đố HS nhiều quá thì đó không phải là đề thi tốt nghiệp. Đề thi phải là cái tối thiểu để HS chứng tỏ trình độ của mình. Với HS các tỉnh, thành phố lớn, đề thi thường không có vấn đề gì. Vấn đề là phải đảm bảo cho các học sinh ở miền núi, hải đảo xa xôi vượt qua được, để tránh tình trạng phải chỉ đạo tỷ lệ tốt nghiệp bằng chấm thi.

Dường như đã có lúc (như kỳ thi năm trước), NRĐ không thấu hiểu trình độ, kiến thức tối thiểu của học sinh ở mọi vùng miền. Tình hình chấm môn văn vừa qua cho thấy rất rõ điều đó.

Tôi xin nhắc lại, NRĐ cần hiểu và  yêu cầu tối thiểu trình độ kiến thức để xứng đáng tốt nghiệp THPT là gì để tránh tình trạng phải có chỉ đạo chấm điểm cho từng vùng. Không thể để vùng này chấm nhẹ, vùng  kia chấm nặng  mà chỉ nên có một quy định chấm chung cho mọi vùng miền.

Muốn đạt được như vậy, hội đồng ra đề phải gồm đại diện của nhiều vùng miền khác nhau, đặc biệt nhiều giáo viên miền núi, hải đảo để họ phản biện đề thi trước khi đưa đề ra sử dụng vào mục đích thi cử.

Môn văn: Chỉ nên giơ cao đánh khẽ

(Lê Phạm Hùng,  giáo viên văn Trường THPT Hà Nội-Amsterdam)

Sau vài năm tốt nghiệp  ở tỷ lệ 50 - 60 phần trăm,  nay dường như đã trở lại ... tỷ lệ cũ rồi. Tỷ lệ mới bây giờ lại xấp xỉ 90 phần trăm nhưng, trên thực tế,  học sinh ngày càng kém và  không muốn học.

Nếu, theo như năm nay, Bộ GD&ĐT công bố tự chọn, muốn làm câu nào cũng được, không phân biệt HS học theo chương trình nào thì cũng đồng nghĩa với việc không có vẻ gì là học sinh chọn câu khó để làm. Vì vậy,  đương nhiên người dạy và người học nhàn nhã hơn nhiều vì bớt được nhiều bài - chương trình nâng cao nặng hơn và nhiều bài hơn.

Tuy nhiên, HS vẫn phải học cẩn thận cả hai chương trình nhất là  phần kiến thức giao thoa giữa hai chương trình này.

Mẫu đề thi mới thường là một phần câu hỏi, một phần nghị luận xã hội, một phần tập  làm văn. Nếu xét về hình thức thì đề như thế là rất nặng và học để làm được đề đó đúng yêu cầu cũng không phải đơn giản, nhất là trong hoàn cảnh học sinh mấy năm trở lại đây kém hẳn (đây không phải là nhận xét của riêng thày Hùng - PV).

Vì vậy,  đề thi có thể vẫn ra theo hình thức đó nhưng định lượng ít đi, sơ sài hơn, hỏi dễ hơn. Ngoài phần câu hỏi, có thể  chỉ cần một câu tập làm văn bắt buộc, một đề nghị luận xã hội và một đề nghị luận văn học cho học sinh tự chọn.

Nếu đề ra khó quá, HS sẽ không làm được; hoặc nếu có làm, các em cũng sẽ qua loa đại khái.

Theo Tiền phong