Ai bán quyền qua cầu Thăng Long?

21:02, 06/12/2009

Sửa cầu Thăng Long, cây cầu huyết mạch ở phía bắc thủ đô, đã làm cho tắc nghẽn giao thông trở nên trầm trọng. Rồi mãi sau mới thấy bắc "cầu phao dài nhất nước" để giải toả phần nào nạn ùn tắc.

Sửa cầu Thăng Long, cây cầu huyết mạch ở phía bắc thủ đô, đã làm cho tắc nghẽn giao thông trở nên trầm trọng. Rồi mãi sau mới thấy bắc "cầu phao dài nhất nước" để giải toả phần nào nạn ùn tắc.[links()]

Lẽ ra người ta phải tính trước và bắc xong cầu phao mới bắt đầu sửa, chẳng hiểu có lường trước hay không, nhưng việc chậm bắc cầu phao cho thấy chắc là chưa lường hết.

Trong thời gian sửa cầu, toàn bộ xe khách từ 12 chỗ trở lên và xe tải bị cấm qua cầu Thăng Long từ 6h sáng đến 21h đêm. Chưa có cầu phao, các xe bị cấm sẽ phải đi đường khác khiến cho quãng đường, thời gian và chi phí tăng lên.

Thế nhưng nhiều xe thuộc diện bị cấm khi có tấm giấy ghi chữ "CTL" hay "TL" vẫn đi lại bình thường qua cầu Thăng Long. Giới lái xe nói rằng người ta "bán" cái "giấy phép" ấy với giá từ vài triệu đến cả chục triệu tuỳ loại xe. Xe có giấy mua được quyền đi trên cầu Thăng Long trong thời gian sửa chữa. Và tất nhiên người cuối cùng phải trả là khách hàng. Xe khách tăng giá vé vì "chi phí" của họ tăng lên. Nghe nói còn có lực lượng đại lý đi chiêu khách mua mà giới lái xe gọi những người này là "cò mồi".

Một số giấy "CTL" hay "TL" còn có đóng con dấu của Cục Thanh tra Đường bộ Việt Nam và người ta không rõ đấy là dấu giả hay dấu thật vì làm giả con dấu đâu có khó. (Ảnh minh họa)

Báo giới vào cuộc, khiến Thanh tra giao thông Hà Nội phải kiểm tra. Hàng loạt xe có "giấy phép" đã bị thu giấy tờ và bị phạt. Rồi dư luận được biết, Cục Thanh tra Đường bộ Việt Nam có cấp giấy phép qua cầu Thăng Long cho các phương tiện làm nhiệm vụ đặc biệt, xe đưa đón công nhân viên làm việc ở hai bên đầu cầu. Số lượng xe đặc biệt được cấp phép như thế được xác định trước, không nhiều và chắc các xe này không phải "mua" giấy phép đó.

Ngoài việc "bán" giấy phép, dư luận còn bức xúc về chuyện "làm luật" hay trực tiếp "bán quyền lưu thông". Nghe nói một bên thu tiền (vài trăm ngàn đồng một lượt) rồi qua bộ đàm báo cho bên kia để khỏi kiểm tra.

Nếu thông tin từ giới lái xe (về giá tiền mua, về đội ngũ "cò" gạ họ mua) là đúng thì rõ ràng có chuyện "bán quyền". Các cơ quan này có được phép bán như vậy? Ai quyết định và quyết định có đúng thẩm quyền không? Người bán có cấp chứng từ thu tiền cho các xe có giấy phép hay không? Không hiểu số tiền thu được ấy có sung vào công quỹ, nộp kho bạc hay rơi vào tay ai đó?[links(left)]

Đấy là những câu hỏi mà cơ quan hữu quan phải trả lời dư luận hay các cơ quan tư pháp. Nếu không được phép bán theo quy định của luật - tôi tin như vậy - thì có sự phạm pháp và cơ quan tư pháp nên vào cuộc để làm rõ.

Nếu không xử lý triệt để hay xử lý xuê xoa sẽ làm xói mòn lòng tin của dân vào tính nghiêm minh của pháp luật, vào chính quyền. Sự xói mòn lòng tin như vậy rất có hại đối với chính quyền, đối với người dân, đối với sự phát triển của đất nước. Chính vì thế phải nên nghiêm trị.

Nhưng chắc chắn người ta lại tìm cách hỏi "chứng cứ đâu?" hay tìm cách đổ lỗi cho người khác. Một quan chức giao thông Hà Nội khi được hỏi về chuyện "làm luật" ở cầu Thăng Long, đã trả lời: một mặt "rất mong nhân dân cung cấp thông tin" nhưng đồng thời lại nói ngay "phải có bằng chứng, phải nêu đích xác đó là cán bộ nào chứ không được nói chung chung". Tất nhiên phải có chứng cứ. Trong trường hợp cụ thể này tìm chứng cứ không khó.

Một mặt, những người bị hại, bị dụ mua "giấy phép" nên mạnh dạn tố cáo. Đó là trách nhiệm công dân. Nếu muốn xã hội phát triển tốt hơn, thì người dân không nên ngại làm những việc như vậy. Nếu tất cả mọi người đều thờ ơ, thì cái xấu sẽ lan ra và sẽ đến lúc không thể chịu được nữa. Tất nhiên cũng có chủ xe tìm cách "kiếm" giấy CTL, những người này chắc không dám tố cáo mà đành chịu mất tiền.

Động cơ kinh tế của họ khi mua "giấy phép" là dễ hiểu. Cầu về "đi qua Cầu Thăng Long" có, cung giảm, giá tăng và lập tức có người tăng cung bằng cách "cấp sai quá nhiều giấy phép qua cầu cho xe bị cấm theo quy định". "Quá nhiều" là bao nhiêu? Hàng trăm hay đến cả ngàn?

Mặt khác, bản thân cơ quan nhà nước cũng phải và có thể làm, chứ đừng chờ người dân  cung cấp bằng chứng thì mới xử lý. Có nhiều cách để kiểm tra và kiểm tra chéo. Vấn đề là có muốn làm hay không. Nếu các cơ quan chức năng vào cuộc, thì bằng các nghiệp vụ chuyên môn họ có thể dễ dàng "bắt quả tang".

Như thế có thể thấy, đã có các dấu hiệu rõ ràng về sự lạm dụng quyền lực, "bán quyền" trong trường hợp này. Để lập lại kỷ cương, để làm dịu dư luận, để củng cố lòng tin của người dân phải làm rõ và xử lý nghiêm. Và việc làm rõ trường hợp này không khó.

Đây là một trường hợp trong muôn vàn kiểu lạm dụng quyền lực khác kể cả nạn "mua quan bán chức". Có những trường hợp khó làm, khó kiếm bằng chứng nhưng nếu muốn làm thì vẫn có thể làm rõ. Trường hợp cụ thể này không khó. Vấn đề chỉ ở chỗ, có muốn làm hay không mà thôi. 

Theo Lao Động