Sữa lại rục rịch tăng giá

11:24, 08/12/2009

Dù đã cam kết không tăng giá đến hết năm nhưng nhiều doanh nghiệp sữa lại vừa "xé rào" khi điều chỉnh mức tăng đến 15%.

Dù đã cam kết không tăng giá đến hết năm nhưng nhiều doanh nghiệp sữa lại vừa "xé rào" khi điều chỉnh mức tăng đến 15%. Nhiều hãng sữa giải thích, nguyên nhân chính là do giá đường leo thang và tỷ giá liên tục "nóng".

Mở đầu làn sóng tăng giá sữa là Vinamilk. Công ty này quyết định sẽ tăng bình quân 6% giá các sản phẩm sữa bột từ tháng 12. Tuy giá sữa nước vẫn được giữ nguyên nhưng tại nhiều cửa hàng, những sản phẩm này của Vinamilk vẫn đang bị đội thêm 500 - 1.000 đồng một lốc.

Một doanh nghiệp khác cũng vừa công bố sẽ áp dụng biểu giá mới là Hancofood. Doanh nghiệp này cho biết sẽ tăng giá 10 - 15% vào đầu tháng 1 năm sau.

Theo bà Bùi Thị Hương, giám đốc đối ngoại Vinamilk, cơn sốt đường mấy tháng nay chưa hạ “nhiệt” và tiếp tục tăng cao hơn nữa trong những ngày vừa qua đã đẩy Vinamilk vào tình trạng khó khăn trong sản xuất. Việc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp thêm quota cho Vinamilk nhập khẩu 5.000 tấn đường cũng chỉ đủ phục vụ hai tháng 10 và 11, còn lại phải mua của doanh nghiệp trong nước khi đã vào vụ đường.

h
Vinamilk mở đầu cho làn sóng tăng giá sữa.

Theo Vinamilk, đến nay giá đường đã vọt lên mức 18.000 đồng một kg (mua sỉ). “Với tốc độ tăng giá trên 100% của đường cùng tăng tỷ giá khoảng 6% thì Vinamilk ước tính phải tăng giá bán sản phẩm lên 35 - 40% mới bù đắp được chi phí. Tuy nhiên, rất khó cho Vinamilk là do cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam đang được triển khai nên Vinamilk chỉ “dám” tăng giá bán lên 6%”, bà Hương tính toán.

Cũng theo bà Hương, mỗi tháng kim ngạch nhập khẩu nguyên liệu sữa của Vinamilk là 15 triệu USD. Việc tăng tỷ giá ngoại tệ thời gian qua khiến doanh nghiệp này chịu thiệt hại thêm khoảng 900.000 USD một tháng.

Đại diện Công ty Hancofood cũng cho biết việc giá nguyên liệu, đặc biệt là giá đường tăng “nóng” làm doanh nghiệp không chịu đựng nổi, đành phải “bấm bụng” điều chỉnh giá.

Ông Trần Hữu Đức, giám đốc đối ngoại Nutifood, cho biết, hiện giá nguyên liệu đầu vào, tỷ giá và các chi phí khác đều tăng, nên việc giá sữa tăng 5 - 10% là hợp lý. Tuy nhiên, do ngay từ đầu năm Nutifood đã cam kết với người tiêu dùng là không tăng giá sữa đến hết năm nên công ty phải... giữ lời. “Để duy trì giá bán này, công ty đã cắt giảm chi phí về makerting, quảng cáo…”, ông Đức nói.

Trong khi sữa nội đang rục rịch tăng giá thì sữa ngoại vẫn khá im lìm. Mead Johnson đưa ra cam kết không tăng giá bán các sản phẩm sữa Enfa A+ cho đến hết năm. Ông Nguyễn Văn Hải, Phó tổng giám đốc Công ty Tiên Tiến, nhà phân phối sữa Mead Johnson, khẳng định, không những không tăng giá bán, hiện với chất lượng tương đương, sản phẩm sữa hộp Enfa A+ của Mead Johnson tại Việt Nam đang thấp hơn các nước trong khu vực, bởi Việt Nam có thu nhập bình quân đầu người thấp hơn. Cụ thể, Enfalac A+ hộp 400g giá bán lẻ tại Việt Nam khoảng 8,3 USD (155.000 đồng), Thái Lan giá là 9,2 USD; Philippines: 9,4 USD, Singapore:13.6 USD...

Đến hẹn là… tăng giá

Mặc dù chưa đến Tết nhưng hiện nay, giá hầu hết các loại hàng hóa đã đồng loạt tăng trong đó mạnh nhất là các mặt hàng như bánh kẹo, thực phẩm, đồ uống. Các loại nước giải khát... tăng 8 -10%; bánh kẹo trong nước cũng tăng 5 -10%; bia Heineken chỉ trong vòng 10 ngày qua đã tăng hơn 40.000 đồng một thùng; quần áo, giày dép tăng 5.000 đồng một sản phẩm; đồ gia dụng tăng 5.000 -10.000 đồng một sản phẩm... 

Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11 tăng 0,55% so với tháng trước đó và trong 11 nhóm hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng, có đến 10 loại hàng tăng giá. Theo dự báo, từ nay đến cuối năm, giá lương thực, thực phẩm có thể tiếp tục tăng cao, chính vì vậy CPI sẽ tiếp tục tăng cao trong tháng 12 do sức mua của người dân đang có xu hướng tăng mạnh, tỷ giá tăng, dịch bệnh, lũ lụt hoành hành... Tuy nhiên, tốc độ tăng giá năm nay được các chuyên gia dự tính ở mức 7 - 8%.

[links()]

Theo Đất Việt