Câu chuyện rùng rợn trên dòng Nậm Nơn

08:20, 07/12/2009

Những chuyến đò chạy như bay giữa dòng nước sâu hàng chục mét, chỉ cần một sơ suất nhỏ cũng có thể bỏ mạng giữa dòng nước mênh mông lòng hồ thủy điện Bản Vẽ, xã Yên Na, huyện Tương Dương, Nghệ An.

Những chuyến đò chạy như bay giữa dòng nước sâu hàng chục mét, chỉ cần một sơ suất nhỏ cũng có thể bỏ mạng giữa dòng nước mênh mông lòng hồ thủy điện Bản Vẽ, xã Yên Na, huyện Tương Dương, Nghệ An.

Trong chuyến công tác về với bà con dân bản ở xã Hữu Khuông, huyện Tương Dương (Nghệ An) chúng tôi được đi trên những chiếc thuyền độc mộc đơn sơ, đầy thú vị và khám phá được bức tranh sơn thủy hữu tình của dòng Nậm Nơn sau khi đại công trình thủy điện Bản Vẽ ngăn dòng.
 
Chuyến đò xuất bến lúc hơn 7 giờ sáng, trời miền Tây xứ Nghệ trở nên lạnh hơn bởi núi rừng bao phủ và độ cao. Chiếc thuyền bắt đầu đưa chúng tôi lướt sóng, dòng Nậm Nơn chưa bao giờ nước dâng cao như thế này.
 
Chỉ mới gần một tháng từ ngày ngăn dòng thủy điện Bản Vẽ (để kịp đến ngày 19/5/2010 phát điện) nước đã dâng cao hàng chục mét, lòng sông sâu hoẵm, bao la biển nước… Đi giữa lòng sông Nậm Nơn tựa như cưỡi trên lưng con rắn khổng lồ lượn quanh co khắp núi rừng Tương Dương.

NamNon1.jpg
Lướt cùng sóng nước Nậm Nơn

Dòng Nậm Nơn được bắt nguồn và chạy dài từ huyện Sầm Tớ (Lào) đổ về Việt Nam qua các huyện Kỳ Sơn và Tương Dương. Dòng Nậm Nơn dài hơn 500km bắt nguồn từ Lào về Việt Nam và hợp lưu với dòng Nậm Mộ từ Kỳ Sơn gặp nhau tại Cửa Rào (huyện Tương Dương) đổ ra sông Lam. Sông có độ sâu hơn 30m ở phía hạ lưu thuộc công trình thủy điện Bản Vẽ khi tích nước.
 
Dòng Nậm Nơn là tuyến giao thông đường thủy nối liền hai huyện Kỳ Sơn và Tương Dương, là con đường ngắn nhất để giao lưu buôn bán hàng hóa cho các xã thuộc hai huyện này. Hằng ngày, có đến cả trăm chuyến chở hàng hóa như: gạo, dầu ăn, muối, lạc, đồ dùng…. chở đến cho hàng ngàn người dân của hai huyện Kỳ Sơn và Tương Dương.

NamNon2.jpg
Những chuyến hàng về bản. Hàng chủ yếu là gạo, dầu ăn, muối... Những chuyến hàng như thế này ngược dòng Nậm Nơn về với bà con bản làng ở vùng cao biên giới thuộc địa bàn huyện Tương Dương và Kỳ Sơn

Với hàng ngàn người dân của hai huyện nêu trên cách để giao lưu, đi lại chỉ có con đường duy nhất là dòng sông Nậm Nơm. Chính vì điều đó, phương tiện độc nhất, nhanh nhất là đi thuyền độc mộc. Và tính mạng của người dân nơi đây hằng ngày được xem như tự đánh cược chính mình với thủy thần là điều hiển nhiên.

NamNon3.jpg
Tăng tốc

Đến thời điểm này, sau khi thủy điện Bản Vẽ chính thức tích nước đã dâng cao một cách đến chóng mặt. Giờ đây những chuyến đi vào với bà con bản làng càng hết sức cam go và nguy hiểm khi mực nước ngày càng dâng cao hàng chục mét. Chỉ cần một sơ suất nhỏ cũng có thể bỏ mạng nơi dòng Nậm Nơn là điều có thể xảy ra.

NamNon4.jpg
Những tay lái đò cừ khôi

Tuy nhiên, trong chuyến đi đầy nguy hiểm đó chúng tôi cũng kịp ghi lại những hình ảnh ngày đầu dòng Nậm Nơn tích nước. Với những chiếc thuyền độc mộc vượt dốc, vượt thác đến ghê rợn cả người, thót tim… Cũng qua chuyến đi này, mới biết được những tay lái đò trên dòng Nậm Nơn đầy ý chí, xử lý các tình huống xấu có thể xảy ra.

NamNon5.jpg
Lấy đà

Một tay lái thuyền thâm niên trên dòng Nậm Nơn tâm sự: “Những ngày vừa qua khi thủy điện Bản Vẽ tích nước, nước dâng lên nhanh lắm, dòng Nậm Nơn như một biển nước mênh mông, sông sâu hàng chục mét. Cánh anh em lái thuyền trên sông này cũng cảm thấy sợ, nhưng vì cái nghề, cái nghiệp nên cứ thế chạy chứ biết sao. Nguy hiểm nhất vẫn là những cánh lái đò lên huyện Kỳ Sơn, càng đi sâu lên khu vực biên giới độ cao, dốc càng nguy hiểm…”.

NamNon6.jpg
Vượt thác nước hung tợn

Với phóng viên có dịp ngồi chuyến đò trên dòng Nậm Nơn với những tay lái đò cừ khôi và kịp ghi lại những khoảng khắc đáng nhớ trong chuyến đi đầy nguy hiểm này:

NamNon7.jpg
Rồi cũng vượt qua hiểm nguy...
NamNon8.jpg
Về bản
NamNon9.jpg
Sau gần một buổi rong ruổi trên những chiếc đò đầy hiểm nguy chúng tôi cũng có mặt tại bản Chà Coong
NamNon10.jpg
Bình yên ở hạ nguồn. Nơi đây thủy điện Bản Vẽ đã tích nước chờ ngày chuẩn bị phát điện nên nước ở hạ nguồn đã dâng cao hàng chục mét....
Theo Dân Trí