Năm 2010, giá đất Hà Nội sát với thị trường: Dân mừng, doanh nghiệp lo

13:58, 09/12/2009

Theo UBND TP Hà Nội, từ ngày 1/1/2010 sẽ áp dụng giá đất mới sát với giá thị trường.

Theo UBND TP Hà Nội, từ ngày 1/1/2010 sẽ áp dụng giá đất mới sát với giá thị trường.

Theo đó, giá đất của Hà Nội cũ vẫn giữ nguyên trong khi giá đất ở các khu vực Hà Nội mở rộng như quận Hà Đông, thị xã Sơn Tây... sẽ tăng rất cao. Điều này khiến không ít chủ đầu tư dự án lo lắng.

Giá đất khu vực mở rộng bằng đất “Hà Nội cũ”

Việc điều chỉnh giá đất sẽ có tác động tới việc bồi thường, giải phóng mặt bằng.

Ngày 8/12, HĐND TP Hà Nội khai mạc kỳ họp thứ 17, kỳ họp thường kỳ đầu tiên sau khi mở rộng Thủ đô. Trong đó, các cử tri đặc biệt quan tâm tới việc xử lý chênh lệch giá đất giữa TP Hà Nội cũ và khu vực Hà Nội mở rộng.

Đất ở tại các quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Thanh Xuân, Tây Hồ, Cầu Giấy, Hoàng Mai, Long Biên được điều chỉnh tăng 21% giá đất tại vị trí 1 của một số đường phố có khả năng sinh lợi cao nhất, bằng mức vượt khung tối đa do Chính phủ quy định là 81 triệu đồng/m2. Các đường phố, vị trí còn lại sẽ được điều chỉnh tăng phù hợp với mức tăng vượt khung tối đa của Chính phủ quy định theo hướng giảm dần từ trung tâm Hà Nội trở ra. Đối với quận Hà Đông, thành phố sẽ từng bước điều chỉnh giá đất sau hợp nhất để tương quan với mặt bằng giá của vùng giáp ranh quận Thanh Xuân và huyện Từ Liêm. Sau khi điều chỉnh, giá đất tại các phường, trục đường giao thông lớn tại quận Hà Đông sẽ tăng tối đa tới 40%.

Như vậy, đất tại các quận nội thành có giá tối thiểu là 1,8 triệu đồng/m2 (vị trí 4 của đường 72 đi qua phường Dương Nội, Hà Đông - đường có khả năng sinh lợi thấp nhất) và tối đa là 81 triệu đồng/m2 (vị trí 1 phố Hàng Ngang, Hàng Đào, quận Hoàn Kiếm -  phố có khả năng sinh lợi cao nhất).

Theo đó, giá đất tại các thị trấn các huyện cũng có xu hướng tăng tùy theo mức độ hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật và khoảng cách so với trung tâm. Dự kiến, giá tối thiểu là 750.000 đồng/m² và cao nhất là 8.040.000 đồng/m². Riêng với các huyện giáp ranh, có tốc độ phát triển kinh tế và đô thị hóa nhanh như Từ Liêm, Gia Lâm, Đông Anh, Thanh Trì, Hoài Đức, Đan Phượng dự kiến giá đất tối thiểu sau khi điều chỉnh là 1.265.000 đồng/m², tối đa là 21,6 triệu đồng/m².

Trong năm 2010, UBND TP Hà Nội sẽ giữ nguyên giá đối với đất nông nghiệp do quy định mới nhất về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Khi Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp, ngoài khoản bồi thường theo giá đất quy định, người bị thu hồi đất trực tiếp sản xuất nông nghiệp còn được hỗ trợ bằng 5 lần giá đất nông nghiệp (đối với ngoại thành) hoặc bằng 30% giá đất ở trung bình khu vực (đối với nội thành). Do vậy, mức giá đất nông nghiệp đã quy định năm 2009 cơ bản vẫn phù hợp với tình hình hiện nay nên không điều chỉnh trong năm 2010.

Chủ đầu tư dự án lo lắng

Qua tìm hiểu các hộ dân bị thu hồi đất tại khu đô thị mới Kim Trung (xã Di Trạch, huyện Hoài Đức) phần lớn các hộ dân đã nhận tiền đền bù trước đều tỏ ý so bì với những người sẽ được nhận tiền đền bù từ thu hồi đất sau ngày 1/1/2010.

Ông Nguyễn Đình Thắng (thôn Dậu 1, xã Di Trạch, huyện Hoài Đức) tiếc nuối: “So với mức giá đất mới áp dụng từ năm 2010, tôi mất hơn 100 triệu đồng. Trong khi tôi mới nhận tiền bồi thường cách đây gần 1 tháng. Ngay cạnh nhà tôi, với lô đất nhỏ hơn gần 1 sào nhưng nhận sau lại được nhận bằng số tiền bồi thường của gia đình tôi”.

Về vấn đề này ông Nguyễn Đức Biền, đại biểu HĐND TP Hà Nội cũng cho rằng, đối tượng được hưởng lợi sau khi có khung giá đất mới là người dân tại các dự án ở những vùng giáp ranh. Tuy nhiên, mâu thuẫn sẽ phát sinh ở những dự án đang bồi thường dở dang vì cùng một dự án mà những người nhận tiền bồi thường trước thiệt thòi hơn những người nhận tiền bồi thường sau. Để tránh gặp phải những vướng mắc này UBND thành phố nên có chính sách để đảm bảo hài hòa lợi ích của các hộ dân.

Ngược lại với tâm trạng vui mừng hoặc tiếc nuối của người được bồi thường đất, các chủ đầu tư dự án lại tỏ ra vô cùng lo lắng. Anh Đỗ Mạnh Hưng, Chủ nhiệm công trình (Xí nghiệp xây dựng nhà Hà Nội), thầu phụ dự án cao ốc khu vực An Khánh cho biết: “Căng nhất là khâu đền bù. Trong thời điểm khó khăn, giá đất đền bù lại tăng khiến chúng tôi thật sự đau đầu. Trong khi đó, lỗi đền bù chậm trễ không hoàn toàn do chủ đầu tư mà chủ yếu là do người dân”.

Tuy nhiên, GS.TS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, việc ban hành khung giá đất mới sẽ kết hợp được hài hòa lợi ích của Nhà nước, người sử dụng đất và người có nhu cầu sử dụng đất thực hiện dự án đầu tư, chú trọng đến lợi ích của người sử dụng đất bị thu hồi. Khuyến khích người bị thu hồi đất chấp hành chính sách GPMB, tăng thu ngân sách nhà nước qua việc thực hiện nghĩa vụ tài chính của các tổ chức, cá nhân sử dụng đất... Việc điều chỉnh giá đất sẽ có tác động tới việc bồi thường, giải phóng mặt bằng tại các dự án thực hiện chuyển tiếp từ năm nay sang năm 2010 vì các chủ đầu tư phải bỏ vốn ban đầu nhiều hơn.

[links()]

 

Theo Giadinh