Cục vàng khổng lồ là minh chứng kho báu mất tích?

08:47, 01/12/2009

Từ khi do anh Lô Văn Ối ở bản Hào, xã Yên Hòa (huyện Tương Dương, Nghệ An) nhặt được cục vàng 2,1kg, người dân ở đây càng tin câu chuyện về kho báu bí ẩn giữa đại ngàn

Từ khi do anh Lô Văn Ối ở bản Hào, xã Yên Hòa (huyện Tương Dương, Nghệ An) nhặt được cục vàng 2,1kg, người dân ở đây càng tin câu chuyện về kho báu bí ẩn giữa đại ngàn do những người giàu có trước đây chạy loạn cất dấu lại sống dậy.[links()]

Chưa đủ cứ liệu để chứng minh câu chuyện này nhưng chuyện đã có nhiều người lên rừng tìm kho báu, chuyện có những người khác cũng nhặt được vàng, chuyện có những vỉa vàng lộ thiên - theo người dân tại đây là hoàn toàn có thực.

Câu chuyện "sống" 200 năm

Những ngày này, bên ấm chè, bàn nhậu, dân bản lại có dịp rỉ tai gợi lại câu chuyện đã tồn tại suốt 200 năm theo chiều dài lịch sử: “Trước kia, ở đỉnh Khe Bu của xã này, nhiều địa chủ thời loạn lạc chạy trốn, thuê người khiêng vàng đi chôn cất trên đỉnh núi”.

Các bậc cao niên đều xác nhận câu chuyện nói trên được truyền tụng từ đời này qua đời khác là có thật. Để xác minh điều này, chúng tôi tìm gặp một trong những người cao niên nhất ở xã Yên Hòa  để hỏi cho rõ thưc hư. Người đầu tiên là cụ Kha Ông Quảng, sinh năm 1929, tức năm nay tròn 80 tuổi.

 Cụ Quảng cho biết, từ thời cha ông kể lại đã biết đến kho báu bí ẩn được các địa chủ thuê người đem chôn tại đỉnh Khe Bu.
Cụ Quảng cho biết, từ thời cha ông kể lại đã biết đến kho báu bí ẩn được các địa chủ thuê người đem chôn tại đỉnh Khe Bu.

Cụ Quảng khẳng định: "Câu chuyện kho báu giữa đại ngàn vẫn được các cha ông lưu truyền và đến nay nó đã có tuổi đời khoảng 3 thế hệ. Nhiều người dân thời nay cũng đã từng đi tìm vận may nhưng đều thất bại. Tôi còn nhớ, ngày xưa các cụ hay kể, kho vàng xuất hiện từ  thời nhà Thanh (Trung Quốc) còn đô hộ, các địa chủ trong làng lo sợ nên khiêng toàn bộ của cải đi lên núi chôn cất và chạy trốn.

Thời ấy, theo như lời cụ, các chum vàng được dân bản mang lên đỉnh Khe Bu (xã Yên Hòa) cất giấu. Tuy nhiên, để giữ kín chuyện cất giữ, số dân bản khiêng thuê vàng đều bị giết chết. Sau đó, đám địa chủ di cư sang Lào lẩn trốn.

Một số người dân bản đã lên đó tìm kho báu và tình cờ phát hiện vài nơi chôn cất vàng. Đem về nhà, chưa kịp mừng vui thì lăn ra ốm chết một cách bí hiểm. Một vài người sau đó cũng gặp tình cảnh tương tự khi đi tìm kho báu"?

Theo truyền thuyết, trong mỗi chum vàng, các địa chủ thuê thầy mo yểm bùa và đánh dấu trên bản đồ cẩn thận nên nếu người ngoại đạo đụng vào vàng của họ sẽ chết?

 Đỉnh Khe Bu, nơi được xem là còn cất giữ kho báu chưa được phát hiện.
Đỉnh Khe Bu, nơi được xem là còn cất giữ kho báu chưa được phát hiện.

Từ đó, vì sợ nên không nhiều người đi tìm vàng, câu chuyện về kho vàng dần bị lãng quên. Cho đến khi, nhiều dân bản lên rừng nhặt được từng thỏi, cục vàng, truyền thuyết kia lại được vực dậy.

Lô Văn Ối, chủ nhân của cục vàng nặng 2,1kg cũng nhặt được tại khu vực gần đỉnh Khe Bu, nơi  được cho là cất giữ kho báu. Chuyện càng đồn thổi hơn khi trên cục vàng, hiện hình nhiều hoa tiết kỳ lạ: Hình ông già đội mũ sắt, hình đứa bé, hình con ngựa...

Theo một số người dân cho biết, trước đó, cũng tại bản Hào, anh Kha Văn Đào và nhiều phu vàng khác khi lên đỉnh đồi khai thác cũng “nhặt” được vàng thỏi to bằng nắm tay. Hiện, theo người dân, anh Đào cũng đang sở hữu cục vàng nặng 1,1kg.

Những cứ liệu liên quan

Theo những tài liệu và chứng cứ lịch sử còn lưu lại, nhiều người dân đến giờ càng củng cố niềm tin kho báu giữa đại ngàn. Trong cuốn Địa chí huyện Tương Dương của PGS Ninh Viết Giao và các cộng sự trích dẫn về cuốn "Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ" do NXB Huế ấn hành nói rõ: "Các triều đại phong kiến đã từng lập mỏ khai thác vàng sa khoáng ở Hội Nguyên (tên gọi của huyện Tương Dương ngày nay).

Mỏ vàng Hội Nguyên ở tỉnh Nghệ An: Minh Mạng năm thứ 9 (1828) theo lời tâu, chuẩn cho người nước Thanh là bọn Hoàng Ngũ Ký chiêu mộ 100 người, bỏ tiền vốn làm xưởng lập nên mỏ Hội Nguyên, cả năm phải nộp 10 lạng vàng 9 tuổi.

 Theo lời cụ, cục vàng "khổng lồ" được anh Ối phát hiện (ảnh trên) chính là hé mở đầu tiên của kho báu dần đã tồn tại hàng trăm năm trong lịch sử.
Theo lời cụ, cục vàng "khổng lồ" được anh Ối phát hiện (ảnh trên) chính là hé mở đầu tiên của kho báu dần đã tồn tại hàng trăm năm trong lịch sử.

Năm thứ 11 (1830), khám lại chỗ khai thác để lấy, số vàng lấy được chẳng được bao nhiêu, chắc là kỹ thuật và công cụ khai thác kém, trong khi đó tiền vốn và công sức bỏ ra nhiều, nên sau đó nhiều mỏ vàng bỏ hoang".

Từ những tài liệu lưu giữ này, cụ Kha Ông Quảng khẳng định: “Chắc chắn là có kho báu. Nhưng có thể nó tồn tại lâu qúa nên bị vùi lấp dưới độ sâu, khó phát hiện”.

Những năm đầu 90, nhiều đội quân khai thác vàng trái phép từ Thái Nguyên, Tuyên Quang, Bắc Cạn… đã đổ xô về vùng đất Yên Hòa, Yên Na, Yên Tĩnh tìm vàng. Trong đó, đội quân khai thác vàng  tại  tỉnh Thái Nguyên đã tìm và phát hiện nhiều vàng tại ngọn khe Huồi Líp, khe Huồi Đình (giáp đỉnh Khe Bu).

Cũng theo một số người dân ở đây cho biết, mới năm ngoái (2008), cũng tại đỉnh Bù Phèn (bản Hào), đám phu vàng ngoài Bắc cũng tình cờ phát hiện ra “mỏ” vàng lộ thiên và tiến hành khai thác.

Theo số liệu, đánh giá của Sở TN&MT Nghệ An thì tại nhiều vùng của địa phương này có khoáng sản vàng. Và các loại khoảng sản vàng cũng khá đa dạng gồm vàng sa khoáng, vàng gốc. Tổng trữ lượng dự đoán khoảng 20 tấn.

Tại vùng đất huyện Tương Dương, trên các sông suối, trên đất chỗ nào cũng có vàng. Trữ lượng dự báo khoảng 7.000kg (P1+P2).

Chính vì số lượng vàng nằm rơi vãi ở khắp nơi, nhiều năm qua, người dân và các “vàng tặc” khắp nơi trong cả nước vẫn hàng ngày ùn ùn đổ về huyện Tương Dương đào xới, lật tung các khe suối, bãi đất, đỉnh đồi tìm vận may.

Theo Bee.net.vn