Mất tiền cũng không hết bệnh vẩy nến

15:02, 14/12/2009

Quá tin vào quảng cáo, nhiều người mắc bệnh vẩy nến bỏ ra hàng chục triệu đồng để mua thuốc Đông y chữa trị, với niềm tin sẽ khỏi bệnh hoàn toàn. Nhưng bệnh không khỏi, mà còn trầm trọng thêm.

Quá tin vào quảng cáo, nhiều người mắc bệnh vẩy nến bỏ ra hàng chục triệu đồng để mua thuốc Đông y chữa trị, với niềm tin sẽ khỏi bệnh hoàn toàn. Nhưng bệnh không khỏi, mà còn trầm trọng thêm.

Thực tế, theo bác sĩ (BS) Nguyễn Minh Quang, Phó giám đốc BV Da liễu Hà Nội, tất cả phương pháp điều trị bệnh vẩy nến hiện chỉ có tác dụng mau chóng làm lành vết thương và kéo dài thời gian tái phát bệnh.

Nhiều biến chứng nguy hiểm

Nằm điều trị tại BV Da liễu Hà Nội, bà T.T.Đ (40 tuổi, ở Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, thời kỳ đầu bà phát hiện trên tay, chân xuất hiện những đám mảng đỏ, kích thước vài centimet, có vảy hơi gồ cao, cứng cộm. Đi khám da liễu, BS cho biết bà mắc bệnh vẩy nến. Sau khi nghe quảng cáo của một hiệu thuốc Đông Y trên đường Giải Phóng (Hà Nội), bà đã mua hết gần 10 triệu đồng tiền thuốc về uống và đắp tại vùng da nổi vảy. Mới đắp thuốc được 2 lần, bà Đ. cảm thấy ngứa rát nên điện thoại hỏi nhà thuốc. Nhận câu trả lời “rát mới nhanh khỏi”, bà Đ. yên tâm đắp thuốc tiếp. Khi những mảng đỏ ngày một lan rộng hơn, xuất hiện ở nhiều vị trí mới như bụng, lưng, gáy, bà Đ. vội vã đi khám tại BV mới biết mình bị biến chứng do đắp thuốc không đảm bảo chất lượng.

Khám bệnh cho bệnh nhân bị vảy nến tại BV Da liễu Hà Nội. (Ảnh: Đức Long)
Khám bệnh cho bệnh nhân bị vảy nến tại BV Da liễu Hà Nội.
(Ảnh: Đức Long)

Ông N.V.L (45 tuổi ở Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc) cũng mất oan tiền và gặp biến chứng vì chữa bệnh vẩy nến không đúng cách. Mắc bệnh cách đây 5 năm, ông L. rất khổ sở vì những nốt vẩy mọc khắp người gây ngứa ngáy. Nghe lời giới thiệu về thuốc Đông y Trung Quốc gia truyền có thể chữa khỏi hoàn toàn căn bệnh này, ông L. nhờ người mua thuốc đem về bôi. Tuy nhiên, mới uống và bôi thuốc được 3 ngày, các nốt vẩy bắt đầu nứt ra, lở loét và rỉ nước. Các khớp tay chân của ông cũng sưng to, đau nhức. Đến BV Da liễu Hà Nội khám, ông mới biết mình bị nhiễm trùng và biến chứng viêm đa khớp.

Không thể chữa khỏi hoàn toàn

BS Nguyễn Minh Quang cho biết, ở Việt Nam, tỷ lệ mắc bệnh vẩy nến chiếm 6-7% tổng số các bệnh ngoài da. Đối tượng mắc bệnh thường tập trung ở lứa tuổi từ 18-40 tuổi. Bệnh này ảnh hưởng rất nặng nề đến chất lượng sống của người bệnh. Chính tâm lý tự ti, chán nản, stress càng làm cho các đợt cấp tái phát nhanh hơn.

Theo PGS.TS Phạm Văn Hiển, triệu chứng của bệnh là các tế bào da chết dày lên, xuất hiện các nốt vẩy da như vẩy cá, gây ngứa. Lớp vẩy này có màu trắng còn da sau lớp vảy có màu hồng. Thời gian đầu, người bệnh thường bị tổn thương ở vùng da đầu, khuỷu tay, đầu gối, bụng. Khi bệnh tiến triển nặng có thể lan ra toàn thân. Nếu không được điều trị đúng cách và kịp thời, bệnh có thể biến chứng sang các bệnh đỏ da toàn thân, viêm đa khớp, vảy nến mụn mủ, ung thư da.

Ông Nguyễn Xuân Hướng, Chủ tịch Hội Đông y Việt Nam cũng khẳng định, cả Đông y và Tây y đều chưa thể chữa dứt điểm bệnh vẩy nến. “Rất nhiều phòng khám Đông y tư nhân, đặc biệt là các phòng khám có thầy thuốc Trung Quốc quảng cáo có các loại thuốc bí truyền của Trung Quốc chữa khỏi bệnh. Tin vào quảng cáo này, có rất nhiều bệnh nhân bị lừa”, ông Hướng nói.

Các BS khuyến cáo, người bị bệnh vẩy nến cần xác định sống chung suốt đời với bệnh, do đó nên kiên trì điều trị và tái khám định kỳ. Cần tránh các yếu tố nguy cơ có thể khiến bệnh trở nặng như: stress, chấn thương, nhiễm trùng, da cháy nắng. Ngoài ra, không nên hút thuốc lá, uống rượu bia hoặc thừa cân quá nhiều. Tắm mỗi ngày để loại bỏ vảy bám trên da nhưng tuyệt đối không được chà quá mạnh hoặc tắm nước quá nóng vì rất dễ làm da bị tổn thương gây lở loét, nhiễm trùng.

Theo Đất việt