Đau mắt vì... ánh sáng

08:46, 10/12/2009

Mắt đỏ và ngứa nên chị Thu không ngạc nhiên khi bác sĩ chẩn đoán chị bị viêm kết mạc. Nhưng Thu thực sự ngỡ ngàng khi được biết thủ phạm gây bệnh chính là... ánh sáng.

Mắt đỏ và ngứa nên chị Thu không ngạc nhiên khi bác sĩ chẩn đoán chị bị viêm kết mạc. Nhưng Thu thực sự ngỡ ngàng khi được biết thủ phạm gây bệnh chính là... ánh sáng.

Sau kỳ nghỉ tại biển cùng gia đình hè vừa qua, chị Thu (sống ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) thấy mắt bị đỏ và ngứa. Nghĩ là do bị nước biển vào mắt nên chị không lo lắng, chỉ dùng nước thường để rửa mắt. Tuy nhiên, sau khi hết kỳ nghỉ, mắt Thu vẫn không có dấu hiệu thuyên giảm mà ngày càng đỏ hơn. Đến bệnh viện khám, chị mới biết mình bị viêm kết mạc do ánh sáng, một tác nhân gây bệnh ít khi được nghĩ đến.

Lý giải cho trường hợp này, bác sĩ Hoàng Cương, Bệnh viện Mắt Trung ương, cho biết ánh sáng ở biển khá gay gắt. Nhiều người đi biển không có thói quen đeo kính bảo vệ mắt trước ánh sáng nên mắt rất dễ bị tổn thương. Việt Nam lại là một nước nhiệt đới, có nắng quanh năm (đặc biệt là vào mùa hè, ở những nơi trống, có nhiều bề mặt phản chiếu ánh sáng như bãi biển) nên nếu không bảo vệ, mắt rất dễ bị ánh sáng gây tổn thương, trong đó có chứng viêm kết mạc.

Theo bác sĩ Cương, viêm kết mạc do ánh sáng thực chất là tình trạng phần ngoài của mắt phơi nhiễm thái quá trước tia UV, đặc biệt là loại có bước sóng ngắn (< 315 nm), dẫn đến hiện tượng bỏng tia xạ mặt trời, tổn thương đến kết mạc.

Do không biết cách bảo vệ mắt, nhiều người phải đến bệnh viện. Ảnh: Lan Hương.
Do không biết cách bảo vệ mắt, nhiều người phải đến bệnh viện.
Ảnh: Lan Hương.

Viêm kết mạc do ánh sáng là bệnh cấp tính, việc điều trị khá đơn giản. Người bệnh cần nhỏ nước mắt nhân tạo và tra thuốc mỡ kháng sinh. Thời gian điều trị chỉ kéo dài trong vòng 48 - 72 giờ sau khi bị tổn thương. Điều nguy hiểm là do bệnh cũng có triệu chứng đỏ và ngứa mắt nên nhiều người nhầm lẫn với bệnh đau mắt đỏ, đau mắt dịch (bệnh do nhiễm khuẩn hoặc virus) nên tự ý sử dụng thuốc chữa các chứng bệnh này và có thể dẫn đến hậu quả cấu. Trường hợp của anh Hiếu ở Gia Lâm, Hà Nội là một ví dụ. Thấy mắt đỏ và nhức, anh cho rằng mình bị đau mắt đỏ nên đã tự ý mua thuốc về nhỏ. Anh nhỏ suốt hai ngày nhưng không thấy có dấu hiệu lành bệnh. Đến khi gặp bác sĩ, Hiếu mới ngớ ra vì biết mắt mình đau không phải do viêm nhiễm mà do tác động của ánh sáng. May mắn là thời gian anh Hiếu tự nhỏ thuốc chưa lâu nên khi đến bệnh viện, mắt anh vẫn chưa gặp phải tổn thương lớn.

"Các chấn thương về mắt do ánh sáng hầu hết không khó điều trị nhưng kiến thức của người bệnh về tác hại của ánh sáng là chưa cao nên không biết tự bảo vệ, lại hay xử lý sai nên có thể gây tổn thương nghiêm trọng đến thị lực, thậm chí dẫn đến mù lòa", bác sĩ Cương nói.

Nên đeo kính râm khi ra nắng. Ảnh: Inmagine.
Nên đeo kính râm khi ra nắng. Ảnh: Inmagine.

Ánh sáng làm mọc u trong mắt

Theo bác sĩ Hoàng Cương, không chỉ gây viêm kết mạc, ánh sáng còn có thể làm xuất hiện mộng thịt trong mắt do nhiễm độc ánh sáng mặt trời mạn tính. Chính việc phơi nhiễm lâu dài dưới nắng (trong đó có các tia sáng nhìn thấy và tia UV) kèm theo việc gió bụi trên đường là nguyên nhân gây ra tình trạng này.

Các mộng thịt này thực chất là các khối u lành tính. Nhưng nếu khối u này phát triển theo hướng tiến về phía lòng đen của mắt thì có thể dẫn đến tình trạng chắn lòng đen, gây giảm thị lực. Nguy hiểm hơn, một số người bệnh hiện vẫn sử dụng cách chữa dân gian rất phản khoa học là dùng búp tre đánh nát cọ xát cho bay đầu của mộng thịt. Bác sĩ Cương cảnh báo, việc tác động trực tiếp vào mắt như vậy hoàn toàn có thể gây biến chứng nặng và mù lòa. Thay vì tự chữa trị theo kinh nghiệm dân gian, người bệnh chỉ cần đến bệnh viện để cắt bỏ mộng thịt bằng một thủ thuật rất đơn giản.

Ánh sáng có thể gây hại cho giác mạc, bề mặt nhãn cầu, võng mạc (màng thần kinh thuộc đáy mắt). Nó có thể dẫn đến viêm bờ mi, đục thủy tinh thể. "Vì thế, chúng ta cũng nên cảnh giác với ánh sáng", bác sĩ Hoàng Cương nói. Biện pháp phòng ngừa hiệu quả là đeo kính râm bảo vệ mắt khi đi ngoài trời nắng. Đối với thợ hàn, nhất thiết phải mang kính bảo vệ khi làm việc.

Theo Lan Hương - Đất việt