Nỗi ưu tư của ’người thầy đổi mới’

10:58, 19/11/2009

Gặp thầy Trần Mậu Minh ít ai hình dung, “cha đẻ” của giáo án điện tử lại là một người có vẻ bề ngoài “cũ mèm” đến thế. Nhưng, ẩn sau là một sự năng nổ, nhiệt tình hết mình với công việc, với sự nghiệp đổi mới giáo dục.

Nếu gõ google.com, sau nửa giây, có gần 16.000 nội dung có tên của thầy Trần Mậu Minh (Hiệu Trưởng THCS Trần Văn Ơn, quận1, TP HCM) gắn với những sáng kiến và đổi mới giáo dục. Thế nhưng, khi chúng tôi đề nghị được viết về thầy, ông vẫn khiêm tốn “tôi có gì đâu để viết?”

Gặp thầy Trần Mậu Minh ít ai hình dung, “cha đẻ” của giáo án điện tử lại là một người có vẻ bề ngoài “cũ mèm” đến thế. Nhưng, ẩn sau là một sự năng nổ, nhiệt tình hết mình với công việc, với sự nghiệp đổi mới giáo dục. Một ngày giữa tháng 11/2009, tôi lại đến gặp thầy, ông đã già đi nhiều so với trước, mái tóc đã bạc hơn phân nửa, duy chỉ có ánh mắt vẫn nhiệt huyết và chất giọng tha thiết khi nói về đổi mới giáo dục.

“Thú thật, tôi hơi lúng túng trong việc tiến hành “ba công khai” theo yêu cầu của Bộ GD - ĐT. Nếu mình làm cho có thì dễ thôi nhưng để làm cho ra làm thì… điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ có đáp ứng nổi hay không?”, thầy Minh đã mở đầu câu chuyện với chúng tôi bằng cái nhìn ưu tư của một nhà giáo có gần 30 năm thâm niên trong nghề dạy học.

Thủ tục hành chính còn quá nặng nề


Những tưởng “thủ tục hành chính” không liên quan gì đến đổi mới giáo dục nhưng khi nghe tâm sự của thầy Minh mới biết rằng đó cũng là vấn đề “cần làm ngay”. “Những vấn đề như kiểm định chất lượng giáo dục, ba công khai…đòi hỏi rất nhiều công sức của người quản lý nhưng các nhà quản lý giáo dục (cụ thể là hiệu trưởng) hiện nay lại phải “ôm đồm” rất nhiều việc”.

Đưa cho chúng tôi xem một xấp tài liệu dày cộm, thầy Minh nói: “Chỉ là việc đấu thầu mua hệ thống dạy và học tương tác nhưng có đến chừng này hồ sơ, không biết đọc đến bao giờ cho xong”. Thầy cũng thú thật, để mua hệ thống này, thầy đã phải truy cập internet và đọc rất nhiều về luật đấu thầu... nên dù được bồi dưỡng hai buổi về quản lý dự án “tôi cũng không biết gì hơn”.

Thầy minh với nỗi ưu tư đổi mới phương pháp giáo dục. Ảnh:M.Dung
Thầy Minh với nỗi ưu tư đổi mới phương pháp giáo dục. Ảnh:M.Dung

Với thực tế, mỗi THCS chỉ có một kế toán, một văn thư, một thủ quỹ và không có các bộ phận thực hiện các nhiệm vụ khác,… gánh nặng thủ tục hành chính sẽ đè nặng lên vai người hiệu trưởng. “Như vậy, muốn thay đổi toàn diện nền giáo dục thì nên chăng Bộ GD - ĐT cũng giảm nhẹ thủ tục hành chính cho… người quản lý?”, thầy Minh ưu tư.

Thay đổi cách đánh giá học sinh

Đầy trăn trở, suy tư nhưng thầy Trần Mậu Minh vẫn khẳng định “sự thay đổi nào cũng có rủi ro, nhưng chính sự không thay đổi là rủi ro lớn nhất. Đổi mới giáo dục là cần thiết vì không đổi mới nền giáo dục của Việt Nam sẽ không thể theo kịp các nước trong khu vực”. Bản thân thầy cũng đang từng ngày tìm hướng đi cho sự đổi mới đó. “Sách giáo khoa hiện nay vẫn ôm đồm kiến thức. Nhưng, trong lúc chờ đợi Bộ GD - ĐT có sự thay đổi chương trình SGK cho phù hợp thì người hiệu trưởng phải tìm ra các phương pháp giảng dạy để cho việc dạy và học đi đúng yêu cầu thực tế”.

Để dạy học sinh kỹ năng, thầy Minh đã “chỉnh” việc ra đề. Từ năm 2005, các đề thi của THCS Trần Văn Ơn được ra theo hướng “học sinh hiểu, vận dụng nhiều hơn là… học thuộc”. Bên cạnh đó, trong những hoạt động ngoại khóa, nhà trường tập cho học sinh thêm nhiều kỹ năng sống…

Không dừng lại đó, thầy Minh còn giảm nhẹ áp lực thi cử đối với học sinh bằng cách thay đổi cách đánh giá. “Trước đây, các cấp lãnh đạo kiểm tra và đánh giá người dạy qua điểm số của học sinh. Do bị áp lực thành tích, giáo viên đâm ra đối phó, cho học sinh “gạo” bài...”. Từ thực tế đó, năm 2005, thầy Minh giao quyền cho giáo viên ra đề thi kiểm tra một tiết, 15 phút.
 
“Nhưng, để công bằng, tránh dạy thêm, học thêm, tôi cho cả tổ bộ môn ra đề và…Ban giám hiệu sẽ xáo trộn các đề đó lại với nhau rồi mới thành đề chính thức”, thầy Minh kể và cho biết mấy năm đầu thi theo kiểu này, kết quả thấp so với việc ra đề thi chung nhưng hiện nay đã có nhiều tín hiệu vui. Bởi năm học 2009 - 2010, trường có đến 131 học sinh giỏi thành phố, chỉ xếp sau THCS Nguyễn Du và bỏ xa các trường khác. Nhưng điều làm thầy Minh phấn khởi nhất là “ý thức học tập của học sinh ngày càng tốt lên và trường tránh được tình trạng giáo viên, học sinh đối phó với kiểm tra”.

Tiếng lành đồn xa, phương pháp đổi mới thi cử do thầy Minh thử nghiệm đã được Phòng Giáo dục quận 1, TP HCM “dòm ngó” và mới đây đã được phổ biến rộng trên địa bàn quận. “Ban đầu, tôi cũng bị phản đối dữ lắm nhưng khi thấy cách làm có lợi cho giáo dục thì nhiều đồng nghiệp cũng đã ủng hộ và cấp quản lý thì đồng tình, nhân rộng”, thầy Minh tâm sự.

Theo Đất việt