Giá đất đã bị thổi lên 30-50 lần

16:04, 22/11/2009

Sau nhiều lần chỉnh sửa, đề án Luật Thuế nhà đất tiếp tục bị các đại biểu Quốc hội phàn nàn vì tính khả thi không cao, chưa hạn chế được đầu cơ, lại không giúp hạ nhiệt được giá đang bị thổi tới 30-50 lần.

Sau nhiều lần chỉnh sửa, đề án Luật Thuế nhà đất tiếp tục bị các đại biểu Quốc hội phàn nàn vì tính khả thi không cao, chưa hạn chế được đầu cơ, lại không giúp hạ nhiệt được giá đang bị thổi tới 30-50 lần.

Theo dự thảo Luật Thuế nhà đất được đưa ra thảo luận tại hội trường chiều 21/11, chịu thuế đối với nhà có giá từ 500 triệu đồng, với thuế suất áp dụng là 0,03%. Đối với đất ở hộ gia đình, cá nhân, Chính phủ đề nghị áp dụng thuế suất theo biểu thuế lũy tiến từng phần. Đối với diện tích trong hạn mức sẽ phải chịu thuế 0,03%; phần diện tích vượt hạn mức nhưng không quá 3 lần áp dụng thuế suất 0,06%; phần diện tích vượt trên 3 lần hạn mức có thuế suất 0,09%.

Với biểu thuế này, Chính phủ hy vọng sẽ kiểm soát được quỹ đất đang bị sử dụng lãng phí, đồng thời hạn chế nạn đầu cơ đang đẩy giá đất lên cao ngất ngưởng.

Đại biểu Trần Du Lịch phát biểu trước Quốc hội. Ảnh: SGGP.

Đại biểu Trần Du Lịch - Đoàn TP HCM cho rằng dự thảo Luật mới “nắm được người có tóc chứ không lôi được kẻ trọc đầu”. Nghĩa là thuế thấp không đủ chống đầu cơ, trong khi những người có nhu cầu nhà ở thực sự, thu nhập thấp lại có nguy cơ phải còng lưng đóng thuế.

Thay mặt cho Đoàn đại biểu TP HCM, ông Lịch đặt câu hỏi: “Chúng tôi muốn biết bản chất của đạo Luật này là gì, nếu là thuế bất động sản, với thu nhập của người dân còn dưới 1.000 USD mỗi năm thì đã đến lúc đánh thuế này chưa? Thứ hai, nhiều năm qua một bộ phận dân cư đã tích lũy số bất động sản lớn, vậy đã đến lúc đánh thuế vào bộ phận này chưa? Thứ ba, tình trạng đầu cơ đất. Từ đầu những năm 1994 đến nay thu nhập quốc dân/đầu người tăng 3 lần nhưng giá đất đô thị tăng gấp 30-50 lần, đạo luật này có điều tiết không?”.

Trả lời cho câu hỏi thứ nhất, ông Lịch cho rằng chưa nên đánh thuế đối với nhà ở, thay vào đó, cần đánh thuế thật cao đối với nhà thứ hai trở lên, nhất là đối với bất bỏ hoang, lãng phí… Theo ông, với mặt bằng thu nhập hiện nay mới đảm bảo được người dân có một căn nhà để yên ổn sống, vì vậy, trong 10 năm tới chưa nên đặt vấn đề thu thuế tài sản.

“Với câu hỏi thứ hai, quan điểm của chúng tôi là không khuyến khích tích tụ tài sản, theo hướng người nào có miếng đất, căn nhà thứ hai trở lên mới đánh thuế, mức thuế chưa cần cao nhưng đưa ra để có tín hiệu”, ông Lịch nói. Theo ông, chỉ nên đánh thuế vào một bộ phận, còn đại bộ phận vẫn chưa đánh thuế để yên dân. “Đúng là trong kinh tế thị trường luôn có đầu cơ, nhưng đầu cơ thái quá là phi kinh tế, méo mó, không còn thị trường”, ông Lịch nhấn mạnh.

Đồng tình với quan điểm trên Đại biểu Nguyễn Thị Nguyệt Hường cũng cho rằng xuất phát từ văn hóa tiêu dùng của người Việt Nam, ngôi nhà để ở được tạo lập cả bằng tiền dành dụm, vay mượn từ nhiều nguồn khác nhau. Trong khi chủ sở hữu nhà đã chịu thuế thu nhập thì tiếp tục đánh thuế nữa sẽ tạo ra tình trạng thuế trùng thuế. “Nếu nhà ở được coi như là một loại tài sản để đánh thuế thì tại sao không đánh thuế vào các tài sản rất có giá trị khác nữa như máy bay, du thuyền, ôtô hạng sang?”, bà Hường đặt câu hỏi.

Đại biểu Nguyễn Đức Kiên, Nguyễn Thị Mỹ Hương, Mai Hữu Tín cũng đồng tình quan điểm nếu muốn dùng Luật Thuế nhà đất để điều tiết thị trường, tăng khả năng quản lý của Nhà nước, định hướng sử dụng đất tiết kiệm hơn hoặc phân bố lại dân cư (kéo giãn dân ở các trung tâm đô thị lớn) thì mức thuế cũng như cách tính thuế của dự thảo luật chưa đáp ứng được yêu cầu.

Đại biểu Trần Việt Hưng - Đoàn Hòa Bình đề xuất: “Riêng đất không sử dụng, để hoang phí phải đánh thuế ở mức 1,5-2% giá trị đất hoặc cao hơn nữa”. Ông Hưng còn đề nghị quy định chế tài nghiêm đối với các hành vi gian lận trong đăng ký, kê khai, nộp thuế.

Dự thảo Luật thuế nhà, đất sẽ tiếp tục được trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 7 (dự kiến tháng 5/2010) và nếu được Quốc hội thông qua sẽ có hiệu lực vào đầu năm 2011.

 

Theo VnExpress